(CAO) New Zealand đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới mở rộng lệnh cấm túi nhựa trong siêu thị sang loại túi mỏng, thường được dùng để đựng trái cây hoặc rau củ.
Động thái này có hiệu lực vào ngày 1-7, là một phần trong chiến dịch rộng lớn hơn của chính phủ chống lại việc sử dụng túi nhựa dùng một lần.
Hầu hết người mua sắm đã mang túi của họ đến cửa hàng sau khi túi nhựa mang về nhà bị cấm vào năm 2019.
Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã áp đặt một khoản phí hoặc lệnh cấm đối với túi nhựa.
Phó Bộ trưởng Môi trường Rachel Brooking cho biết: “New Zealand thải ra quá nhiều rác thải, trong đó có rác thải nhựa”.
Bà cho biết thêm, hơn một tỷ túi nhựa đã được tiết kiệm kể từ khi lệnh cấm túi nhựa dày hơn có hiệu lực vào năm 2019.
Động thái mới dự kiến sẽ ngăn chặn việc sử dụng 150 triệu túi nhựa mỗi năm.
Các nhà phê bình đã nêu lên mối lo ngại rằng, người mua hàng có thể đặt hàng tạp hóa trong túi giấy dùng một lần, vẫn có sẵn trong siêu thị.
New Zealand cấm sử dụng túi nhựa đựng đồ tươi sống trong siêu thị
Bà Brooking đáp lại: “Việc này vẫn đáng làm, nhưng chúng tôi thực sự muốn giảm thiểu việc đóng gói bất cứ thứ gì sử dụng một lần. Vì vậy, chúng tôi muốn mọi người mang theo túi của riêng họ và các siêu thị đang bán túi là các sản phẩm có thể tái sử dụng”.
Chuỗi siêu thị Countdown, điều hành hơn 185 cửa hàng trên toàn quốc, đã bắt đầu bán túi lưới polyester có thể tái sử dụng với hy vọng điều này sẽ khuyến khích người mua sắm sử dụng túi tái sử dụng để đựng trái cây và rau quả.
Catherine Langabeer, người đứng đầu bộ phận phát triển bền vững tại Countdown, cho biết: “Chúng tôi biết rằng thay đổi là khó khăn và (nó) sẽ khiến họ mất một khoảng thời gian ngắn để thích nghi".
Chính phủ New Zealand đã đạt được tiến bộ trong các sáng kiến khác để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vào tháng 10, chính quyền nước này đã đề xuất đánh thuế khí nhà kính do các động vật trang trại như cừu và gia súc tạo ra. Kế hoạch đầu tiên trên thế giới sẽ cho phép nông dân trả tiền cho khí thải nông nghiệp dưới một số hình thức vào năm 2025.
Ngành nông nghiệp của đất nước chiếm khoảng một nửa lượng khí thải.