Các nhà khoa học lần đầu tiên nhìn thấy 'vũ trụ sơ khai' trong chuyển động chậm

Thứ Tư, 05/07/2023 11:48  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm 4-7, BBC đưa tin các nhà khoa học lần đầu tiên quan sát được vũ trụ thưở sơ khai chuyển động "chậm hơn 5 lần".

Các nhà nghiên cứu đã quan sát dữ liệu từ các chuẩn tinh - những vật thể được cung cấp năng lượng bởi các lỗ đen "siêu nặng" ở trung tâm của các thiên hà sơ khai rồi sử dụng chúng để đo thời gian gần thời điểm bắt đầu của vũ trụ.

Chuẩn tinh là một trong những thiên thể sáng nhất và xa nhất được biết đến. Giáo sư Geraint Lewis, từ Đại học Sydney, nói với BBC rằng, điều này một lần nữa khẳng định chúng ta đang sống trong một vũ trụ giãn nở.

Giáo sư Lewis, tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Astronomy, cho biết: "Nhìn lại thời điểm vũ trụ mới hơn một tỷ năm tuổi, chúng ta thấy thời gian dường như trôi chậm hơn năm lần (ngay sau Vụ nổ lớn). Nếu bạn ở đó, trong vũ trụ sơ khai này, một giây sẽ là một giây - nhưng từ vị trí của chúng ta, hơn 12 tỷ năm trong tương lai, khoảng thời gian đó dường như kéo dài".

Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), chuẩn tinh là những vật thể sáng được cung cấp năng lượng bởi các lỗ đen "siêu khối lượng" phát ra năng lượng khi chúng hấp thụ khí, bụi và các vật chất khác trong tầm hấp dẫn của chúng.

Các nhà khoa học lần đầu quan sát được vũ trụ sơ khai chuyển động chậm 

Nhà vật lý thiên văn - Giáo sư Lewis và nhà thống kê thiên văn Brendan Brewer, từ Đại học Auckland (New Zealand) đã xem xét màu sắc của gần 200 chuẩn tinh trong hơn 20 năm. Sau đó, họ có thể chuẩn hóa tiếng "tích tắc" của mỗi chuẩn tinh.

Giải thích ý nghĩa của nó, các nhà nghiên cứu cho biết, nó xác nhận kỳ vọng của thuyết tương đối rộng của Albert Einstein, có nghĩa là chúng ta nên quan sát vũ trụ xa xôi chạy chậm hơn nhiều so với ngày nay.

Ông nói: "Nhờ Einstein, chúng ta biết rằng thời gian và không gian đan xen vào nhau và kể từ buổi bình minh của thời gian trong điểm kỳ dị của Vụ nổ lớn, vũ trụ đã không ngừng giãn nở. Sự giãn nở không gian này có nghĩa là những quan sát của chúng ta về vũ trụ sơ khai dường như chậm hơn nhiều so với dòng thời gian ngày nay. Trong bài báo này, chúng tôi đã thiết lập điều đó trở lại khoảng một tỷ năm sau Vụ nổ lớn".

Giáo sư Geraint Lewis cho hay, vũ trụ dường như “chảy” chậm hơn 5 lần khi vũ trụ mới hơn một tỷ năm tuổi. Trước đây, các nhà thiên văn học đã xác nhận vũ trụ chuyển động chậm trở lại khoảng một nửa tuổi của nó bằng cách sử dụng siêu tân tinh - những ngôi sao phát nổ lớn.

Nhưng chuẩn tinh cho phép Giáo sư Lewis và nhóm của ông xác nhận lý thuyết xa hơn với tuổi bằng một phần mười của vũ trụ. Ông nói với BBC: "Theo như chúng tôi hiểu thì sự mở rộng sẽ tiếp tục và vũ trụ sẽ ngày càng lớn hơn và trống rỗng hơn".

Bình luận (0)

Lên đầu trang