(CAO) Một tàu vũ trụ của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã chụp được ánh sáng kỳ lạ của tia sét bên trong một dòng xoáy trên Sao Mộc.
Tia sét màu xanh lục được nhìn thấy bên trong một trong nhiều xoáy tụ gần cực bắc của sao Mộc.
Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu nhiều khía cạnh của Sao Mộc, hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt trời, bao gồm cả những cơn bão lớn của nó và cách thức các sự kiện giống như tia chớp xảy ra trên hành tinh khí khổng lồ này.
Các tia sét bắt nguồn từ các đám mây nước trên Trái đất và hầu hết các tia sét xảy ra gần xích đạo. Nhưng trên Sao Mộc, các tia sét xuất hiện từ các đám mây là kết quả của amoniac và nước phản ứng, và chúng xảy ra thường xuyên nhất ở gần các cực của hành tinh.
Tàu vũ trụ Juno, lần đầu tiên đến để quan sát Sao Mộc và các vệ tinh của nó vào năm 2016, đã ghi lại sự kiện này trong lần bay gần thứ 31 tới hành tinh khí khổng lồ này vào ngày 30 tháng 12 năm 2020. Cách các đỉnh đám mây khoảng 19.900 dặm (32.000 km) khi chụp ảnh.
Sử dụng dữ liệu thô từ thiết bị JunoCam của tàu vũ trụ, nhà khoa học công dân Kevin M. Gill đã phát triển hình ảnh cuối cùng vào năm 2022.
Tia sét trên Sao Mộc được tàu NASA chụp được
Những hình ảnh thô của Sao Mộc và các mặt trăng của nó do JunoCam chụp được đăng trực tuyến và có sẵn cho bất kỳ ai xử lý.
Cuộc điều tra đang diễn ra của Juno sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt trời và các đặc điểm nổi bật của nó.
Quỹ đạo của Juno quanh Sao Mộc đang dịch chuyển gần hành tinh này hơn theo thời gian, vì vậy tàu vũ trụ sẽ đi sát qua mặt đêm của nó trong những tháng tới, cho phép có nhiều cơ hội hơn để theo dõi tia sét trên hành tinh khí khổng lồ này.
“Cùng với việc liên tục thay đổi quỹ đạo của chúng tôi để tạo ra những góc nhìn mới về Sao Mộc và bay thấp qua phần tối của hành tinh, tàu vũ trụ cũng sẽ “luồn kim” vào giữa một số vành đai của Sao Mộc để tìm hiểu thêm về nguồn gốc và thành phần của chúng” - Matthew Johnson - quyền giám đốc dự án cho sứ mệnh Juno tại phòng thí nghiệm của NASA ở Pasadena, California cho biết trong một tuyên bố.
Juno được trang bị nhiều thiết bị có thể phát hiện bên dưới lớp mây dày trên Sao Mộc để thu thập dữ liệu về nguồn gốc, bầu khí quyển và các hiện tượng thời tiết của hành tinh. Tàu vũ trụ đã thực hiện hơn 50 chuyến bay ngang qua Sao Mộc và cũng đã thực hiện các chuyến bay gần qua ba trong số các mặt trăng lớn nhất của Sao Mộc, bao gồm các thế giới đại dương băng giá của Europa và Ganymede và Lo - nơi có nhiều núi lửa hoạt động mạnh nhất trong hệ Mặt trời.