(CAO) Sáng 15-8, TAND tỉnh Phú Yên đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” dẫn đến ngân sách nhà nước thất thoát hơn 9,2 tỷ đồng đối với 16 bị cáo.
Các bị cáo gồm: Nguyễn Tài (nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, đương nhiệm Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Yên); Huỳnh Ngọc Sương (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa); Nguyễn Kích (nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Hòa), Nguyễn Kỳ Tổng (nguyên Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện); Dương Văn Nhân (nguyên Phó trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện); Nguyễn Trình Văn, Nguyễn Dương Tiến Hùng, Nguyễn Thị Huỳnh Dung, Nguyễn Văn Sơn (nguyên cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện), Huỳnh Công Dự (nguyên cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện), Huỳnh Ngọc Thắng (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện); Bùi Xuân Quang, Trần Trọng Duy (nguyên nhân viên Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện) và Võ Tấn Vinh (nguyên cán bộ Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện), Lê Văn Hoàng (nguyên Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm) và 1 người dân là Nguyễn Hữu Phí (ngụ P.7, TP.Tuy Hòa - là người đã hợp thức hóa hồ sơ bồi thường để hưởng lợi bất chính tiền tỷ trong việc đền bù giải phóng mặt bằng ở xã Hòa Tâm)..
Trong 16 cựu quan chức này có nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch huyện, có thể đối mặt với mức án từ 10 - 20 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Tài (đeo kính) cùng các thuộc hạ tại phiên tòa xét xử
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Hữu Phí vắng mặt nên các bị cáo còn lại cùng các luật sư và người giữ quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa. Để có phiên xét xử khách quan hơn, HĐXX tuyên hoãn phiên tòa và sẽ mở lại phiên tòa vào ngày 6-9.
Theo kết luận điều tra, đầu tháng 9-2012, UBND tỉnh Phú Yên có Thông báo số 50 về việc thu hồi đất để thực hiện dự án đền bù tại xã Hòa Tâm, giao cho UBND huyện Đông Hòa xác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để triển khai dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô do Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô làm chủ đầu tư.
Ngày 3-4-2013, ông Nguyễn Tài ký quyết định thành lập Ban Giải phóng mặt bằng dự án. Sau đó, ngày 4-4-2013, UBND huyện Đông Hòa ký Thông báo 154 ủy quyền cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Đông Hòa thực hiện hạng mục giải phóng mặt bằng và di dời vật kiến trúc. Ngày 1-7-2013, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Đông Hòa có Quyết định 34 và 35 thành lập 2 tổ kiểm kê dự án.
Sau đó, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Đông Hòa lập lại phương án bồi thường, hỗ trợ đợt 1 cho 10 trường hợp và chuyển đầy đủ hồ sơ cho Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện thẩm định.
Ông Huỳnh Ngọc Sương đã ký quyết định phê duyệt phương án đền bù, hỗ trợ và làm thủ tục chi trả tiền cho các trường hợp bị thu hồi đất với số tiền hơn 4,2 tỉ đồng.
Tiếp tục việc chi trả tiền đợt 2 cho 72 trường hợp bị thu hồi đất, ngày 2-12-2013, ông Nguyễn Tài chỉ đạo Dương Văn Nhân (Phó trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện) sớm thẩm định trình phương án để UBND huyện duyệt chi trả bồi thường.
Khi Văn phòng UBND huyện trình lên cho ông Nguyễn Tài duyệt dự thảo thông báo để ký phát hành thì ông Tài lại thay đổi một số chi tiết; sau đó, ông Tài có bút phê chỉnh sửa phát hành.
Tiếp đó, bà Trần Thị Minh Tâm, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện, soạn thảo Thông báo 504 ngày 4-12-2013 chỉnh sửa nội dung theo chỉ đạo của ông Tài và trình cho Chánh Văn phòng UBND huyện ký gửi các phòng, trung tâm của huyện thực hiện. Trong quá trình triển khai, các thành viên trong các tổ đều biết Thông báo 504 chỉ đạo sai nhưng vẫn thực hiện.
TAND tỉnh Phú Yên, nơi diễn ra phiên xét xử
Tính từ tháng 7-2013 đến tháng 4-2014, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xác lập, kiểm kê, xét, ký quy chủ sử dụng đất, áp giá, lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt và thực hiện phương đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, các bị cáo trên đã cố ý không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, những bị cáo trên đã bồi thường về đất không đủ mật độ, đất lấn chiếm, nhà cất trái phép cho 3 trường hợp; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho cán bộ đang công tác, cán bộ hưu trí, những người ở ngoài tỉnh không trực tiếp sản xuất, không có hộ khẩu và không đăng ký tạm trú ở địa phương 9 trường hợp.
Ngoài ra, các cán bị cáo này đã hợp thức hồ sơ bồi thường, hỗ trợ diện tích đất nuôi trồng thủy sản vượt hạn mức cho 1 đối tượng và đứng tên 4 người khác để nhận tiền cao hơn so với quy định của pháp luật… gây thiệt hại đối với Nhà nước hơn 9,2 tỉ đồng.
Bị cáo Nguyễn Tài được xác định là đối tượng chủ mưu, các bị cáo còn lại đã khắc phục hậu quả thiệt hại hơn 4,2 tỷ đồng. Liên quan đến vụ án này, cáo trạng cũng đề nghị xử lý hành chính đối với 8 người khác.