TP.Hồ Chí Minh: Nhiều mặt tiền kinh doanh... bỏ trống

Thứ Năm, 13/04/2023 16:48  | Nam Anh

|

(CATP) Cùng với những khó khăn chất chồng sau đại dịch Covid-19, tình hình thế giới nhiều biến động đã ảnh hưởng nghiêm trọng lên đời sống nhân dân cả nước mà đặc biệt là TPHCM. Khó khăn kinh tế đã kéo theo những dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, mà điển hình chính là mặt bằng cho thuê. Những căn nhà mặt tiền kinh doanh trước đây được ví như "con gà đẻ trứng vàng" thì nay rơi vào tình trạng ế ẩm, đóng cửa dài ngày...

Giảm giá 50% vẫn ế

Dạo quanh các con đường trung tâm quận 1, 3, 5... dễ nhận thấy rất nhiều căn nhà mặt tiền có vị trí đẹp đang phải đóng cửa, treo bảng tìm khách thuê. Tại một số tuyến đường trung tâm thành phố như Lê Lợi, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi... nơi đây vốn là những con phố sầm uất, hút khách tìm thuê mở điểm kinh doanh, nhưng gần đây bỗng có nhiều mặt bằng treo bảng cho thuê khiến người qua đường không khỏi ngỡ ngàng. Thậm chí có những mặt bằng ở vị trí đắc địa, trước đây dù có tiền cũng khó thuê được thì nay cũng chịu cảnh đóng cửa, sang nhượng.

Theo ông Nguyễn Tiến Trung, một chuyên gia trong ngành bất động sản cho rằng, thời điểm hiện nay tại TPHCM có hàng loạt căn nhà mặt tiền, vị trí đẹp ở trung tâm nhưng phải đóng cửa, khiến nhiều tuyến đường trở nên vắng vẻ. Số lượng cửa hàng mở cửa kinh doanh vẫn chưa nhiều. Trong khi đó, các cửa hàng treo biển cho thuê lại khá phổ biến. Trên các tuyến đường Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Lý Tự Trọng, Lê Lợi... hàng loạt mặt bằng treo biển cho thuê, thậm chí có những cửa hàng, chủ nhà treo biển cho thuê suốt từ đầu năm đến nay nhưng vẫn chưa tìm được khách.

Căn nhà góc ngã 4 đường Lý Tự Trọng - Trương Định nhiều tháng qua vẫn không có khách thuê

Điển hình như căn nhà 2 mặt tiền đường Trương Định và Lý Tự Trọng (quận 1), trước đây là một nhà hàng Nhật nhưng đã trả mặt bằng 1,5 - 2 năm, tới nay vẫn chưa có người thuê. Hiện tại, bên ngoài căn nhà này đang dán chi chít số điện thoại của người môi giới, nhiều số điện thoại đã phai màu không còn đọc được. Theo giới thiệu trên một trang web nhà đất, căn nhà này có diện tích đất 500m2 (20x25m), kết cấu 5 tầng, có tổng diện tích sàn lên tới 1.800m2, phù hợp cho các tập đoàn, thương hiệu lớn trong lĩnh vực F&B mở nhà hàng, hoặc phòng khám đa khoa, trung tâm thẩm mỹ... nhưng đến nay vẫn vắng bóng khách thuê.

Cách đó không xa, một căn nhà khác mặt tiền đường Lý Tự Trọng (Q1) có kết cấu 3 tầng, diện tích đất 10x20m, đang được rao thuê với giá 350 triệu đồng. Ông Trần Công H. (chủ căn nhà trên) cho biết đã treo biển gần nửa năm qua nhưng chỉ có vài người gọi điện hỏi thuê rồi không thấy liên hệ lại.

Lý giải cho những căn nhà mặt tiền đang ế khách thuê, Tập đoàn CBRE Việt Nam (chuyên lĩnh vực BĐS) cho rằng, theo đà suy thoái kinh tế chung của thế giới và Việt Nam, các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều yếu tố thì nhu cầu gói gọn lại các khoản chi là vấn đề họ đặt lên hàng đầu. Vì thế, việc phải chi cho các khoản về mặt bằng là điều các doanh nghiệp hay hộ kinh doanh cá thể luôn quan tâm, cân nhắc.

Điều này dễ dàng nhận thấy ở khu vực trung tâm TPHCM, khi hàng loạt tuyến đường đắc địa đều chi chít nhà đất được dán kín bảng cho thuê mặt bằng. Trong khi đó sức mua ở hầu hết ngành hàng đều đang ở mức thấp, chi phí thuê mặt bằng ở các khu vực trung tâm thành phố lại khá đắt đỏ khiến nhiều đơn vị không thể gánh nổi. Tại đường Lê Lợi - đoạn ngay gần chợ Bến Thành (Q1), trong nhiều năm liền đã bị rào chắn để thi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Sau khi mở rào chắn, nhiều người kỳ vọng hoạt động kinh doanh ở khu này sẽ sớm sầm uất. Mặt bằng được tái lập vào dịp 02-9-2022, nhưng đến nay nhiều căn nhà vẫn đang ế.

Kế bên là đường Lê Thánh Tôn (Q1) được mệnh danh là "đất vàng" của TPHCM nhưng vẫn chi chít bảng cho thuê nhà. Với vị trí đẹp, một mặt bằng ngay ngã tư Lý Tự Trọng - Pasteur (Q1) treo bảng cho thuê từ tháng 12-2022 đến nay nhưng vẫn chưa tìm được khách. Chị Trần Thị Hương Lý chủ nhà cho hay, căn nhà mặt tiền 3 tầng, gia đình dùng 2 tầng trên để ở. Mặt sàn có diện tích 60m2 cho thuê giá 70 triệu đồng/tháng nhưng chưa ai thuê.

Nhà vùng ven cũng đang ế ẩm khách thuê

Mặt tiền vùng ven cũng... bỏ không

Tuyến đường Đồng Khởi, quận 1 rất ngắn cũng có 6 - 7 căn dán bảng cho thuê. Trong số này chúng tôi liên hệ được 2 - 3 môi giới cho biết những căn nhà nói trên do chủ gửi độc quyền, còn một số căn môi giới cho biết chủ không có ở Việt Nam. Hầu hết những căn này có mặt tiền rộng hơn 4m, dài từ 20 - 30m, 1 trệt 1 lầu, giá thuê dao động từ 160 - 250 triệu đồng/tháng. Theo môi giới, giá thuê này đã giảm khoảng 30% trước dịch Covid 19, đồng thời chủ cũng ưu đãi cho thời gian chuẩn bị mặt bằng từ 2 - 3 tháng nhưng vẫn vắng bóng khách thuê.

Để chào mời khách thuê, gia chủ không chỉ làm băng rôn, biển hiệu mà còn lên các diễn đàn nhà đất, mạng xã hội, lập website... đăng tin chào mời. Vẫn biết do tình hình kinh tế khó khăn, kinh doanh khó khăn nên nhiều gia chủ chấp nhận giảm giá thuê mặt bằng đến 30 - 50% cho khách nhưng vẫn rất ít người thuê. Trên các website nhà đất, các hội nhóm trên mạng xã hội cũng tràn ngập thông tin cho thuê cửa hàng. Nhiều thông tin được chủ nhà rao cho thuê nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa tìm được khách. Nhiều địa điểm trước đây được coi là đắc địa trong kinh doanh nhưng nay cũng rơi vào tình trạng cửa đóng, then cài và treo biển giảm giá.

Không chỉ nhà cho thuê khu vực nội thành ế ẩm, các mặt bằng vùng ven cũng đang trong tình trạng tương tự. Trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), một căn nhà mặt tiền trước đây có giá cho thuê 180 triệu đồng nhưng nay gia chủ hạ xuống còn 90 triệu đồng/tháng, nhưng 6 tháng qua vẫn không có người đến hỏi. Tương tự, trên đường Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh), Quang Trung (Gò Vấp)... hàng loạt căn nhà dù đã "đại hạ giá” nhưng vẫn lâm vào cảnh để không. Trước thực trạng mặt tiền cho thuê ế ẩm, nhiều gia chủ chấp nhận giảm giá, chấp nhận thay đổi phương thức thanh toán theo quý, trưng ra nhiều ưu đãi nhưng không có khách hỏi thuê vẫn là hiện tượng chung của nhiều căn nhà mặt tiền cho thuê đang gặp phải.

Bình luận (0)

Lên đầu trang