Nhiều sai phạm tại 2 công ty xổ số kiến thiết Đồng Tháp và Cà Mau

Thứ Ba, 04/08/2020 11:48  | Thiện Thảo

|

(CATP) Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 2 Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết (XSKT) tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Cà Mau để cho các đại lý nợ với số tiền lên đến hơn 160 tỷ đồng. Ngoài ra, hai công ty này còn có nhiều sai phạm khác về tài chính.

VỪA BÁN VÉ SỐ, VỪA... CHO VAY

Ngày 3-8, Thanh tra tỉnh Đồng Tháp đang tiến hành đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra tại Công ty XSKT tỉnh Đồng Tháp. Trước đó ngày 3-6-2020, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về việc thực hiện phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh doanh xổ số tại tỉnh này.

Theo đó, Công ty XSKT Đồng Tháp là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Giai đoạn 2013 - 2017, tổng thu ngân sách về XSKT của Đồng Tháp là 5.874 tỷ đồng, UBND tỉnh đã phân bổ 3.924 tỷ đồng đầu tư 720 công trình; đồng thời chấp thuận cho Công ty XSKT tỉnh Đồng Tháp đầu tư, góp vốn nhiều dự án không mang lại hiệu quả, có dự án đầu tư bị phá sản, mất nhiều tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2017, Công ty XSKT tỉnh Đồng Tháp đã cho các đại lý vé số nợ hơn 82,6 tỷ đồng. Kiểm tra các chứng từ nợ cho thấy, lãnh đạo công ty quá "ưu ái" với các đại lý. Từ năm 2013 - 2017, đại lý Nguyễn Công Thi nợ từ 24,7 tỷ đồng lên đến 31,3 tỷ đồng.

Trong khi nợ đọng trước đó của đại lý Nguyễn Công Thi chưa trả được, UBND tỉnh Đồng Tháp có Công văn ngày 28-4-2014, chỉ dạo Công ty XSKT tỉnh Đồng Tháp cho đại lý này vay 10 tỷ đồng, với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm. Dự kiến cuối năm 2015, đại lý này sẽ hoàn trả cả lãi và vốn. Đến tháng 7-2015, UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục có công văn chỉ đạo Công ty XSKT tỉnh Đồng Tháp cho đại lý Nguyễn Công Thi vay tiếp hơn 5,8 tỷ đồng, đến cuối năm 2016 sẽ trả. Thế nhưng đến cuối năm 2017, đại lý này vẫn còn nợ công ty hơn 44 tỷ đồng.

Công ty XSKT tỉnh Đồng Tháp có dấu hiệu sai phạm về tài chính với số tiền lớn

Theo Thanh tra Chính phủ, Công ty XSKT tỉnh Đồng Tháp không có kế hoạch thu hồi nợ và có khả năng mất tiền nợ của đại lý Nguyễn Công Thi. Ngoài ra, số nợ của các đại lý khác như sau: Nguyễn Văn Thanh (gần 31 tỷ đồng), Nguyễn Thành Danh (hơn 10 tỷ đồng), Nguyễn Thị Yến Đào (3 tỷ đồng), Âu Minh Sáng (3,4 tỷ đồng), Trần Công Hội (hơn 4,6 tỷ đồng), Nguyễn Thị Hồng Tươi (2,5 tỷ đồng)... Từ năm 2013, ông Nguyễn Phước Hải không còn làm đại lý, nhưng Công ty XSKT tỉnh Đồng Tháp vẫn giữ "sổ đỏ” của ông Hải, kèm theo số nợ hơn 63 triệu đồng.

Công ty XSKT tỉnh Đồng Tháp còn chấp thuận các đại lý chưa đảm bảo điều kiện theo quy định của Thông tư số 75 ngày 4-6-2013 của Bộ Tài chính về đại lý vé số. Ngoài ra, hợp đồng với các đại lý tiêu thụ vé số lại không ký thêm phụ lục hợp đồng với các đại lý khi có sự tăng, giảm lượng vé số bán.

Qua kiểm tra các dự án mà XSKT tỉnh Đồng Tháp góp vốn, đều không hiệu quả. Đơn cử việc nhận vốn Nhà nước tại Công ty Sao Mai hoạt động trong lĩnh vực dệt may, với số tiền 3,5 tỷ đồng. Đến thời điểm Thanh tra Chính phủ vào cuộc, công ty vẫn chưa thoái vốn đầu tư tại Công ty Sao Mai.

ĐẦU TƯ NGOÀI NGÀNH SAI QUY ĐỊNH

Năm 2010, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo Công ty XSKT tỉnh Đồng Tháp góp vốn 3 tỷ đồng thành lập Công ty TNHH Bóng đá Đồng Tháp. Đến năm 2018, tòa án tuyên bố Công ty Bóng đá Đồng Tháp phá sản, nên Công ty XSKT tỉnh Đồng Tháp mất vốn đầu tư.

UBND tỉnh cũng đã "phá rào" quy định của Thủ tướng về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, khi cho phép Công ty XSKT tỉnh Đồng Tháp đầu tư ngoài ngành sai quy định, chi hơn 31,5 tỷ đồng để xây dựng Khu liên hợp dịch vụ Bệnh viện đa khoa Sa Đéc cao 5 tầng tại TP.Sa Đéc. Sau đó, khu dịch vụ này được Sở Tài chính tỉnh hợp đồng cho Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Phương Châu thuê làm bệnh viện trong thời hạn 25 năm, với giá thuê chỉ hơn 1,2 tỷ đồng/năm.

Thanh tra Chính phủ xác định, giai đoạn 2013 - 2017, tổng thu ngân sách về xổ số của tỉnh Đồng Tháp là 5.874 tỷ đồng, nhưng UBND tỉnh không phân bổ hết toàn bộ kế hoạch vốn thu XSKT hằng năm như chỉ đạo của Thủ tướng, mà chỉ phân bổ 3.924 tỷ đồng để đầu tư 720 công trình, dự án; đồng thời không tổ chức đánh giá hoạt động xổ số trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn này.

Giai đoạn năm 2013 - 2015, Công ty XSKT tỉnh Đồng Tháp không thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo kế hoạch. Việc tuyển dụng lao động hằng năm không được thực hiện công khai, minh bạch; không thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

Công ty XSKT tỉnh Cà Mau để nợ xấu kéo dài

Mặc dù đề ra Quy chế hoạt động của Hội đồng giám sát XSKT tỉnh Đồng Tháp phải tổ chức họp định kỳ theo quy định, nhưng Thanh tra Chính phủ phát hiện, hội đồng này không tổ chức họp định kỳ.

Tổng thanh tra Chính phủ kiến nghị, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp và phó chủ tịch phụ trách công tác XSKT giai đoạn 2010 - 2017 phải tổ chức kiểm điểm đối với những thiếu sót, vi phạm được phát hiện. Đối với Hội đồng giám sát XSKT cùng các Sở: Tài chính, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo Công ty XSKT tỉnh Đồng Tháp phải tổ chức kiểm điểm các tập thể, cá nhân liên quan, đồng thời có biện pháp xử lý.

CÓ SAI PHẠM, NHƯNG KHÔNG TRỤC LỢI?

Sau khi thông tin Công ty XSKT tỉnh Cà Mau để các đại lý nợ hơn 69 tỷ đồng, ông Lê Thanh Hải (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty này) đã nhận hình thức kỷ luật là nghiêm túc rút kinh nghiệm. Số nợ rất lớn trên do công ty phát hiện, báo chí phản ánh, công ty đã lập đoàn kiểm tra. Theo ông Hải, quá trình kiểm tra nội bộ đã kết luận có sai phạm, nhưng không phát hiện dấu hiệu trục lợi. Công ty tự phát hiện và chủ động xử lý.

Qua đó, ngày 19-5-2020, lãnh đạo Công ty XSKT tỉnh Cà Mau phát hiện có số nợ lớn từ các đại lý. Hôm sau, công ty lập tổ kiểm tra do Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy của công ty tiến hành. Ngày 30-6, tổ kiểm tra có kết luận. Theo đó, đến ngày 31-12-2019, kỳ hạn nợ của đại lý là 4 tuần, vượt một tuần so quy định, tương ứng số tiền 69,9 tỷ đồng, nằm ở 29/112 đại lý.

Đến ngày 30-6-2020, công ty đã thu hồi gần hết nợ, chỉ còn một đại lý nợ khá nhiều, chưa có điều kiện thanh toán ngay. Công ty đã đối chiếu nợ và đại lý này cam kết đến cuối tháng 9-2020 sẽ trả dứt điểm.

Trong thời gian chờ thu nợ, Công ty XSKT tỉnh Cà Mau đã nhận bổ sung thế chấp bằng bất động sản tương ứng với khoản nợ vượt mức. Nếu đại lý không thực hiện theo lộ trình thì công ty sẽ tiến hành bán tài sản để thanh toán nợ. Chịu trách nhiệm về việc để nợ đọng trái quy định này, kế toán trưởng của công ty đã xin từ chức.

Kế toán chuyên trách bị kỷ luật cách hết chức vụ trong Đảng và đang bị xem xét kỷ luật về mặt chính quyền. Việc để nợ đọng chủ yếu do lỗi của kế toán chuyên trách nên ông Hải và các thành viên Ban giám đốc công ty không bị kỷ luật mà chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang