Khó giảm giá heo hơi trong nước
Theo ghi nhận của chúng tôi, giá heo hơi của các trang trại tại các tỉnh phía Nam đang ở mức cao, từ 82 - 85 ngàn đồng/kg. Giá thịt heo bán tại hai chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn (TPHCM) cũng ở mức khá cao: thịt đùi 145 ngàn đồng/kg, thịt vai từ 135 -145 ngàn đồng/kg, thịt cốt lết từ 145 - 155 ngàn đồng/kg, thịt ba chỉ từ 120 - 125 ngàn đồng/kg, sườn non 160 ngàn đồng/kg...
Để giảm giá thịt heo, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Bích Liên (kinh doanh thịt heo tại chợ đầu mối Bình Điền) cho biết, từ ngày Liên bộ Tài chính - Công thương - NN&PTNT cho phép các doanh nghiệp triển khai nhập heo thịt lẫn heo giống, giá thịt bán ra tại các lò mổ có giảm, nhưng chỉ giảm khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg. Theo một tiểu thương khác, giá heo thịt bán tại các lò mổ trên địa bàn TPHCM trong những ngày cuối tháng 7 vừa qua vẫn ở mức cao, khoảng 115 - 145 ngàn đồng/kg, tùy loại thịt.
Các siêu thị hiện nay bán nhiều thịt heo nhập khẩu
Theo khảo sát của chúng tôi, dù việc nhập khẩu heo và thịt heo được cấp phép từ tháng 6-2020, nhưng giá thịt heo hơi trong nước có xu hướng không giảm mà còn tăng. Giá heo hơi ở các tỉnh phía Nam trong những ngày cuối tháng 7 dao động từ 82 - 85 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt heo hơi ở miền Bắc dao động khoảng 90 - 92 ngàn đồng/kg.
Trong tháng 7-2020, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu gần 9.000 con heo sống từ Thái Lan, nhằm góp phần làm giảm giá thành heo hơi trong nước. Để kéo giảm giá heo hơi xuống như Chính phủ đề nghị, trước mắt phải đưa giá thịt heo hơi từ mức 85 ngàn đồng/kg xuống còn 70 ngàn đồng/kg, lộ trình đến cuối quý IV-2020 sẽ xuống mức 65 ngàn đồng/kg.
Nhiều hộ chăn nuôi heo cho rằng, giá heo giống đang ở mức từ 2,5 - 3 triệu đồng/con, để nuôi lớn phải tốn thêm từ 2,5 - 3 triệu đồng chi phí, số lãi kiếm được không bao nhiêu. Vào tháng 7 cùng kỳ năm 2018 là thời điểm dịch tả lợn (heo) châu Phi bùng phát trên toàn quốc, nhiều đàn heo bị đưa đi tiêu hủy cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến giá thành chăn nuôi bị "đội" lên.
Mặt khác, giá thịt heo tăng cao trong thời gian qua do nguồn cung khan hiếm, đây là nguyên nhân chính. Việc tái đàn heo giống hiện nay đang rơi vào tình trạng khan hiếm, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến giá thịt heo trên thị trường vẫn cao.
Nhiều bà nội trợ mua thịt nhập khẩu
Đang lựa từng tảng thịt ba chỉ rút sườn, chân giò heo nhập của Thái Lan, đưa từ kho lạnh của một công ty chuyên kinh doanh thực phẩm nhập khẩu, bà Lê Thị Võ Phương (chủ một quán cơm) cho biết, rất hài lòng về các sản phẩm này. Mỗi ngày, bà sử dụng khoảng 5kg thịt heo để chế biến món ăn cho khách. Trước đây, bà mua thịt tươi ở chợ, nhưng do giá thịt heo thường xuyên tăng, ảnh hưởng đến chi phí kinh doanh nên bà chuyển sang mua thịt nhập khẩu, rẻ hơn khoảng 20%.
Không chỉ các chủ quán ăn, mà nhiều người dân cũng có xu hướng mua thịt heo nhập khẩu. Hàng ngày, bà Nguyễn Thị Năm (ngụ Q4) phải lấy hàng thịt bò, xương heo và chân giò từ mối quen ở chợ để bán bún bò. Từ khi dịch tả lợn châu Phi lan sang nước ta, quán bà thưa khách dần, thu nhập giảm hơn trước.
Thịt heo ở chợ đầu mối Bình Điền bán cho tiểu thương tại các chợ nhỏ
Mối quen thường báo giá giò và xương heo tăng, càng khiến việc buôn bán của bà khó khăn hơn. "Nghe người quen giới thiệu thịt nhập khẩu giá rẻ, tôi mua về dùng thử, nấu nước lèo vẫn béo, trong, ngọt như hàng thịt tươi. Do đó, tôi quyết định chuyển qua dùng thịt đông lạnh để giảm bớt chi phí” - bà chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Lâm (Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Lâm Nguyên Hùng, chuyên kinh doanh thực phẩm nhập khẩu) cho biết: Trước đây, khách hàng chủ yếu của công ty ông là nhà hàng, khách sạn, còn người dân hầu như không biết và không mua thịt đông lạnh.
Từ ngày giá thịt heo trong nước tăng cao, người dân đến mua lẻ rất nhiều. Chỉ riêng tháng 6-2020, công ty đã bán được khoảng 10 tấn thịt cho quán ăn, hộ buôn bán và người dân. Thịt heo nhập khẩu rẻ hơn thịt tươi, được cắt sẵn hoặc nguyên miếng, đông lạnh nên rất thuận tiện cho người dân bảo quản, sử dụng.
Ngoài các công ty kinh doanh thực phẩm nhập khẩu, cửa hàng bách hóa tổng hợp, hầu hết các siêu thị, như: Lotte Mart, Co.opmart, Big C... đều bán thịt heo nhập khẩu song song với thịt tươi. Thịt heo được nhập từ các nước: Thái Lan, Brazil, Canada, Ba Lan, Nga..., bảo quản trong điều kiện đông lạnh. Theo đại diện một siêu thị, hiện nơi đây bán sườn non, chân giò, đùi heo nhập khẩu từ Brazil, giá thấp hơn gần phân nửa so với thịt tươi. Mỗi ngày siêu thị tiêu thụ khoảng 150kg.
Ông Võ Ngọc (chủ lò mổ ở Q12) khẳng định, nguồn cung heo hơi hiện không đạt số lượng yêu cầu của các lò mổ. Điều này có 2 nguyên nhân: do nguồn cung thấp hơn cầu; tổng đàn heo cả nước bị giảm do dịch bệnh (heo tai xanh, dịch tả lợn châu Phi), giá con giống, nguồn thức ăn... khá cao.
Đặc biệt, các trang trại chăn nuôi tại Đồng Nai, Bình Phước... trong những năm qua đang phải giảm đàn, do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các hộ chăn nuôi đơn lẻ không còn tồn tại cũng là nguyên nhân dẫn đến lượng heo nuôi bị giảm.
Theo ông Vũ Văn Thanh (chủ trang trại chăn nuôi heo tại Bình Phước), giá thành nuôi heo hiện nay đang bị "đội" lên gần gấp đôi so với giai đoạn trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Muốn khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, nhà nước không nên ép giá heo hơi xuống mức quá thấp mà nên để thị trường tự điều tiết. Ngoài ra, việc bình ổn giá heo hơi là giải pháp lâu dài, từ việc ổn định giá heo giống, chi phí chăn nuôi..., chứ không phải muốn là có thể thực hiện ngay được.
Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã nhập hơn 3.000 con heo giống và khoảng 12.000 con heo được đăng ký nhập về Việt Nam. Việc tăng đàn heo giống này sẽ góp phần giải quyết khó khăn, do nguồn heo giống trong nước đang khan hiếm.
Theo dự báo, trong thời gian tới, nhiều khả năng thịt heo hơi sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm xuống cho phù hợp, khi dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được khống chế, nhiều trang trại chăn nuôi bắt đầu tái đàn, tình hình chăn nuôi cũng đang thuận lợi.