Ông Tạ Long Hỷ: Cạnh tranh taxi phải lành mạnh, công bằng.

Thứ Năm, 28/02/2019 08:28

|

(CAO) Bộ GTVT đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 86 (lần thứ 7) quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Liên quan đến vấn đề này, ông Tạ Long Hỷ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM đã có những chia sẻ, góp ý của mình.

PV: Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng về việc tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ đối với dự thảo sửa đổi Nghị định 86 (lần thứ 7). Trong đó có hai quan điểm quản lý xe dưới 9 chỗ ngồi sử dụng hợp đồng điện tử theo phương án 1 là xe hợp đồng và phương án 2 là xe taxi. Ông ủng hộ quan điểm nào trong các ý kiến này?

Ông Tạ Long Hỷ: Kinh doanh vận tải hành khách là một dịch vụ liên quan đến tính mạng con người, vì vậy pháp luật Việt Nam quy định đó là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Phải đáp ứng được các điều kiện do pháp luật quy định mới được hoạt động chứ không phải bất cứ ai có ô tô là có quyền đón chở khách lấy tiền. Tinh thần của Nghị định thay thế cũng sẽ theo hướng như thế.

Ông Tạ Long Hỷ cho rằng cạnh tranh trong lĩnh vực taxi phải lành mạnh, công bằng.

Tôi ủng hộ việc quản lý các loại hình kinh doanh vận tải cần rõ ràng, sát thực tế và áp dụng đúng đối tượng. Xe taxi công nghệ hay taxi chính thống về bản chất hoạt động hoàn toàn giống nhau, chỉ khác một điểm có tính chất phương tiện là khách hàng đặt xe taxi công nghệ thì dùng phần mềm, còn taxi chính thống thì đặt xe qua tổng đài.

Tuy nhiên, hiện nay, các hãng taxi chính thống cũng đang phát triển phần mềm (App), đang cung cấp công cụ để khách hàng đặt xe qua phần mềm. Như vậy sự khác biệt này đang dần mất đi. Vì vậy có lẽ không cần phải băn khoăn khi có ý kiến muốn xếp taxi công nghệ và taxi chính thống vào 2 chiếu khác nhau, vô tình tạo ra hai sân chơi khác nhau trong khi bản chất lại giống nhau.

Điều này còn tạo sự công bằng, bình đẳng trong kinh doanh. Taxi công nghệ hay taxi chính thống đều phải tự thân phấn đấu thu hút khách hàng bằng chất lượng dịch vụ. Điều này sẽ giải quyết nhiều vấn đề có tính nguyên nhân dẫn đến xung đột và trục trặc như hiện nay, đồng thời tạo cơ hội cho việc bảo đảm quyền lợi khách hàng, quyền lợi người lao động, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, chống thất thu ngân sách, .v.v…

- Dư luận cho rằng bắt taxi công nghệ phải đeo mào là kéo lùi sự phát triển của công nghệ 4.0?

- Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là điều chờ đợi của cả nhân loại. Nhưng phải hiểu công nghệ 4.0 trong lĩnh vực giao thông phải như thế nào và cao siêu chứ không phải viết một phần mềm đặt xe đơn giản là tự bảo là công nghệ 4.0.

Nhiều thành viên của Hiệp hội Taxi TP.HCM như Mai Linh hay Vinasun cũng đã tạo được và đang áp dụng phần mền loại này chứ không chỉ có taxi công nghệ. Phần mềm loại này cũng không phải là quá cao siêu, gắn cho nó cái nhãn thành tựu của “cách mạng công nghệ 4.0” là một điều quá đáng.

Theo tôi, đó đơn giản là một công cụ đặt hàng, đặt xe mà thôi, giúp khách hàng thêm một kênh lựa chọn nữa ngoài gọi điện thoại cho tổng đài hoặc đón ở điểm tiếp thị hoặc vẫy trên đường.

Việc quy định taxi phải đeo mào là theo thông lệ của thế giới, thay đổi hay không là việc của Chính phủ. Tuy nhiên theo tôi, khi tham gia kinh doanh taxi (công nghệ hay chính thống) phương tiện đó phải có đặc điểm, dấu hiệu nhận dạng được nhằm bảo đảm an toàn cho hành khách và giúp các cơ quan chức năng kiểm soát một cách hiệu quả.

- Có ý kiến đề xuất taxi công nghệ không cần đeo mào mà chỉ cần gắn đèn led. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

- Như tôi đã nói, để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa taxi công nghệ và taxi chính thống thì việc xây dựng chính sách, luật pháp và quy định cho phù hợp, là điều kiện cần. Việc quản lý kiểm soát, thanh kiểm tra việc thực hiện pháp luật cũng phải coi trọng. Đây là hai mặt của một vấn đề - quản lý Nhà nước.

Theo tôi biết, trong 4 năm qua, hệ thống taxi công nghệ chỉ tính ô tô đã lên đến hàng chục ngàn xe, trong đó có khoảng 30.000 xe đăng ký hoạt động tại TP.HCM. Nhưng thực tế làm sao nhận biết được xe nào đang kinh doanh taxi công nghệ? Đó là vì dấu hiệu nhận diện quá yếu.

Vì thế, taxi công nghệ cũng cần có dấu hiệu nhận dạng mang tính cố định, nếu chỉ gắn đèn led trên xe thì nó biến hoá vô chừng. Điều này khiến cho công việc quản lý nhà nước sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Ai đảm bảo việc xe taxi công nghệ chấp hành nghiêm túc quy định này? Ai sẽ phát hiện và ngăn chặn hành vi “thích thì gắn, không thích thì gỡ” đèn led?

Theo tôi, các điều kiện kinh doanh đối với các lĩnh vực khác có thể tiết giảm, nhưng đối với vận tải thì cần chặt chẽ vì liên quan đến tính mạng con người – thậm chí nhiều người.

- Một số ý kiến muốn Grab được hoạt động như hiện nay và không đồng tình quan điểm của Bộ GTVT xếp Grab là taxi công nghệ, ông nghĩ sao về điều này?

- Bản chất của Grab là taxi công nghệ, cũng là taxi. Phải gọi đúng tên theo bản chất nội hàm của nó. Khi làm chính sách, khi lập pháp thì căn cứ vào lẽ công bằng, vào mối quan hệ phổ biến, vào thực tế khách quan và vì sự phát triển của đất nước. Với tầm nhìn vĩ mô, một chủ trương đúng của Bộ GTVT và Chính phủ phải được bảo vệ.

- Là Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, ông mong muốn gì về Nghị định này?

- Chúng tôi chờ đợi một Nghị định chính xác và hợp lý, giúp cho mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, văn minh được thực hiện, giúp cho mọi doanh nghiệp đều có cơ hội phấn đấu, tồn tại và phát triển.

- Cảm ơn ông!

Bình luận (0)

Lên đầu trang