Phương Trang tố bị ngân hàng 'giam lỏng' 14.500 tỷ đồng tài sản

Thứ Bảy, 11/06/2016 05:21

|

Sau khi Ngân hàng Xây dựng (CB) tuyên bố kiện đòi 3.000 tỷ đồng nợ xấu, Công ty Đầu tư Phương Trang phản pháo chính nhà băng đã im lặng trước đề nghị xử lý nợ của doanh nghiệp, khiến khối tài sản nằm "chết" từ năm 2012.

Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang vừa phát đi thông cáo giải trình thông tin nợ vay, đồng thời cho rằng CB đã gây thiệt hại về tinh thần, làm hoang mang cho gần 5.000 cán bộ công nhân viên của công ty, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cho biết, tên chủ thể đơn vị vay nợ được nhắc đến trong thông cáo báo chí của Ngân hàng Xây Dựng là Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang (FUTA Bus Lines) là sai. Trên thực tế, FUTA Bus Lines không có khoản vay hay bất cứ giao dịch nào với CB. Bên đi vay là Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang cùng các đối tác khác. Lĩnh vực hoạt động là bất động sản.

Kế đến, doanh nghiệp khẳng định dư nợ 3.436 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang và các thành viên hợp tác kinh doanh đã được xác nhận bởi các biên bản làm việc ký các bên có cả đại diện chứng kiến của Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an tại CB. "Chúng tôi khẳng định là không vay, không nhận hơn số tiền 3.436 tỷ đồng thì không thể trả hơn số tiền này như các khoản ghi khống của Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) trước đó", thông cáo viết.

Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang cho rằng Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang (FUTA Bus Lines) không có khoản vay hay bất cứ giao dịch nào với CB 

Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang khẳng định thêm, doanh ngiệp chỉ đang thực vay 35 tỷ tại CB. Các khoản nợ vay còn lại thuộc về nhóm các đối tác tổ chức, cá nhân khác.

Quan điểm của doanh nghiệp là CB đưa ra con số 3.000 tỷ đồng được cho là nợ xấu của Phương Trang và các thành viên hợp tác kinh doanh, nhưng không nói đến số tài sản đảm bảo đang thế chấp trị giá hơn 14.500 tỷ đồng là thiếu khách quan. Các tài sản này được doanh nghiệp khẳng định là tài sản hợp pháp do chính Ngân hàng Đại Tín (nay là CB) định giá tại thời điểm cho vay. Việc cầm giữ của Phương Trang theo đó là điều bất hợp lý,thậm chí bất hợp pháp.

4 năm qua (từ năm 2012 đến nay), Phương Trang và các thành viên hợp tác kinh doanh cho biết đã nhiều lần làm việc và chủ động đề nghị CB phải có trách nhiệm đưa ra lộ trình kế hoạch xử lý dứt điểm dư nợ 3.436 tỷ đồng. Đây là số tiền vay công ty thực nhận được từ ngân hàng, đã được kiểm tra các dòng tiền giải ngân có sự chứng kiến của Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan Điều tra Bộ Công an. Những biên bản cụ thể được chính lãnh đạo CB đã qua tham gia kiểm tra ký.

"Thực tế doanh nghiệp đã đề nghị giải pháp bằng cách hoán đổi tài sản bằng sổ tiết kiệm để rút tài sản thế chấp. Vì vậy, nói cho đúng là số dư nợ 3.436 tỷ của Phương Trang và các thành viên hợp tác kinh doanh không phải là nợ xấu mà là do sự cố tình gây khó khăn của "một số cán bộ, lãnh đạo" Ngân hàng CB", thông cáo nêu.

Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang cũng cho biết thêm đã nhiều lần gửi đơn kiện đến các cơ quan chức năng nhằm làm rõ trách nhiệm và quyền lợi của đôi bên. Tuy nhiên, CB được cho là có nhiều động thái kéo dài thời gian khi không phản hồi đề nghị xử lý dư nợ của Phương Trang, gây khó khăn cho công ty suốt hơn 4 năm qua. Doanh nghiệp mong muốn sự việc được giải quyết nhanh, vì nếu kéo dài Phương Trang là bên chịu thiệt thòi lớn chứ không phải ngân hàng.

Trong thông cáo, doanh nghiệp đề nghị CB phải có trách nhiệm với những thông tin sai lệch vừa qua, đồng thời có hướng khắc phục hậu quả bằng cách đính chính, xin lỗi công khai nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp và uy tín thương hiệu cho Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang (đang thực vay 35 tỷ đồng ở CB ) và Công ty cổ phần xe khách Phương Trang (chủ thể doanh nghiệp cho là vô can đến việc này).

Doanh nghiệp cho hay, trong buổi làm việc kế tiếp với CB vào ngày 14/6 tới, công ty đề nghị nhà băng đi đến thoả thuận về các khoản bồi thường thiệt hại kinh tế cho Phương Trang theo đúng luật định. Cơ sở để yêu cầu bồi thường là khối tài sản trị giá 14.500 tỷ đồng đang nằm bất động tại Ngân hàng Xây dựng từ năm 2012 do tài sản thế chấp có tranh chấp, không thể triển khai, sang nhượng. Chưa kể các khoản gây thiệt hại nghiêm trọng về danh dự, tinh thần, thiệt hại kinh doanh khác mà CB đãđang gây ra cho doanh nghiệp.

Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Xây dựng - CB cho rằng, trên hồ sơ pháp lý tại CB, nhóm doanh nghiệp Phương Trang đang có nợ gốc hơn 9.400 tỷ đồng (phát sinh từ thời Ngân hàng Đại Tín - Trust Bank), chưa kể khoản lãi phát sinh và đã quá hạn từ năm 2011.

Về tài sản đảm bảo, mặc dù nhóm doanh nghiệp Phương Trang cho rằng định giá tài sản thế chấp tại CB là hơn 14.000 tỷ đồng, nhưng theo phía Ngân hàng Xây dựng, số tài sản này được định giá trước khi nhà băng này chuyển đổi thành 100% vốn Nhà nước chỉ tầm khoảng 7.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vị này cho rằng vấn đề định giá bao nhiêu không quan trọng bằng việc hai bên có chịu cùng hợp tác để tìm cách giải quyết món nợ. "Bởi việc định giá tài sản cũng chỉ mang tính tương đối và có sự biến động giá qua từng giai đoạn", ông chia sẻ và cho biết do nhóm Công ty Phương Trang chỉ nhận nợ hơn 3.400 tỷ đồng nên CB đã không đồng ý với phương án trả tiền mặt để lấy lại các tài sản đã thế chấp của nhóm công ty này.

Và theo Ngân hàng Xây dựng, trong 5 năm qua Phương Trang chỉ mới thanh toán chưa tới 30 tỷ đồng nợ gốc, còn các khoản lãi gần như không trả. Vì vậy, ngân hàng buộc phải khởi kiện để xử lý nợ. Bước đầu là khởi kiện 10 hồ sơ vay lớn nhất với giá trị 3.000 tỷ đồng. Thời gian tới sẽ củng cố hồ sơ, tiến hành khởi kiện và xử lý tài sản toàn bộ khách hàng vay thuộc nhóm Công ty Phương Trang theo đúng quy định của pháp luật căn cứ trên quyền chủ nợ đầy đủ và hợp pháp của CB.

Ông cho biết thêm, từ khi Ngân hàng Xây dựng chuyển đổi sang mô hình 100% vốn Nhà nước thì nhiệm vụ trọng yếu là tái cấu trúc xử lý nợ xấu. Trong đó, hơn 95% nợ xấu tập trung vào ba nhóm khách hàng lớn là Phương Trang, Thiên Thanh và Phú Mỹ.

"Đây là những nhóm nợ khá phức tạp, cần phải có sự vào cuộc và hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước chứ bản thân ngân hàng khó xử lý được", ông nói và cho biết, 5% nợ xấu còn lại tương đương tầm 1.000 tỷ đồng thì tính đến thời điểm hiện tại, ngân hàng đã xử lý luỹ kế được khoảng 300 tỷ đồng, mục tiêu hết năm 2016 là thu hồi hơn 400 tỷ.

Ngày 8/6, Ngân hàng Xây dựng (CB) đã phát đi thông cáo tiến hành khởi kiện Công ty cổ phần xe khách Phương Trang trả 3.000 tỷ đồng nợ xấu phát sinh từ ngân hàng "tiền nhiệm". 3.000 tỷ đồng nợ xấu này liên quan đến 10 bộ hồ sơ vay của Xe khách Phương Trang (giai đoạn vay 2010-2011 dưới thời Ngân hàng Đại Tín - TrustBank), được nhà băng khởi kiện từ tháng 3/2015 đến tháng 5/2015. Đồng thời CB cho biết, từ nay đến hết năm 2016 sẽ củng cố hồ sơ, tiến hành khởi kiện và xử lý tài sản toàn bộ khách hàng vay thuộc nhóm Công ty Phương Trang theo đúng quy định của pháp luật căn cứ trên quyền chủ nợ đầy đủ và hợp pháp của CB.

http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/phuong-trang-to-bi-ngan-hang-giam-long-14-500-ty-dong-tai-san-3417849.html

Bình luận (0)

Lên đầu trang