(CATP) Nhằm thực hiện văn bản chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về việc tăng cường kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu mặt hàng vàng và ngoại tệ, mới đây, Ban chỉ đạo 389 - UBND TPHCM đã ban hành công văn với cùng một nội dung yêu cầu các Sở, ban ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 TP, Cục Quản lý thị trường (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 TP); UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức triển khai thực hiện nghiêm túc…
Theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, những năm trở lại đây, trên cả nước, các lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trốn thuế đối với nhóm mặt hàng vàng, ngoại tệ. Đáng kể, lực lượng Công an phát hiện và tổ chức đấu tranh triệt phá nhiều đường dây, tổ chức buôn lậu vàng quy mô với thủ đoạn cực kỳ tinh vi.
Điển hình, tháng 9/2022, Cục Cảnh sát kinh tế (C03) Bộ Công an triệt phá đường dây buôn lậu hơn 4 tấn vàng từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc, tỉnh Tây Ninh. Liên quan đến vụ án này, cơ quan Công an đã khởi tố 8 bị can. Tiếp đến, vào tháng 6/2023, C03 phá chuyên án buôn lậu, trốn thuế hơn 3 tấn vàng từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) do Nguyễn Thị Hóa cầm đầu, tổng trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 5.000 tỷ đồng; đồng thời 20 bị can đã bị khởi tố.
Trước đó, Công an Hà Nội cũng đã phá chuyên án buôn lậu vàng trang sức từ Hồng Kông (Trung Quốc) về Việt Nam qua đường hàng không (sân bay quốc tế Nội Bài), thu giữ 36,29kg vàng, 20.000USD, khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can. Ngoài ra, Công an An Giang triệt phá đường dây buôn lậu vàng do Nguyễn Thị Kim Hạnh (tên gọi khác là Mười Tường) cầm đầu, bắt quả tang các đối tượng vận chuyển 51kg vàng với giá trị hơn 70 tỷ đồng từ Campuchia về Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Trước đó, tháng 01/2022, Nguyễn Thanh Bình và Trang Kiến Cường (cùng trú TP.Long Xuyên) cũng bị bắt giữ về hành vi mua bán vàng nhập lập từ Campuchia, thu giữ 18kg vàng, gần 2,3 triệu USD. Vào tháng 8/2023, Công an cũng đã bắt giữ Hồ Văn Sơn, Nguyễn Tấn Phong, Nguyễn Hoài Tâm, Nguyễn Xuân Kiếm và Lý Thị Huệ về hành vi liên quan, thu giữ 19kg vàng.
Khám xét cơ sở gia công vàng vi phạm
Thực tế cho thấy, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép, trốn thuế đối với mặt hàng vàng vẫn đang diễn biến khá phức tạp, tập trung chủ yếu vào các tuyến đường bộ đất liền biên giới phía Tây Nam giáp Campuchia tại các tỉnh: An Giang, Long An, Tây Ninh và biên giới khu vực niền Trung giáp Lào tại Quảng Trị và Hà Tĩnh, tuyến cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất...
Nhìn chung, các đối tượng vi phạm lợi dụng triệt để quy định thông thoáng trong chính sách (quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối của Nhà nước, quản lý xuất, nhập khẩu hàng hóa, quản lý thuế, chính sách cư dân biên giới...), địa hình, địa vật (đường biên giới dài, nhiều kênh, rạch, sông, suối hiểm trở; ngoài hệ thống các cửa khẩu, bến cảng, khu kinh tế mở còn nhiều đường mòn, lối mở; lợi dụng đêm tối...).
Nguyễn Thị Hóa cầm đầu đường dây buôn lậu hơn 3 tấn vàng - Nguyễn Thị Gái
Bên cạnh đó, bọn chúng sử dụng phương thức thủ đoạn tinh vi (tổ chức theo đường dây, chia nhiều công đoạn vận chuyển cất giấu vàng, ngoại tệ trong người, phương tiện, hàng hóa, khò, nung chảy xóa ký hiệu, dấu vết truy xuất nguồn gốc...) để buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng vào Việt Nam, sau đó đưa về các doanh nghiệp, tiệm vàng, các cơ sở sản xuất, chế tác trang sức mỹ nghệ tại Hà Nội, TPHCM và các tỉnh thành khác để tiêu thụ... Đặc biệt, vì nguồn lợi nhuận thu về, các đối tượng đã bất chấp để thực hiện hành vi phạm tội.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc buôn lậu vàng, ngoại tệ, ngoài việc trốn thuế thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây "vàng hóa" nền kinh tế. Đồng thời, tác động tới giá ngoại tệ trực tiếp là đồng USD, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá chính thức, từ đó ảnh hưởng bất lợi tới việc điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc, tăng cường công tác đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu mặt hàng vàng và ngoại tệ.
Nguyễn Xuân Kiếm, Lý Thị Huệ cùng tang vật
Từ chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu, Trưởng ban Ban chỉ đạo 389 TP cũng đã yêu cầu các Sở, ban ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 TP, UBND TP.Thủ Đức và UBND các quận, huyện căn cứ tình hình thực tế và theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn vướng mắc, báo cáo về Cục Quản lý thị trường (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 TP) tổng hợp, đề xuất trình Ban Chỉ đạo 389 TPHCM xem xét, chỉ đạo. Qua đó, Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 TP sẽ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thực hiện chỉ đạo; tổng hợp, đề xuất báo cáo kịp thời về Ban Chỉ đạo 389 TP.