'Giải cứu' 300 tấn chuối trong 8 ngày cho nông dân

Thứ Tư, 01/03/2017 13:07  | Ngô Đồng

|

(CAO) Sau 8 ngày phát động chiến dịch "Chuối nghĩa tình", với sự nỗ lực của rất nhiều tập thể, cá nhân đã "giải cứu" được gần 300 tấn chuối chín, cần xử lý kịp thời cho nông dân.

Thông tin trên vừa được công bố tại Tọa đàm "Giải pháp tiêu thụ chuối bền vững giúp nông dân Đồng Nai", được tổ chức sáng 1-3 tại TP.HCM.

Tọa đàm "Giải pháp tiêu thụ chuối bền vững giúp nông dân Đồng Nai". Ảnh: NĐ

Theo bà Hoàng Thị Bích Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, trong những ngày qua nhiều nông dân trồng chuối ở Đồng Nai, đặc biệt là huyện Trảng Bom và Thống Nhất phải điêu đứng, dở khóc dở cười khi thương lái không thu mua chuối, hoặc chỉ thu mua với giá từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg.

Nông dân điêu đứng vì chuối chín trên cây mà không ai thu mua. Ảnh: CTV

Trước tình cảnh này, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Đồng Nai và Mạng Thanh niên khởi nghiệp đã phát động chiến dịch "Chuối nghĩa tình" nhằm giúp bà con tiêu thụ chuối khẩn cấp.

Tại TP.HCM, CLB Quản trị & Khởi nghiệp cũng phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội Thanh thiếu niên Việt Nam - Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cùng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn TP.HCM tổ chức chiến dịch "Chuối nghĩa tình" đợt 2 và đẩy mạnh chiến dịch tạo ra sự lan tỏa trên diện rộng.

Chiến dịch "Chuối nghĩa tình" nhằm giúp bà con tiêu thụ chuối khẩn cấp. Ảnh: ND

Theo đó, sau 8 ngày thực hiện chiến dịch "Chuối nghĩa tình", với sự nỗ lực của rất nhiều tập thể, cá nhân đã "giải cứu" được gần 300 tấn chuối chín, cần xử lý kịp thời cho nông dân.

'Giải cứu' 300 tấn chuối trong 8 ngày cho nông dân. Ảnh: CTV

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Khởi, Tổng giám đốc Công ty VTVcorp, Trưởng ban Công tác xã hội CLB Quản trị khởi nghiệp, trên thực tế, con số 300 tấn chỉ giúp tiêu thụ hơn 10% so với số lượng thực tế. Hiện tại, ở Đồng Nai lượng chuối còn tồn đọng rất lớn. Riêng huyện Trảng Bom đã có hơn 4.000 tấn với hơn 200 hecta.

"Một điều cần đặc biệt chú ý là khoảng 10 ngày nữa, chuối sẽ rơi vào cao điểm của mùa vụ thu hoạch. Việc kết nối với các doanh nghiệp và đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ chuối nội địa và cả xuất khẩu, nếu có thể, là việc làm hết sức cấp bách và cần thiết để chuối ở Đồng Nai có thể được 'giải cứu' một cách bền vững", ông Khởi cho hay.

Các doanh nghiệp, cá nhân chia sẻ các giải pháp bền vững. Ảnh: NĐ

Ông Đỗ Long - Chủ tịch CLB Quản trị & Khởi nghiệp chia sẻ: "Nông dân hiện vẫn làm thep phong trào mà không nghiên cứu thị trường, do đó, khi thị trường có biến động thì nông dân rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Chiến dịch "Chuối nghĩa tình" hiện chỉ đang là giải pháp mang tính nhân văn, hỗ trợ tạm thời, chưa thể giải quyết được tận gốc cho bà con nông dân. Việc phát động chiến dịch lần 2, hi vọng con số "giải cứu" giải quyết được 80 - 90%. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần có biện pháo bền vững, tìm thị trường đầu ra. Chúng ta cần có một kên tập trung, kết nối với các doanh nghiệp để tìm giải pháp bền vững"

Theo TS Phạm Thanh Duy, Phó giám đốc Trung tâm phát triển nông thôn: "Một đầu ra cho chuối có thể tính đến là tiến tới "chuối sạch", đưa vào các cửa hàng tiện lợi".

Cũng có ý kiến cho rằng, cần phải có giải pháp bền vững, tránh làm ảnh hưởng đến thị trường các loại chuối khác và không tạo tính ỷ lại cho nông dân. Ngoài ra, cũng nên nghiên cứu đến vấn đề làm bột biến tính từ chuối để giải quyết đầu ra cho chuối.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, hiện tỉnh này có 1.700 ha chuối cấy mô, tập trung ở các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú. Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc giảm mua khiến nông sản không có đầu ra, giá chỉ đạt mức 1.000-2.000 đồng/kg, giảm hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều địa phương đã đến kỳ thu hoạch nhưng nông dân không bán được nên để trái chín rụng hoặc cho gia súc, gia cầm ăn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang