(CAO) Cảng Cần Giờ với diện tích 571 ha, tổng vốn đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư với mục tiêu xây dựng thành cảng trung chuyển quốc tế.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 16/1 của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Theo đó, dự án được thực hiện tại Cù lao Gò Con Chó, huyện Cần Giờ, TPHCM với diện tích 571 ha, tổng vốn đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng. Trong đó có khoảng 82,96 ha đất rừng.
Mục tiêu Dự án là xây dựng và phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, bao gồm các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container cảng biển và các dịch vụ khác. Thủ tướng giao UBND TPHCM xác định các sản phẩm và dịch vụ cụ thể để đảm bảo hiệu quả của cảng trung chuyển quốc tế.
Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Thời hạn hoạt động dự án là 50 năm kể từ ngày Quyết định chủ trương đầu tư. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều 7 Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Theo đó, nhà đầu tư phải giải ngân vốn đầu tư trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong thời gian này, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng dự án.
Thủ tướng giao UBND TP chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí, điều kiện trong hồ sơ lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án. Trong đó rà soát quy mô sử dụng đất của Dự án để đảm bảo tuân thủ quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng và quy chuẩn quốc gia về cảng biển, năng lực tài chính của nhà đầu tư, phương án đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư của Dự án, tiến độ đầu tư Dự án, lộ trình đầu tư, hệ thống hạ tầng kết nối, công nghệ sử dụng (cảng xanh, cảng thông minh), điều kiện về quốc phòng - an ninh...
Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT và bộ ngành có liên quan phối hợp với UBND TP đánh giá trong giai đoạn nghiên cứu khả thi của dự án về tiến độ, lộ trình đầu tư, tỷ lệ hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam xếp dỡ tại dự án; đảm bảo tính phù hợp, hài hòa, hiệu quả kinh tế, tránh xung đột lợi ích giữa dự án này và các khu bến cảng, cảng biển lân cận khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...
Trước đó theo Đề án nghiên cứu xây cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được TPHCM trình Thủ tướng, công trình dài hơn 7 km, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất hiện nay 250.000 DWT (24.000 teus) do Tập đoàn MSC - hãng tàu container top đầu thế giới đề xuất. Công trình được nghiên cứu xây ở cù lao Phú Lợi, thuộc cửa sông Cái Mép, tổng vốn 5,45 tỷ USD. Dự án chia làm 7 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu xong năm 2027, hoàn thành toàn bộ cuối năm 2045.
Khi Cảng đi vào hoạt động (giai đoạn hoàn thiện), đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước khoảng từ 34.000 đến 40.000 tỷ đồng/năm, ước tính sẽ tạo ra việc làm cho 6.000 - 8.000 lao động. Đồng thời góp phần khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam, định vị quốc gia trên bản đồ hàng hải với vai trò là các trung tâm trung chuyển quốc tế của khu vực thu hút các nhà vận tải, logistics lớn của thế giới, là các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hỗ trợ cho các hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, giảm thiểu các chi phí trung gian.