(CAO) Hàng ngàn chai thuốc trừ sâu nhập lậu từ Trung Quốc, được công ty Mekong đem bán cho các đại lý ở các tỉnh miền Tây. Ruộng lúa của người nông dân sẽ bị ảnh hưởng nếu không may sử dụng loại thuốc này.
Gần 60.000 chai thuốc dỏm đã được tiêu thụ
Chiều ngày 14-4, ông Nguyễn Xuân Thành (Phó trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, C49 - Bộ Công an) cho biết, vừa phối hợp với Thanh tra của Bộ Nông nghiệp và PTNN phát hiện và ngăn chặn lô hàng thuốc trừ sâu quy mô cực lớn.
Ông Thành đã thực sự bất ngờ về quy mô và mức độ sai phạm của công ty sản xuất thuốc trừ sâu này. Bởi tính chất quá nghiệm trọng, những sản phẩm này có thể gây thiệt hại rất lớn cho mùa màng của bà con nông dân khi không may sử dụng để phun tưới.
Các lô hàng được phát hiện - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Vào chiều 13-4, đoàn kiểm tra liên nghành đã bất ngờ ập vào kiểm tra hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Minh Phúc (địa chỉ 672A ấp Hòa An, xã Mong Thọ, huyện Châu Thành, Kiên Giang) do bà Trần Thị Bích Kiều làm chủ.
Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở đang lưu giữ 21 chai thuốc trừ sâu nhãn hiệu Lufen Extra 100 Ec. Thuốc này do công ty TNHH thuốc bảo vệ thực vật MeKong (gọi tắt là công ty Mekong, địa chỉ ở quận 7, TP.HCM) sản xuất.
Bà Kiều khai nhận có nhập 80 chai, dung tích 250ml/chai thuốc trừ sâu nhãn hiệu Lufen Extra 100EC. Bà này đã bán ra ngoài thị trường 49 chai với giá tiền 195.000 đồng/chai. Số hàng trên được nhân viên thị trường của công ty Mekong là Nguyễn Viết Hùng (SN 1981) bán cho, kể từ ngày 18/12/2015 đến nay.
Tổ công tác tiến hành làm việc với ông Đinh Văn Bình (Giám đốc phụ trách kinh doanh của công ty MeKong). Bình khai nhận công ty bán ra thị trường các tỉnh miền Tây Nam Bộ 39.000 chai thuốc trừ sâu nhãn hiệu Lufen Extra 100EC, 18.920 Accord 400ES.
Việc cho ra lò các sản phẩm trên do ông Đào Quang Dũng (giám đốc điều hành sản xuất của công ty Mekong) chỉ đạo làm. Tại một kho chứa hàng của công ty Mekong tại ấp 1, xã An Hòa, huyện Tam Nông (Đồng Tháp), cơ quan chức năng còn phát hiện ra 10.641 chai thuốc trừ sâu khác chưa mang đi kịp tiêu thụ. Với số hàng này, công ty không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Thuốc có nhãn hiệu Emaking 40EC do Trung Quốc sản xuất đã hết hạn sử dụng từ ngày 28/5/2015. Việc đóng nhãn mác giả nhãn hiệu do ông Dũng và ông Điền (thủ kho công ty) trực tiếp làm.
Tiếp tục tìm kiếm, tổ liên nghành còn tìm ra 500 chai thuốc trừ sâu nhãn hiệu Lufen Extra 100EC in ngày sản xuất ngày 08/1/2016 và một máy để tẩy xóa ngày tháng sản xuất trên những sản phẩm đã hết hạn sử dụng.
Mức độ ảnh hưởng rộng lớn
Cơ quan chức năng xác nhận, công ty TNHH thuốc bảo vệ thuốc bảo vệ thực vật Mekong đã có hành vi bán sản phẩm không nằm trong danh mục và chưa được các cơ quan chức năng cấp giấy phép lưu hành ngoài thị trường.
Đoàn liên nghành kiểm tra kho chứa hàng - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Thuốc trừ sâu nhập khẩu từ Trung quốc đã hết hạn sử dụng, nghi vấn là hàng nhập lậu, sau đó sản phẩm trên được công ty tự dán nhãn mác. Số hàng được bán ra ngoài thị trường với mục đích lừa dối khách hàng nhằm thu lợi bất chính.
Cục Cảnh sát môi trường xác minh ban đầu tổng số tiền công ty Mekong đã thu lợi qua việc bán thuốc trừ sâu ngoài danh mục là hơn 7 tỷ đồng.
Thủ kho và nhân viên công ty Mekong chưa được cấp giấy chứng nhận về tập huấn thuốc bảo vệ thực vật. Kho không có đề án bảo vệ môi trường và các biện pháp phòng ngừa sự cố.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, thủ đoạn gian lận của các đối tượng cực kỳ tinh vi, phải rất vất vả để lần tìm ra phương thức, thủ đoạn gian dối. Bởi các đối tượng chắc chắn đã hiểu luật và hiểu hành vi vi phạm của mình nên lúc nào cũng chủ động đề phòng.
Hiện C49 và Bộ NN&PTNT đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ việc.