(CATP) Thời gian vừa qua, trên thị trường xuất hiện tình trạng sản xuất bia giả các thương hiệu nổi tiếng, trong đó nổi bật là sản phẩm bia Sài Gòn, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Lực lượng chức năng đã vào cuộc, phát hiện, xử lý nhiều cơ sở sản xuất bia giả với số lượng rất lớn.
XÓA CÁC LÒ BIA GIẢ
Ngày 3-2-2016, Công an huyện Đức Hòa (Long An) bất ngờ kiểm tra hành chính căn nhà tại xã Mỹ Hạnh Nam (huyện Đức Hòa) của bà Lê Kim Oanh cho Nguyễn Thành Giáp (30 tuổi) thuê, phát hiện cơ sở sản xuất bia giả khép kín quy mô lớn với đầy đủ dây chuyền chiết rót, đóng nắp thành phẩm. Công an đã lập biên bản đối với 2.885 vỏ chai bia Sài Gòn lager loại 450ml, 2.045 vỏ chai bia Sài Gòn special lager loại 330ml, 2.040 chai bia Sài Gòn lager loại 450ml để làm nguyên liệu sang chiết và 1.245 chai bia Sài Gòn special lager loại 330ml thành phẩm.
Khi lực lượng chức năng kiểm tra, có 7 đối tượng đang tẩy rửa vỏ chai, sang chiết bia bằng hình thức thủ công; 2 nghi can vận chuyển 1.400 vỏ chai bia Sài Gòn special lager loại 330ml và 1.800 chai Sài Gòn lager loại 450ml từ xe tải vào nhà. Giáp khai mở lò sản xuất bia Sài Gòn giả gần 2 tháng nay, đã tiêu thụ trên thị trường khoảng vài chục nghìn chai.
Băng sản xuất bia Sài Gòn giả với số lượng lớn phải hầu toà
Mới đây, Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM vừa xử phúc thẩm vụ án tổ chức sản xuất bia Sài Gòn giả, do hai cha con Nguyễn Văn Nhớ, Nguyễn Minh An tổ chức tại nhà không số ở đường số 3, xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TPHCM). Nhóm này gồm 12 bị cáo, bị Công an TPHCM phát hiện, bắt quả tang đang sản xuất bia giả nhãn hiệu Sài Gòn special... Tang vật thu giữ gồm hơn 3.000 chai bia giả thành phẩm, máy đóng nắp chai, hàng trăm ký nắp vỏ chai bia dùng làm nguyên liệu sản xuất. Các đối tượng khai, mỗi ngày lò sản xuất bia giả này cho ra thị trường TPHCM và Long An từ vài chục đến cả trăm két bia giả, bán tại các đại lý nước giải khát, quán nhậu.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt y án sơ thẩm đối với 2 bị cáo cầm đầu là Nguyễn Văn Nhớ (SN 1970) 5 năm tù, Nguyễn Minh An (SN 1990) 4 năm tù; bị cáo Phan Thanh Trạng (SN 1993) bị tuyên phạt 3 năm 4 tháng tù, Phan Ngọc Thạch (SN 1995) 3 năm 6 tháng tù. Các bị cáo khác gồm: Hà Văn Phương (SN 1980), Hà Thị Phượng (SN 1975), Lê Văn Trí (SN 1974), Hồ Thanh Thúy (SN 1981), Nguyễn Văn Sang (SN 1980), Nguyễn Văn Tiền (SN 1993) bị phạt 2 năm 6 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Huỳnh Công Thắng (SN 2000), Phan Văn Ngọc Sơn (SN 1999) bị tuyên phạt 2 năm tù, nhưng cho hưởng án treo. Tất cả các bị cáo cùng ngụ TP.Cần Thơ.
VÌ SAO BIA BỊ LÀM GIẢ DỄ DÀNG?
Khai trước tòa, “ông trùm” tổ chức sản xuất bia giả Nguyễn Văn Nhớ cho rằng, nắm được nhu cầu tiêu thụ bia tại TPHCM, Long An rất lớn, nên đã đứng ra thuê nhiều nhà tại huyện Bình Chánh và quận Bình Tân để sản xuất. Nhớ mua sắm trang thiết bị, dụng cụ chiết rót, nguyên liệu trôi nổi, còn nắp chai, vỏ chai và lon bia được mua với giá rẻ từ các vựa ve chai. Két đựng bia thì mua lại từ các đại lý bia rượu hay quán tạp hóa.
Y như thủ đoạn của lò sản xuất bia giả ở TPHCM, lò sản xuất bia giả ở Long An cũng mua lại nắp chai, vỏ chai, lon, két đựng bia từ các đại lý chính hãng, về súc rửa bằng phương pháp thủ công để sản xuất bia giả. Theo tiết lộ của một cán bộ điều tra tham gia phá án, thủ đoạn của các lò sản xuất bia giả rất tinh vi, vươn “vòi bạch tuộc” ra tận các đầu mối tiêu thụ là các quán nhậu. Chúng nghiên cứu ra dụng cụ khui nắp chai không bị móp méo rồi đặt hàng và thu mua lại để phục vụ sản xuất hàng giả. Các đầu mối tiêu thụ vì hám rẻ nên đã tiếp tay cho các đối tượng này.
Việt Nam được xếp vào hàng những nước tiêu thụ bia nhiều nhất trên thế giới, với khoảng 4 tỷ lít/năm. Bia trở thành thức uống thông dụng và được ưa chuộng. Chính vì vậy, loại thức uống này cũng trở thành “miếng mồi” béo bở của các đối tượng làm hàng giả. Nếu “Bia Sài Gòn” - một thương hiệu quốc gia bỏ sót khâu quản lý nghiêm ngặt vỏ chai, lon, két... sau phân phối, vô hình trung đã tạo ra kẽ hở để bọn làm hàng giả lộng hành.
Thiết nghĩ, nếu không có động thái mạnh mẽ để bảo vệ người tiêu dùng, kiểm soát tốt hệ thống phân phối, hoàn thiện hệ thống quản trị, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tăng cường các biện pháp bảo vệ thương hiệu, thì rất nhiều thách thức phải đối mặt đối với Bia Sài Gòn nói riêng và các công ty nổi tiếng khác trong nước nói chung khi gia nhập TPP.
|
Anh Trần Văn Thường (ngụ Q.Thủ Đức, TPHCM):
“Tôi làm trong ngành kỹ thuật, thường xuyên phải gặp gỡ, chiêu đãi khách hàng. Tôi thường chọn bia Sài Gòn xanh loại chai lùn để đãi khách, nhằm hưởng ứng lời kêu gọi “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, tôi đã bị đau đầu sau khi tổ chức một chầu tiếp khách ở An Giang bằng loại bia thường dùng, cho nên gần đây tôi không dám uống bia nữa vì sợ uống nhầm bia giả.
Tôi nghĩ bia Sài Gòn là một thương hiệu nổi tiếng, quen thuộc của rất nhiều người dân Việt Nam. Khi nhiều lò sản xuất bia giả bị cơ quan chức năng phát hiện, tôi rất hoang mang. Hiện đang vào hè, chúng tôi thường tiệc tùng, nhưng mỗi lần uống bia đều rất cẩn trọng lựa chọn. Tôi mong cơ quan chức năng và chủ thương hiệu Bia Sài Gòn cần phối hợp chặt chẽ, mạnh tay hơn nữa để đẩy lùi tình trạng bia giả. Bia Sài Gòn cần chỉ cho người tiêu dùng biết cách phân biệt bia giả - bia thật để chúng tôi yên tâm sử dụng và tiếp tục ủng hộ hàng Việt”.
|
|
Anh Trần Minh Hải (kinh doanh, ngụ Bình Dương):
“Qua theo dõi báo, đài, tôi biết bia Sài Gòn nói riêng và các thương hiệu bia nổi tiếng khác trên thị trường nói chung đều bị làm giả, các lực lượng chức năng đã triệt phá không ít lò sản xuất bia giả. Tôi tự hỏi không biết người ta làm bia giả từ nguyên liệu gì, độc hại đến đâu? Tôi cũng thắc mắc là bia Sài Gòn lớn như vậy, uy tín như vậy, muốn làm giả cũng khó, chứ đâu có dễ dàng như vậy.
Nghe báo chí đăng tin, các đối tượng dùng lon và chai thật của bia Sài Gòn để đựng bia giả. Vậy số lon, chai này là do Bia Sài Gòn sản xuất, nhưng quản lý làm sao mà người ta gom được quá trời vậy? “Vỏ thật, ruột giả” như vầy, khách bình thường như tôi biết đâu mà lần?”.
|