Tuyến đường sắt 10 năm không chạy tốn tiền tỉ giờ ra sao?

Thứ Tư, 20/01/2016 04:39

|

(CAO) Tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn là tuyến nhánh đặc thù có chiều dài 32 km đi qua địa bàn 3 huyện, thị của địa bàn Nghệ An, là một trong những tuyến để lại nhiều ấn tượng trong thời bao cấp với mức độ “siêu khách”, “siêu tầng”. Hơn 10 năm nay không có tàu chạy, nay đã trở thành tuyến đường... hoang phế.

Sau một loạt bài đăng trên các báo về hiện tượng tuyến “đường sắt bỏ hoang, mỗi năm vẫn nuôi ngót 10 tỉ” đăng vào những ngày đầu tháng 3 năm 2013 đến năm 2014 thì ngành đường sắt đã bắt đầu cho kiểm tra và quyết định “cắt” giảm chi phí về cả đầu tư và con người.

Theo đó, 4 nhà ga (Quỳnh Châu, Nghĩa Thuân, Nghĩa Đàn) và 4 cung đường (Xuân Lộc, Quỳnh Châu, Nghĩa Thuận, Nghĩa Đàn) và 6 trạm gác chắn từ số 1 đến số 6 với xấp xỉ hơn 100 người lao động từ nhà ga, cung đường, thông tin tín hiệu chịu chung cảnh “giảm biên chế” khi ngân sách không được “rót” về. Cũng từ đó, mỗi đơn vị cung đường bình quân 15 đến 17 người nay chỉ còn 2 nhân viên... canh giữ.

Xem clip:

 
Trụ sở cung đường Xuân Lộc sầm uất với biên chế xấp xỉ 20 công nhân giờ chỉ còn 2 người canh giữ
Trạm gác chắn số 4, nơi có một nhân viên gác chắn bị giết hại tại nơi làm việc cách đây 10 năm giờ đóng cửa, bỏ hoang
Trạm gác chắn số 2 giờ cũng bỏ hoang
Tấm biển ngày môi trường đường sắt treo từ tháng 11 đến nay nhưng hoang phế đã hiện rõ trên sân ga đầu mối Quỳnh Châu

Các chức danh gác chắn tại 6 trạm đều bãi bỏ. Đồng nghĩa với đó là tất cả chức danh trưởng ga, trực ban chạy tàu, gác ghi, thông tin... đều bãi bỏ và chỉ để lại 1 người... canh giữ. Tất cả các chức danh này đa phần là công nhân có hoàn cảnh nhà gần đó hoặc yếu sức khỏe, bệnh tật... với mức lương hàng tháng từ 3,5 đến 4 triệu đồng. 

Phía đường sắt giao với đường bộ giờ cha chung không ai khóc
Phòng chỉ huy chạy tàu ga Quỳnh Châu đóng cửa suốt ngày
Không còn biển hiệu ga Quỳnh Châu mà chỉ có tấm pa-nô Ngày môi trường đường sắt mới nhận ra đây là nhà ga

Từ biên chế hơn 100 công nhân giờ chỉ còn 20 công nhân làm việc trên tuyến với nhiệm vụ chủ yếu là trông coi tài sản chứ không đầu tư sửa chữa, duy tu nên sân ga, cung đường, đường sắt trở thành... hoang phế, bởi không còn các chức danh “trưởng ga” “cung trưởng”... mà tất cả đều là nhân viên.

Xem clip:

Điều đáng nói là nhiều trụ sở nhà ga, cung đường cả tuần không có bóng dáng ai đến nên sự hoang phế, lạnh lẽo khiến nhiều nhân viên trong coi tại đây hễ có bóng người vào cổng là nhìn trước, ngó sau một hồi mới mở cổng. 

Hố bom ngay giữa lòng đường sắt giao với đường bộ
Có đoạn có 3 thanh tà vẹt thì 2 thanh đã mục nát
Đường sắt km 6 đoạn qua xã Ngọc Sơn, Quỳnh Lưu trở thành bãi tập kết gỗ keo

Chiều 15-1-2016, có mặt tại cung đường xuân Lộc, công ty cổ phần đường sắt Nghệ Tinh, chúng tôi khá bất ngờ vì nhân viên Lê Thanh Hải một lúc lâu mới mở cổng “cơ quan” cho chúng tôi vào trong. Theo anh Hải, lâu lắm rồi không có ai tới thăm. 

Hầu như toàn tuyến đường sắt này từ km 0 (khu vực Cầu giat) đến km 32 (khu vực thị xã Thái Hòa), đường sắt đã phủ kín cỏ dại và nhiều chỗ giao nhau với đường bộ đều chìm dưới lòng đất. Thậm chí có đoạn đường sắt chạy “ngầm” dưới ao.

Đoạn đường sắt giao với đường bộ đã chìm sâu dưới lòng đất và trở thành ao
Chỉ duy nhất trạm gác chắn số 4 có tín hiệu ngăn đường sắt

Tình trạng trên đã khiến các phương tiện tham gia giao thông khi qua đường sắt hết sức khó khăn.

Theo quy định của luật giao thông đường bộ, luật đường sắt thì phần đường bộ nằm trong phạm vi hai chắn (nơi có gác chắn) thì phía đường bộ phải duy tu, sửa chữa, đảm bảo an toàn.

Thế nhưng đã hơn 1 năm trôi qua, kể từ khi các trạm gác chắn bỏ không gác thì đường bộ đoạn qua đường sắt trở thành “cha chung không ai khóc” phía đường sắt thì không có gác chắn, không sửa chữa, không đầu tư còn phía đường bộ thì họ cũng... quên luôn thành ra tuyến quốc lộ 48B chạy qua những điểm giao cắt trên tuyến đường sắt này trở thành cái bẫy cho người tham gia giao thông và tai nạn đã và đang xảy ra.

Cây cỏ mục um tùm phủ kín cả đường sắt đoạn qua cung đường xã Nghĩa Thuận, huyện Nghĩa Đàn
Biển báo hiệu bị xe ô tô cán cong không ai sửa

Được biết kể từ ngày 1-1-2016 này, công ty TNHHMTV QLĐS Nghệ Tĩnh (thành viên của tổng công ty ĐSVN) đã hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi mới là “công ty cổ phần đường sắt Nghệ Tĩnh” với hơn 400 con người và là đơn vị chính quản lý tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn này.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Cao Tiến Hùng thì việc đầu tư cho tuyến đường sắt này trở về trạng thái ban đầu là rất khó vì phần đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách cấp trên rót về.

Thế nhưng sau khi kiểm tra không khai thác hiệu quả nên ngành đã cắt giảm và nguy cơ đường sắt tuyến này đang rơi vào bế tắc và hàng ngàn tỉ đồng đầu tư của nhà nước đang trở thành... hoang phế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang