Vụ phá đường dây công nhân trộm giày Nike: Lỗ hổng khâu kiểm soát an ninh

Thứ Năm, 14/01/2016 05:13  | Nguyễn Tuấn

|

(CAO) Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45 – Bộ Công an) cho rằng, việc triệt phá đường dây công nhân trộm cắp tài sản giá trị lớn cảnh báo hệ thống an ninh của công ty có vấn đề. Dù rằng, công ty TNHH Freetrend Industrial VN được lắp đặt dày đặc hệ thống camera quan sát và hàng rào bảo vệ nghiêm ngặt.

Theo tướng Tiến, đa số đối tượng trộm cắp được sản phầm đều là nữ. Họ quấn giày quanh vùng bụng để đưa trót lọt ra ngoài. Trong khi đó, bảo vệ công ty lại là nam giới. Họ không thể kiểm tra bằng tay hoặc tiến hành lục soát, tìm kiếm khi thấy nữ công nhân có dấu hiệu nghi vấn. Một điều nữa, giày là sản phẩm không thể quét bằng máy soi chiếu, trừ khi đó là kim loại. Cho nên, một điều đơn giản để hạn chế nạn trộm cắp là công ty TNHH Freetrend Industrial VN nên tuyển mộ thêm nhiều bảo vệ là nữ.

Thượng tá Lại Quang Huấn, Cục phó Cục Cảnh sát hình sự cho hay, phía C45 sẽ mở rộng điều tra việc đối tượng cầm đầu là Nguyễn Thị Diệu có quan hệ với các thành phần xã hội bên ngoài, cho công nhân vay nặng lãi, hoạt động bảo kê vi phạm pháp luật. C45 đã có trong tay các chứng cứ ban đầu, sắp tới sẽ cho làm rõ.

Từ nhiều năm trước, công ty TNHH Freetrend Industrial VN (Khu chế xuất Sài Gòn – Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM) liên tục bị mất sản phẩm mà không điều tra rõ nguyên nhân vì sao. Đại diện công ty đã gửi đơn yêu cầu cục Cảnh sát hình sự vào cuộc điều tra. Sau thời gian dài theo dõi, các trinh sát phát hiện đây là đường dây trộm cắp chuyên nghiệp và quyết định cất vó.

Các đối jg chủ chốt trong đường dây trộm cắp giày công ty - Ảnh: N.Tuấn

Hiện cơ quan chức năng đã tạm bắt giữ các đối tượng gồm: Nguyễn Thị Diệu (43 tuổi), Phan Công Thịnh (28 tuổi), Trần Thị Lan (39 tuổi, cùng quê Nghệ An) và Nguyễn Hoàng Đạt (45 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) để mở rộng điều tra về hành vi trộm cắp và tiêu thụ tài sản trái phép do người khác phạm tội mà có. Đồng thời, đã thu giữ được 78 đôi giày, 120 lót giày, 500 đôi dây buộc…cùng nhiều điện thoại di động và thẻ ATM là tang vật của vụ án.

Một cán bộ điều tra cho biết, với thương hiệu giày loại một, Diệu bán cho “đầu mối” với giá 1.400.000 đồng, giày loại 2 ít nhất là 700.000 đồng. Đã có hàng ngàn chiếc giày như vậy bị đánh cắp, ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho công ty. Hệ thống phân phối giày trộm cắp được trải rộng khắc các tỉnh thành, từ Hà Nội, Hải Phòng cho đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang