Cùng bị đưa ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” còn có 3 bị cáo: Trần Văn Lâm - nguyên TGĐ điều hành Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn; Trần Xuân Sơn - nguyên Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn và Bùi Văn Tiệp - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân.
Riêng Đại tá Phùng Danh Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra từ sáng 30-7 đến hết ngày 31-7.
Tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát quân sự đã công bố bản cáo trạng truy tố các bị cáo.
Lấy danh nghĩa doanh nghiệp quân đội để kinh doanh
Theo cáo trạng, Đinh Ngọc Hệ là người có vai trò khởi xướng và chỉ đạo các đồng phạm Trần Văn Lâm, Bùi Văn Tiệp, Trần Xuân Sơn thực hiện vi phạm.
Tháng 7-2009, sau khi biết Tổng Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng có chủ trương mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh, Đinh Ngọc Hệ lúc đó là Phó trưởng phòng Kinh doanh Tổng Công ty Thái Sơn đã trao đổi với Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư để đề nghị Ban Tổng giám đốc cho thành lập pháp nhân mới.
Pháp nhân mới là doanh nghiệp cổ phần do Tổng Công ty Thái Sơn và một số cá nhân góp vốn thành lập, theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
Út "trọc" Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa xét xử sáng nay. Ảnh chụp qua màn hình
Đến tháng 8-2009, Đại tá Phùng Danh Thắm (TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn) đã ký quyết định về việc đầu tư góp vốn, ủy quyền cho Cung Đình Mạnh là người đại diện vốn của cổ đông, quản lý 30% cổ phần; Đinh Ngọc Hệ là người đại diện vốn của cổ đông, quản lý 21% cổ phần vốn điều lệ.
Tháng 9-2011, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn đổi tên thành Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ QP do Đinh Ngọc Hệ là Chủ tịch HĐQT. Từ tháng 3-2013 đến khi bị bắt, Đinh Ngọc Hệ là TGĐ công ty, người đại diện theo pháp luật.
Tháng 11-2012, Tổng Công ty Thái Sơn quyết định rút 31% vốn cổ phần, nhưng đến tháng 8-2013 mới ký được hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần cho bà Lê Thị Thảo (trú tại TP.HCM, người quen của Đinh Ngọc Hệ). Tháng 10-2017, Tổng Công ty Thái Sơn chuyển nhượng 20% cổ phần còn lại cho ông Trần Hoài Nam (trú tại TP.HCM) thu được số tiền 1,2 tỷ đồng.
Mặc dù danh nghĩa là công ty con của Tổng Công ty Thái Sơn nhưng thực chất vốn kinh doanh của công ty con là của cá nhân; mọi hoạt động đều theo sự quản lý, điều hành trực tiếp của Đinh Ngọc Hệ. Khi Tổng công ty đã rút 31% vốn nhưng phía công ty con vẫn lấy danh nghĩa là doanh nghiệp Quân đội để hoạt động kinh doanh.
Đến tháng 10-2017, khi chuyển nhượng hết vốn, Tổng Công ty Thái Sơn vẫn chưa góp vốn cổ đông. Việc chuyển nhượng vốn cho bà Thảo, ông Nam chỉ là thủ tục để phía Tổng Công ty rút vốn ảo ra khỏi công ty cổ phần.
Đinh Ngọc Hệ - Út "trọc" trả lời câu hỏi của HĐXX. Ảnh: TTXVN
Mua bảng điểm, bằng tốt nghiệp đại học giả
Trong thời gian từ năm 2011-2016, lợi dụng danh nghĩa là người đại diện phần vốn góp của Tổng Công ty Thái Sơn tại Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ QP, Đinh Ngọc Hệ đã báo cáo không trung thực về hoạt động của công ty, mạo nhận chức năng, nhiệm vụ phục vụ kinh tế quốc phòng để xin được thi công các dự án, công trình trọng điểm quốc gia…
Đinh Ngọc Hệ còn chỉ huy cấp dưới ký tờ trình đề nghị xin mua xe bằng vốn tự có, đăng ký biển quân sự và biển xanh 80A, sau đó sử dụng trái pháp luật; chỉ đạo việc tổ chức việc sử dụng xe để thế chấp, cho thuê, giao xe cho những người khác sử dụng trái quy định, hưởng lợi hơn 6 tỷ đồng.
Đinh Ngọc Hệ được xác định giữ vai trò chủ mưu, chỉ huy và phải chịu trách nhiệm chính.
Ngoài ra, bị cáo Hệ bị phát hiện mua một bảng điểm và một bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân giả đưa vào hồ sơ để phục vụ việc được nâng lương, chuyển nhóm lương, bổ nhiệm, phong quân hàm.
Tiếp đó, khi lập doanh nghiệp lấy tên là Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ QP, Đinh Ngọc Hệ đã cử Trần Văn Lâm làm Tổng Giám đốc. Doanh nghiệp này kinh doanh xăng dầu ở Bình Dương và bị Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương kiểm tra, phát hiện có hơn 20.000 lít xăng kém chất lượng.
Ngày 17-7-2014, theo chỉ đạo của bị cáo Hệ, Trần Văn Lâm đã ký công văn gửi UBND tỉnh Bình Dương, mạo nhận là “doanh nghiệp quân đội làm kinh tế đi đôi với nhiệm vụ quốc phòng” để xin không xử phạt vụ xăng kém chất lượng này.
Bị cáo Lâm sau đó cùng bị cáo Bùi Văn Tiệp và Trần Xuân Sơn làm giả hợp đồng và các tài liệu nhằm hợp thức số xăng trên là của Sư đoàn 367 gửi giữ giùm, không phải xăng bán ra thị trường. Hành vi này đã lừa dối các cơ quan chức năng Bình Dương để không bị xử phạt, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước gần 1,5 tỷ đồng.
An ninh được thắt chặt tại phiên tòa xử Út "trọc" cùng đồng phạm.
Đại tá Phùng Danh Thắm với cương vị TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát. Ông Thắm không phát hiện được việc Út "trọc" sử dụng nhiều ô tô biển quân sự, biển xanh để thế chấp, cho thuê, giao cho những người ngoài xã hội sử dụng trái quy định.
Ông Thắm cũng không biết việc nhóm các bị can trên làm giả hợp đồng, tài liệu, văn bản, mạo nhận số xăng kém chất lượng là của quân đội.