(CAO) Bị đề nghị mức án tử hình, bào chữa cho mình, cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y Phạm Trung Kiên bật khóc xin HĐXX cho hưởng án tù "để có cơ hội được trở về".
Sáng 18/7, phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” tiếp diễn với phần tranh tụng. Các luật sư tiến hành bào chữa và bị cáo tự bào chữa cho mình.
Bị cáo Phạm Trung Kiên, người duy nhất bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án tử hình thừa nhận hành vi trong cáo trạng nêu là đúng. “Bị cáo rất ăn năn hối lỗi, bị cáo gửi lời xin lỗi Đảng và Nhà nước về những lỗi lầm của mình” - cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế trình bày.
Bị cáo nói không gây khó khăn để đòi tiền doanh nghiệp: “Trong tổ 5 Bộ thì lãnh đạo Bộ có một group Viber trao đổi với nhau. Khi tổ chức chuyến bay, anh Tô Anh Dũng và Đỗ Hoàng Tùng đều gửi lên group. Đến ngày trả lời công văn thì anh Dũng và anh Tùng đều nhắc là Bộ nào chưa trả lời cần khẩn trương trả lời ngay. Qua đấy thể hiện một phần công việc của chuyến bay combo là bị cáo không thể nào có hành động làm chậm chuyến bay combo”.
Bị cáo Phạm Trung Kiên tại toà
Bị cáo Kiên khai phần lớn các lần nhận tiền đều là sau khi doanh nghiệp được bị cáo hỗ trợ, nên sau đó họ chủ động gọi để xin số tài khoản “cảm ơn”.
“Khi bị cáo nhận thức về sai lầm của mình, bị cáo đã chủ động khai nhận với cơ quan điều tra rằng còn nhận 15 tỷ đồng liên quan đến các đoàn khách lẻ. Bị cáo đã tích cực phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ vụ án. Mong HĐXX xem xét tình tiết thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra” - bị cáo Kiên trình bày rồi vừa khóc vừa xin HĐXX và Viện kiểm sát xem xét cho hưởng mức án tù để bị cáo có cơ hội được trở về.
Bào chữa cho bị cáo Kiên, các luật sư đề nghị HĐXX xem xét về vai trò, trách nhiệm của bị cáo. Theo luật sư, bị cáo Kiên chỉ có vai trò nhận hồ sơ và trình Thứ trưởng, không có khả năng ký duyệt nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội Nhận hối lộ.
Đại diện Viện kiểm sát cáo buộc Phạm Trung Kiên nhận hối lộ 42,6 tỷ đồng và đề nghị tòa tuyên mức án tử hình với bị cáo này. Đến nay, theo các luật sư thông tin, gia đình của bị cáo Kiên đã nộp khắc phục 15 tỷ đồng. Ngoài ra, Kiên trả lại tiền nhận hối lộ tổng cộng khoảng 12 tỷ đồng cho các doanh nghiệp. Sáng 18/7, vợ bị cáo Kiên cũng đang nộp thêm 8 tỷ đồng để tiếp tục khắc phục cho bị cáo, đồng thời có đơn gửi HĐXX liên quan đến căn nhà đang bị kê biên.
Vợ bị cáo mong muốn HĐXX có biện pháp phát mại, tịch thu để xử lý bồi thường cho bị cáo Kiên. Bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư của bị cáo Phạm Trung Kiên cũng đề nghị HĐXX xét đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
Theo quan điểm luận tội của đại diện VKS, bị cáo Phạm Trung Kiên được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là thư ký, trực tiếp giúp việc cho Thứ trưởng Bộ Y tế. Lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, trong việc trình Thứ trưởng Bộ Y tế ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao về việc cấp phép chuyến bay, Phạm Trung Kiên đã gây khó doanh nghiệp, để phải chi cho Kiên theo mức tiền mà Kiên yêu cầu để được Bộ Y tế đồng ý xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao.
Đại diện các doanh nghiệp đã phải trả phí tiền cho bị cáo Phạm Trung Kiên để được Bộ Y tế đồng ý xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao. Trong vụ án này, bị cáo nhận hối lộ với số lần nhiều nhất, tổng số tiền nhiều nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất trong số các bị cáo với 253 lần nhận hối lộ, với tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng.
Khi vụ án bị khởi tố, để che giấu hành vi phạm tội của mình, bị cáo đã chuyển khoản trả lại cho các doanh nghiệp và cá nhân đưa hối lộ hơn 12 tỷ đồng; đồng thời nhờ các doanh nghiệp khai báo với cơ quan chức năng số tiền chuyển cho bị cáo là tiền vay mượn cá nhân.
Theo đại diện VKS, đối với bị cáo Kiên cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất dành cho bị cáo.