Gia Lai:

Dân khổ sở vì cán bộ Ban quản lý dự án 2 thiếu trách nhiệm

Thứ Hai, 17/07/2023 13:13  | Chí Dũng

|

(CATP) Dù cơ quan chức năng liên tục gửi văn bản yêu cầu khắc phục những tồn tại gây mất an toàn giao thông (ATGT), nhưng chủ đầu tư (CĐT) nâng cấp Quốc lộ (QL) 19 thực hiện khá chậm trễ. Gần 2 năm nay, tình trạng thi công ì ạch, thiếu an toàn trên toàn tuyến trở thành nỗi ám ảnh cánh tài xế và người dân 2 bên đường.

Đứng trong sân nhà, chị Lê Thị Trúc Quỳnh (ngụ xã Bình Giáo, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) chỉ tay ra QL19 án ngữ phía trước, phản ánh: "Từ khi thi công, con đường từ nhà tôi ra bị đổ đất, bít mất lối lên. Trước đây từ nhà ra QL19 là đường bê-tông bằng phẳng, giờ muốn đi ra phải trèo qua "bức tường đất" do đơn vị thi công QL19 đổ xuống. Từ khi thi công QL này, người già trong gia đình không thể ra khỏi nhà do không trèo lên QL19 được".

Bộ GTVT vừa quyết định phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện DA tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (nâng cấp QL19) từ năm 2017 đến ngày 31/12/2024, thay vì 30/6/2023 như kế hoạch ban đầu.

Lý do được CĐT xin gia hạn tiến độ là do chậm giao vốn đầu tư công trung hạn, ảnh hưởng của dịch Covid-19, mưa nhiều, chậm tiến độ thiết kế kỹ thuật và khó khăn phát sinh trong quá trình thi công...

"Mưa xuống, nước từ đường và mương trên QL19 chảy thẳng vào nhà; sau các trận mưa, đất đá tràn ngập trước sân. Chúng tôi yêu cầu đơn vị thi công và chủ đầu tư QL19 đoạn qua xã Bình Giáo trả lại lối đi cho người dân, khắc phục nước từ đường chảy thẳng vào nhà”, chị Quỳnh kiến nghị.

Ông Trương Minh Hiệp - Phó chủ tịch UBND xã Bình Giáo - cho biết, sau đợt mưa vừa qua, một số hộ dân đã nêu ý kiến với xã về tình trạng đất đá thi công QL19 trôi vào nhà. Địa phương đã hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả và kiểm tra, xác minh mức độ thiệt hại để có hướng xử lý. Xã cũng đề nghị đơn vị thi công làm việc với người dân để khắc phục hậu quả.

Nhiều nhà dân ở xã Bình Giáo bị bít mất lối lên Quốc lộ 19

Không chỉ đoạn qua huyện Chư Prông, việc thi công QL19 đoạn qua huyện Đăk Đoa cũng rơi vào tình trạng ì ạch 2 năm nay. Thi công cầm chừng vừa gây mất ATGT vừa khiến cuộc sống người dân 2 bên đường bị đảo lộn.

Chị Nguyễn Thị Châu (ở xã Kdang, huyện Đăk Đoa) bức xúc cho biết, mùa nắng thì đào lên để đó, mưa xuống đất đá trôi vào nhà dân. Thi công ì ạch làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, đi lại, sản xuất, kinh doanh của người dân suốt thời gian dài. Tai nạn trên QL19 cũng xảy ra thường xuyên hơn ở những đoạn thi công dang dở.

Trước đó, Khu quản lý đường bộ (QLĐB) III (Cục Đường bộ Việt Nam) và tỉnh Gia Lai liên tục có nhiều văn bản gửi Ban quản lý dự án 2 (gọi tắt Ban 2 - Bộ Giao thông Vận tải, CĐT dự án nâng cấp QL19) đề nghị bảo đảm ATGT khi thi công QL19.

Việc thi công ì ạch Quốc lộ 19 đang làm khổ dân
Nhiều căn nhà lọt thỏm bên dưới sau khi Quốc lộ 19 được thi công

Qua kiểm tra thực tế hiện trường, Khu QLĐB III nhận thấy công tác tổ chức triển khai thi công trên QL19 còn nhiều tồn tại, để xảy ra ách tắc giao thông kéo dài. Các đoạn thi công đào nền đường thiếu rào chắn, biển báo, không bố trí đèn cảnh báo vào ban đêm. Những đoạn thi công đào nền đường có cọc tiêu, chăng dây văng nhưng thưa và không chắc chắn, thường bị ngã đổ. Cùng với đó, trên tuyến xuất hiện nhiều "ổ gà” gây mất ATGT.

Để bảo đảm ATGT trên tuyến QL19 vừa thi công vừa khai thác, Khu QLĐB III đề nghị Ban 2 chỉ đạo các nhà thầu thi công khẩn trương khắc phục ngay các nội dung trên. Nếu Ban 2 chậm chỉ đạo, Khu QLĐB III sẽ báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị xem lại năng lực quản lý dự án (DA) của ban.

Ngoài các văn bản nhắc nhở, Khu QLĐB III cũng ban hành 10 quyết định xử phạt hành chính các đơn vị thi công QL19 để xảy ra vi phạm, tuy nhiên CĐT vẫn thực hiện không đạt yêu cầu, gây nguy cơ mất ATGT, ùn tắc trên toàn tuyến.

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (còn gọi DA nâng cấp QL19) có chiều dài 143km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Gia Lai, Bình Định do Ban quản lý DA 2 - Bộ GTVT làm CĐT, có tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD (hơn 3.600 tỷ đồng), thi công từ cuối tháng 8/2021, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Bình luận (0)

Lên đầu trang