Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Thứ Năm, 13/07/2023 20:01

|

(CAO) Chủ tịch Quốc hội đánh giá, công an các địa phương đã làm rất tốt việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn, nhất là cấm can thiệp vào xử lý vi phạm giao thông. Việc luật hoá nội dung này sẽ có tác dụng rất lớn.

Đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 24, chiều 13-7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Dự luật được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB), đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008.

Theo Uỷ ban Quốc phòng - An ninh, sau gần 15 năm thực hiện, nhiều quy định của Luật GTĐB 2008 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình TTATGTĐB ở Việt Nam.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ

“Luật GTĐB năm 2008 điều chỉnh cả lĩnh vực kết cấu hạ tầng GTĐB, vận tải đường bộ và lĩnh vực TTATGTĐB, nên không bao quát hết các nội dung điều chỉnh, dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước, phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành” - cơ quan thẩm tra nhận xét.

Đề cập đến các nội dung cụ thể, nhiều ý kiến của Uỷ ban Quốc phòng – An ninh nhất trí với các quy tắc giao thông đường bộ (Chương II), đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu các quy định của Công ước Viên 1968 về GTĐB để nội luật hóa vào dự thảo Luật cho đầy đủ.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định thời gian lái xe tối đa trong ngày đối với lái xe (tương tự như với lái xe vận tải hành khách) để đảm bảo an toàn cho lái xe và người tham gia giao thông. Bổ sung quy định không sử dụng các loại còi có công suất lớn hoặc gây âm thanh lớn trong khu vực đô thị, khu vực tập trung dân cư, khu vực gần bệnh viện, trường học và bổ sung vào các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8; bổ sung quy định nguyên tắc tham gia giao thông tại nơi tập trung đông người như cổng trường học và các cơ sở y tế...

Nêu quan điểm của Thường trực UBQPAN, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho hay, Chương II đã quy định tương đối đầy đủ về quy tắc GTĐB, kế thừa nhiều quy định của Luật GTĐB năm 2008, nội luật hóa các quy định trong Công ước Viên 1968 về GTĐB, luật hóa một số quy định dưới luật đang thực hiện ổn định. Thường trực Uỷ ban đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu vào dự thảo Luật cho phù hợp.

Liên quan đến nội dung này, tờ trình của Chính phủ nêu, quy tắc giao thông đường bộ gồm 24 điều (từ Điều 9 đến Điều 32). Theo đó, ngoài quy tắc chung, dự luật quy định về chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ; chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách khi điều khiển phương tiện; sử dụng làn đường; vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt; chuyển hướng xe; lùi xe; tránh xe đi ngược chiều; dừng xe, đỗ xe; mở cửa xe; sử dụng đèn; sử dụng tín hiệu còi; nhường đường tại nơi đường giao nhau.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng trình bày tờ trình dự luật

Các quy tắc qua phà, qua cầu phao; giao thông tại đường ngang, cầu chung đường sắt; giao thông trên đường cao tốc; giao thông trong hầm đường bộ; quyền ưu tiên và tín hiệu ưu tiên của một số loại xe; trường hợp chở người trên xe ô tô chở hàng; xe kéo xe và xe kéo rơ-moóc; người đi bộ, người khuyết tật, người già yếu, trẻ em tham gia giao thông; người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác… cũng được quy định tại dự luật.

Lấy công tác tuyên truyền hỗ trợ xử lý, lấy xử lý để tăng cường tuyên truyền

Thảo luận sau đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ sự lo lắng về vấn đề an toàn giao thông hiện nay. Ông Mẫn nhìn nhận, tai nạn giao thông (TNGT) tuỳ thời điểm có thể tăng hoặc giảm, nhưng số người chết, bị thương do TNGT vẫn còn rất lớn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn góp ý cho dự luật

Nhấn mạnh nhân dân rất quan tâm đến dự luật này, ông Mẫn nhìn nhận: “Tôi thấy các Bộ đã nghiên cứu tiếp thu chỉnh sửa chặt chẽ dự luật. Về hồ sơ, thủ tục đã đảm bảo trình tự”.

Lưu ý ở Việt Nam ý thức người dân khi tham gia giao thông còn chưa tốt, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải tuyên truyền phổ biến làm sao để người dân chấp hành tốt. “Phải bổ sung hoàn thiện, hoàn chỉnh để công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật được tốt trong thời gian tới” - ông Mẫn nói và đề nghị ban soạn thảo nêu rõ hơn những quy định mới nhằm giải quyết TNGT đường bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải góp ý, dự luật cần giúp người dân thay đổi nhận thức, xây dựng văn hoá khi tham giao thông. Theo ông Hải, việc này không chỉ dừng ở mức tuyên truyền mà phải đưa vào giáo dục trong trường học.

Đánh giá dự luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiều nội dung thể hiện tốt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý thêm, việc lồng ghép nội dung bảo đảm TTATGT trong quy hoạch cũng đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn.

Cho rằng cử tri rất quan tâm sau khi luật ban hành thì TNGT, ùn tắc giao thông có giảm không, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra, để giải quyết tình trạng ùn tắc nội đô thì không chỉ có giải pháp kỹ thuật mà cần tổng hợp nhiều giải pháp, bao gồm cả giải pháp kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến thảo luận

“Việc này phải có lộ trình thực hiện. Nếu không quy định cụ thể thì phải quy định khung để sau này làm, trong đó quan trọng là phải có giao thông công cộng và có biện pháp giảm dần khí thải nhà kính” - Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở.

Nhìn nhận công an các địa phương đã làm rất tốt việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn, nhất là cấm việc can thiệp vào xử lý vi phạm giao thông, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, luật hoá việc này cũng có tác dụng rất lớn.

“Giờ công an làm rất nghiêm, rất hoan ngênh, vi phạm liên quan đến bia rượu đã giảm nhiều” - Chủ tịch Quốc hội phản ánh. Ông cũng yêu cầu bổ sung quy định “cấm can thiệp vào việc xử lý của cơ quan chức năng” vào quy định về các điều cấm tại dự thảo.

Thay mặt ban soạn thảo tiếp thu vào cuối phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng khẳng định, ban soạn thảo dự luật Đường bộ và dự luật TTATGTĐB sẽ bám vào Chỉ thị 23 của Ban Bí thư để chỉnh sửa dự thảo nhằm đảm bảo luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng với những nội dung mới nhất, có tính chiến lược lâu dài.

Vẫn theo Thứ trưởng, cơ quan soạn thảo sẽ xem xét, bổ sung một số điều khoản trong dự thảo, đặc biệt là những điều cấm như ý kiến các đại biểu nêu. “Quan điểm của chúng tôi là lấy công tác tuyên truyền hỗ trợ công tác xử lý, lấy việc xử lý tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền” - Thứ trưởng Lê Quốc Hùng bày tỏ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang