Đề xuất trẻ dưới 10 tuổi không được ngồi cùng hàng ghế lái xe trên ôtô

Thứ Tư, 12/07/2023 16:25  | Hải Triều

|

(CATP) Điểm này đã được quy định rõ tại dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Dự luật trên cùng Dự luật Đường bộ (do Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo) đã được Quốc hội khóa XV thống nhất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Tại phiên họp thứ 24 dự kiến khai mạc ngày 12/7, hai dự luật này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án Luật TTATGTĐB gồm 8 chương, 62 điều; trong đó dành riêng 1 chương quy định về các quy tắc giao thông đường bộ (GTĐB), bao gồm quy tắc chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ; chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách khi điều khiển phương tiện; sử dụng (SD) làn đường; vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt; chuyển hướng xe; lùi xe; tránh xe đi ngược chiều. Các quy tắc về dừng, đỗ xe; mở cửa xe; SD đèn, tín hiệu còi; nhường đường tại nơi đường giao nhau; qua phà, cầu phao; giao thông tại đường ngang, cầu chung đường sắt; giao thông trên đường cao tốc, trong hầm đường bộ; quyền ưu tiên và tín hiệu ưu tiên của một số loại xe...

Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, nội luật hóa các quy định của Công ước Viên năm 1968 về GTĐB để bổ sung vào dự thảo luật, như tăng cường bảo vệ người yếu thế khi tham gia GTĐB quy định tại khoản 4 điều 9 (quy tắc chung). Liên quan đến quy định bảo vệ trẻ em tại khoản 3 điều 9 (quy tắc chung), dự luật quy định trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m được chở trên ôtô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe (LX) khi tham gia GTĐB. Trẻ dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ.

Cảnh sát giao thông điều hòa phương tiện trên đường

Bên cạnh đó, dự luật cũng bổ sung quy định để giảm thiểu tai nạn từ xe ngược chiều, nêu rõ "Trên đường 2 chiều không có dải phân cách cứng ở giữa có từ 2 làn xe cơ giới (XCG) trở lên trên 1 chiều xe chạy, phương tiện tham gia giao thông của chiều này không được đi vào làn đường của chiều ngược lại"; bổ sung quy định không SD các loại còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ trong khu vực (KV) đô thị, KV tập trung dân cư, KV gần bệnh viện, trường học...

Với điều kiện phương tiện tham gia GTĐB và người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB, dự luật gồm 11 điều, quy định về điều kiện XCG, xe máy chuyên dùng (XMCD), xe thô sơ (XTS) tham gia GTĐB; cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký và biển số XCG, XMCD; trách nhiệm của cơ quan đăng ký xe; quyền và nghĩa vụ của chủ XCG, XMCD; điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB; giấy phép lái xe (GPLX); tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện; đào tạo LX; sát hạch LX; cấp và thu hồi GPLX.

Liên quan đến người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, dự thảo luật quy định nhiều điểm mới, như sửa đổi một số hạng GPLX để phù hợp với Công ước Viên năm 1968 và có kế thừa phân hạng còn phù hợp của Luật GTĐB năm 2008; bổ sung quy định về GPLX quốc tế; quy định về các trường hợp cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi GPLX.

Ở chương IV "Chỉ huy, điều khiển giao thông bảo đảm TTATGTĐB", dự thảo quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông; bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) khi có sự cố, tình huống đột xuất; bảo đảm TTATGT tổ chức sự kiện trên đường bộ; bảo đảm ATGT xe chở hàng siêu trường, siêu trọng, các loại chất nổ, vật phẩm dễ nổ, chất phóng xạ tham gia GTĐB; kiến nghị về ATGT đối với công trình đường bộ; phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông; trung tâm chỉ huy giao thông.

Theo cơ quan soạn thảo, các nội dung trên là mới so với Luật GTĐB năm 2008 để cụ thể hóa những biện pháp, cơ chế tổ chức giao thông an toàn; phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông và khắc phục các bất cập là nguyên nhân dẫn đến TNGT, ùn tắc giao thông.

Về giải quyết TNGT đường bộ, dự thảo dành 3 điều quy định về trách nhiệm của người điều khiển phương tiện, người liên quan và người có mặt tại hiện trường vụ TNGT; phát hiện, tiếp nhận, xử lý tin báo, cứu nạn cứu hộ TNGT; điều tra, giải quyết, thống kê TNGT; luật hóa một số quy định về nguyên tắc, trình tự điều tra, giải quyết vụ TNGT đường bộ.

Đây cũng là các điểm mới so với Luật GTĐB năm 2008, bởi theo nhìn nhận của cơ quan soạn thảo, công tác giải quyết TNGT liên quan trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ của người dân và liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan cần phải luật hóa để bảo đảm sự thống nhất, bảo đảm quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các bên có liên quan trong vụ TNGT.

Bình luận (0)

Lên đầu trang