(CAO) Cử tri TP.HCM vừa kiến nghị Quốc hội xem xét việc mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng (gồm ngân hàng Đại Dương, ngân hàng Dầu khí toàn cầu và ngân hàng Xây dựng).
Theo đó, các cử tri đề nghị cần làm rõ trách nhiệm đối với các ngân hàng này khi để thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng, cần xử lý trách nhiệm hình sự từng trường hợp để tránh việc kinh doanh thua lỗ rồi để ngân hàng Nhà nước gánh nợ.
Trả lời kiến nghị trên, ngân hàng Nhà nước cho biết, qua công tác thanh tra, giám sát, cơ quan này đã xác định được các ngân hàng yếu kém, trong đó các ngân hàng Xây dựng, Dầu khí Toàn cầu và Đại Dương là 3 ngân hàng thua lỗ lớn, có nguy cơ đổ vỡ cao hoặc/và lâm vào tình trạng phá sản.
Ngân hàng Nhà nước đã đặt 3 ngân hàng này vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo đúng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, đồng thời yêu cầu xây dựng phương án cơ cấu lại để xử lý những tồn tại, yếu kém.
Lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng phải hầu toà vì kinh doanh thua lỗ
Tuy nhiên, ngân hàng Dầu khí toàn cầu không đề xuất được phương án cơ cấu lại khả thi, còn ngân hàng Xây dựng, ngân hàng Đại Dương không thực hiện được phương án đã được phê duyệt, thậm chí tình hình tiếp tục xấu đi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng và quyền lợi của người gửi tiền.
Trong khi đó, các phương án xử lý pháp nhân đối với các ngân hàng yếu kém này đều không khả thi (không bán được cho nhà đầu tư mới; không thực hiện được việc sáp nhập, hợp nhất tự nguyện và bắt buộc do mức độ thua lỗ lớn của cả 3 ngân hàng; không thực hiện được phương án phá sản do thời điểm đó chưa có chủ trương cho phá sản ngân hàng nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội lớn, nguy cơ tác động rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng thương mại khác rất lớn, khó kiểm soát).
"Trước tình hình trên, phương án mua bắt buộc 3 ngân hàng là giải pháp cuối cùng khi không còn giải pháp xử lý khác khả thi hơn. Việc ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc 3 ngân hàng yếu kém là có đầy đủ cơ sở pháp lý" - ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Cũng theo cơ quan này, việc để ngân hàng yếu kém, kinh doanh thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng trực tiếp thuộc về trách nhiệm giám sát, quản trị, điều hành yếu kém của các cổ đông lớn, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban điều hành của chính các ngân hàng trên. Hiện những người này đều đã, đang bị Cơ quan chức năng điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.