(CAO) Nhà máy điện năng lượng mặt trời nổi lớn nhất thế giới hiện đang hoạt động tại thành phố Hoài Nam, thuộc tỉnh An Huy vốn có sản lượng tài nguyên khoáng sản với trữ lượng phong phú.
Sungrow một công ty sản xuất, khai thác điện năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã thông báo rằng trung tâm sản xuất điện năng lượng mặt trời với công suất 40 megawatt (MW) của họ đã bắt đầu được khai thác và sử dụng vào cuối tuần trước. Các nhà máy điện năng lượng mặt trời (Photovoltaics - PV) nổi đã được xây dựng trên một khu vực từng được sử dụng để khai thác than đá, sau đó do trời mưa và nước ngập dần dần biến nơi này thành một hồ nước lớn.
Số lượng nhà máy PV nổi đang ngày càng tăng và phổ biến trên toàn cầu vì không khí xung quanh nhà máy thoáng mát cộng với bề mặt nước giúp làm lạnh cáp và tấm pin mặt trời, từ đó hạn chế sự xuống cấp và hư hỏng do nhiệt gây ra. Ngoài ra, các nhà máy PV nổi này cũng giúp giảm áp lực giải phóng mặt bằng cho người dân địa phương, giải quyết tình trạng thiếu đất ở những khu vực đông dân cư.
Năm ngoái, một nhà máy PV 20 MW được xây dựng bởi công ty năng lượng mặt trời Xinyi cũng đã được đưa vào khai thác và sử dụng trong cùng khu vực với dự án của công ty Sungrow. Nhà máy sản xuất điện của công ty Xinyi được xem là một cơ sở sản xuất PV nổi lớn nhất thế giới cho đến khi bị nhà máy của công ty Sungrow vượt qua tuần trước.
Nhà máy điện năng lượng mặt trời nổi của công ty Sungrow tại Trung Quốc.
Các cơ sở sản xuất PV quy mô lớn tương tự cũng đã được xây dựng ở Anh và Nhật Bản. Công ty Sungrow cung cấp thiết bị biến tần cho trung tâm của nhà máy, biến đổi dòng điện trực tiếp từ các tấm pin mặt trời thành dòng điện xoay chiều để chuyển tới lưới điện địa phương. Nhà sản xuất cũng cung cấp một hộp kết hợp tùy chỉnh để kết hợp năng lượng từ nhiều tấm bảng năng lượng mặt trời và gửi nó đến bộ biến đổi trung tâm. Hộp kết hợp được thiết kế đặc biệt cho các nhà máy PV nổi, có thể hoạt động trong môi trường có độ ẩm cao và chịu được muối.
Nhà máy PV tại Hoài Nam là một phần trong sứ mệnh của Bắc Kinh nhằm biến đổi Trung Quốc từ một trong những nước gây ô nhiễm tồi tệ nhất trở thành một người khổng lồ về năng lượng sạch. Trung Quốc và Mỹ cùng thông báo rằng cả 2 nước sẽ phê chuẩn Hiệp định Paris về thay đổi khí hậu vào năm ngoái; tuy nhiên sau khi ông Trump nhậm chức, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc phát triển năng lượng xanh, có thể đây là động thái nhằm vươn lên dẫn đầu trở thành nhà lãnh đạo thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của Trung Quốc.
Đầu năm nay, Trung Quốc đã khánh thành công viên năng lượng mặt trời Longyangxia, một cơ sở rộng khoảng 20 km vuông có thể sản xuất được 850 MW điện, đủ để cung cấp cho 200.000 hộ gia đình. Các dự án lớn tương tự cũng đang dần được khởi động, một phần vì chi phí đầu tư không quá nhiều, một phần nhằm giảm khai thác tài nguyên và ô nhiễm môi trường.
Hiện tại, Trung Quốc đang dần mở rộng đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo ở các nước đang phát triển trên toàn cầu. Thấy được tiềm năng và sự thống trị của nguồn năng lượng sạch trong tương lai, Bắc Kinh cũng đã hứa sẽ đầu tư 360 tỷ USD vào các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió vào năm 2020.