Gần 150 khu dân cư tự phát ở TP.Cần Thơ: Xử lý thế nào?

Thứ Hai, 11/11/2019 17:37

|

(CATP) UBND TP.Cần Thơ vừa có báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát khu dân cư (KDC) tự phát trên địa bàn 3 quận Bình Thủy, Cái Răng và Ninh Kiều.

Theo đó, 3 quận này có 148 KDC trái phép, với gần 95 héc-ta, trong đó có 54 héc-ta đất thuộc khu quy hoạch. Bên cạnh những KDC "4 không" (không đường, không điện, không nước, không nhà dân) thì một số KDC đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, người dân sinh sống đông đúc... Việc xử lý các KDC này ra sao?

PHÁ NÁT QUY HOẠCH

Năm 2017, UBND TP.Cần Thơ phát hiện nhiều KDC trái phép hình thành trên địa bàn. Theo chính quyền địa phương, do nhu cầu về nhà ở tăng nhanh, các chủ đầu tư chớp thời cơ làm KDC trái phép. Từ đất nông nghiệp, chủ đất san lấp mặt bằng, làm đường, phân lô bán nền.

Ngoài ra, một số chủ đầu tư giấu mặt, mua đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm rồi san lấp, phân lô, bán nền. Để thu hút khách hàng, chủ đầu tư thường mua đất giáp với KDC hiện hữu, sau khâu san lấp thì tiến hành xây dựng đường ngang 4m đấu nối với KDC đã được quy hoạch. Nhiều người thu nhập thấp đã tìm đến các KDC trái phép để mua đất, xây nhà... vì phù hợp với túi tiền.

Một trong những khu dân cư tự phát trên địa bàn quận Bình Thủy

Các cơ quan chức năng TP.Cần Thơ tiến hành kiểm tra, xác định tại trung tâm Q.Ninh Kiều, KDC trái phép chủ yếu xây dựng ở các phường vùng ven như An Bình, An Khánh. Tương tự, ở quận Cái Răng, các phường vùng ven xuất hiện một số KDC không có trong quy hoạch. Các chủ đầu tư phân lô, bán nền với giá từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng. Còn tại Q.Bình Thủy cũng có nhiều KDC trái phép. Đặc biệt, những phường giáp với Q.Ninh Kiều hoặc tuyến quốc lộ, nhan nhản "cò" đất rao bán nền nhà.

Đặc điểm chung của các KDC trái phép là không có vỉa hè, cống thoát nước (hoặc có, nhưng rất sơ sài); không có hệ thống ống dẫn nước chữa cháy, nước sạch, điện sinh hoạt, công viên cây xanh; không tuân thủ về mật độ xây dựng, không đảm bảo sử dụng lâu dài, phá vỡ quy hoạch đô thị.

Bến xe Thành Bưởi ở quận Bình Thủy được chuyển từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở đô thị không đúng quy hoạch

Tháng 12-2017, Thanh tra TP.Cần Thơ có kết luận về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất, xây dựng công trình, nhà ở phạm vi đường nối Cách Mạng Tháng Tám đến Tỉnh lộ 918 và Khu đô thị mới Võ Văn Kiệt... thuộc Q.Bình Thủy. Theo đó, các ngành chức năng của quận này buông lỏng quản lý, ưu ái, dễ dàng để các cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, chia lô, bán nền. Chính quyền quận còn cấp phép xây dựng trái với quy hoạch được duyệt, để người dân xây dựng nhà trái phép, không phép, lấp kênh rạch..., nhưng không kiên quyết xử lý.

Kết luận còn xác định, việc hình thành các KDC tự phát, cơ sở hạ tầng thấp kém ảnh hưởng đến Đề án khai thác quỹ đất thành phố (giai đoạn 2017 - 2021), do phải bồi thường bằng giá đất thổ cư và phải lo tái định cư, có khả năng hình thành "điểm nóng" trong giải quyết khiếu nại về sau. Thanh tra TP.Cần Thơ cho rằng, sai phạm trên có dấu hiệu hình thành đường dây điều chỉnh loại đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô, bán nền. Cạnh đó, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND Q.Bình Thủy thu hồi 33 giấy phép xây dựng cấp phép sai quy định.

Tháng 5-2018, UBND Q.Bình Thủy ra quyết định tạm ngưng giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất tại các KDC tự phát mà chưa xác định được KDC có phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hay không. Các KDC chưa đảm bảo cơ sở hạ tầng, dù đã có kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt từ năm 2017 trở về trước, cũng bị tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất. UBND Q.Bình Thủy yêu cầu các phòng, ban liên quan tạm đình chỉ hoạt động xây dựng tại các KDC trái phép, dù có giấy phép hay không có giấy phép xây dựng; chấm dứt không để hình thành các KDC tự phát mới.

DIỆN TÍCH KHU DÂN CƯ TỰ PHÁT QUÁ LỚN

Ngày 4-6-2019, UBND TP.Cần Thơ ra Quyết định số 1337 thành lập Tổ công tác tham mưu, xử lý KDC trái phép trên địa bàn 3 quận Bình Thủy, Cái Răng và Ninh Kiều. Sau 3 tháng kiểm tra, Tổ công tác đã có báo cáo, hiện 3 quận này có 148 KDC trái phép, với diện tích gần 95 héc-ta.

Cụ thể, Q.Ninh Kiều có 33 KDC trái phép, với tổng diện tích hơn 150.000m2, tách thành 1.918 thửa trên đất nông nghiệp, thuộc các phường: Hưng Lợi (3 KDC), Cái Khế và An Hòa (mỗi phường 2 KDC), An Bình (20 KDC), An Khánh (6 KDC). Tại các KDC trái phép, có tổng cộng 225 công trình, nhà ở đã xây dựng, trong đó có 59 công trình xây dựng có phép, 56 công trình xây dựng không phép. Chính quyền địa phương đã xử lý 47 trường hợp. Các trường hợp còn lại, UBND các phường đang rà soát, xử lý.

Cơ sở hạ tầng ở khu dân cư trái phép còn rất sơ sài

Qua kiểm tra tại Q.Ninh Kiều, có 5 KDC đất cỏ mọc um tùm, chưa đầu tư; 23 khu đã đầu tư cơ sở hạ tầng, 5 khu có cơ sở hạ tầng và người dân sinh sống. Các cơ quan chức năng kết luận, trong 33 KDC trái phép trên địa bàn quận này, có 4 khu (diện tích hơn 10.000m2) phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; 10 khu (hơn 28.000m2) phù hợp một phần quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất; còn lại 22 khu (hơn 111.000m2) không phù hợp với quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất.

Tại quận Cái Răng có 26 KDC tách thửa, phân lô, với tổng diện tích hơn 65.000m2. Trong đó, có 11 KDC đất trống, không có công trình xây dựng; 12 khu chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng; 3 khu đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Riêng P.Lê Bình có 10 KDC trái phép. Tại các KDC trái phép ở quận Cái Răng, đã xây dựng 125 công trình nhà ở, trong đó chỉ có 59 công trình có giấy phép xây dựng, còn lại đều không phép. Tổ kiểm tra xác định, có 10 KDC (hơn 27.000m2) phù hợp với quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất, còn 16 KDC (gần 39.000m2) không phù hợp quy hoạch.

Địa bàn Q.Bình Thủy có tới 89 KDC trái phép, với tổng diện tích gần 74 héc-ta. Tập trung KDC trái phép nhất của quận này là phường Long Hòa (31 khu). Về đầu tư cơ sở hạ tầng, 18 khu còn đất trống, chưa san lấp (diện tích hơn 83.000m2), 71 khu đã san lấp, đầu tư cơ sở hạ tầng như: đường xi măng, cống thoát nước. Các khu này có 1.955 công trình nhà ở đã xây dựng, nhưng chỉ có 772 công trình xây dựng có phép, còn 1.183 công trình không phép.

Các cơ quan chức năng xác định, ở Q.Bình Thủy, có 8 KDC (diện tích hơn 43.000m2) phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; 26 khu (gần 300.000m2) phù hợp một phần quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; còn 55 khu (gần 400.000m2) không phù hợp quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất.

NGĂN CHẶN XÂY DỰNG TRÁI PHÉP TRÊN ĐẤT QUY HOẠCH

Một thành viên Tổ công tác cho rằng, nguyên nhân KDC trái phép "mọc như mấm sau mưa" là do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu nhà ở, mặt bằng kinh doanh của người dân tăng cao. Đặc biệt, nhiều người có thu nhập thấp, chỉ có khả năng mua nền đất giá rẻ, dẫn đến hình thành các KDC tự phát trên. Phần lớn các khu đất tự phân lô, tách thửa, đầu tư cơ sở hạ tầng ở mức tối thiểu, chưa phù hợp quy chuẩn để xây dựng KDC, không phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, làm manh mún đất, gây phá vỡ quy hoạch, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến tiến trình đô thị hóa, đặc biệt là làm phát sinh nhiều khiếu kiện phức tạp về đất đai khi thực hiện quy hoạch.

Chủ dầu tư sau khi chuyển nhượng đất lại cho người có nhu cầu thì không còn quan tâm đến việc đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng, dẫn đến hạ tầng hư hỏng gây ngập úng, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp... Khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, nhiều trường hợp người sử dụng đất cố tình làm sai, không chịu hợp tác với lực lượng thi hành công vụ.

Chính quyền phường treo bảng khuyến cáo người dân đề phòng mua nhầm nền khu dân cư trái phép

Tổ công tác đã đề xuất với Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ về việc xử lý KDC trái phép trên địa bàn. Theo đó, trường hợp khu đất phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chủ đầu tư đã san lấp mặt bằng, chưa đầu tư cơ sở hạ tầng thì giao cho UBND phường hướng dẫn thực hiện các thủ tục theo đúng quy định pháp luật. Đối với khu đất đã đầu tư cơ sở hạ tầng và công trình xây dựng, đã có người dân sinh sống thì đề nghị chủ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng hoặc thực hiện theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, đảm bảo đấu nối hạ tầng; hướng dẫn người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính, lập thủ tục đất đai, xây dựng theo quy định.

Đối với các khu đất phù hợp một phần quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng (khu đất có một phần đất ở và một phần đất không phải đất ở), UBND TP.Cần Thơ cần giao cho UBND các quận rà soát từng khu. Phần đất nào phù hợp quy hoạch xây dựng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện các thủ tục đất đai, xây dựng theo đúng quy định.

Đối với các KDC tự phát không phù hợp quy hoạch gần 54 héc-ta, Tổ công tác đề nghị giữ nguyên hiện trạng, không để san lấp, phát sinh các công trình xây dựng mới. Chính quyền địa phương có trách nhiệm ngăn chặn, xử lý kịp thời việc san lấp, lấn chiếm đất công, sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng công trình không phép ở địa phương.

Liên quan đến những sai phạm trong quản lý đất đai trên địa bàn Q.Bình Thủy, UBND TP.Cần Thơ vừa trao quyết định điều động ông Lê Tâm Niệm (Chủ tịch UBND quận Bình Thủy) đến công tác tại Sở Nội vụ và chưa bố trí, phân công công việc cho ông Niệm. Luân chuyển ông Nguyễn Văn Tuấn (Phó chủ tịch Thường trực UBND Q.Bình Thủy) về một Ban xây dựng Đảng của quận này. Thành ủy Cần Thơ còn điều động, giới thiệu ông Trần Thanh Bình (Phó hiệu trưởng Trường Chính trị TP.Cần Thơ) tham gia Ban Chấp hành Quận ủy Bình Thủy, giữ chức Phó bí thư. Ông Bình sẽ được giới thiệu để HĐND quận bầu giữ chức Chủ tịch UBND Q.Bình Thủy.

Như Báo Công an TPHCM thông tin, tháng 11-2018, UBND Q.Bình Thủy thực hiện theo kết luận Thanh tra TP.Cần Thơ, xử lý kỷ luật 13 cán bộ với các hình thức từ khiển trách đến giáng chức. Tháng 9-2019, Cơ quan CSĐT Công an TP.Cần Thơ đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về quản lý đất đai tại quận này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang