3 người dân ở Mũi Né, Bình Thuận bị chó dại cắn

Thứ Bảy, 08/02/2025 22:18

|

(CAO) Trung tâm kỹ thuật và dịch vụ nông nghiệp thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) cho biết: Đã có 3 người dân ở khu phố 6, phường Mũi Né cùng bị một con chó dại tấn công đến trình báo và được tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại.

Theo kết quả giám sát, trưa 6/2, một con chó thả rông đã chạy vào nhà người dân cắn liên tiếp 3 người và tiếp xúc, cắn nhau với những con chó xung quanh. Ngay sau đó, con chó này bị người dân bắt giữ, theo dõi đến chiều cùng ngày thì chết.

Lực lượng chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm tìm virus, kết quả của Chi cục Thú y Vùng VI cho thấy, con chó trên có kết quả dương tính virus dại. Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp thành phố Phan Thiết đã tiến hành phun xịt xung quanh các nhà dân bị chó cắn và nơi nó đi qua. Đồng thời khoanh vùng, tiêm vaccine ngừa bệnh dại cho các hộ có nuôi chó tại khu phố; thông báo rộng rãi trên các phương tiện tìm kiếm người dân trong khu vực có tiếp xúc với con chó dại trên. Trung tâm tiếp tục đề nghị người dân có tiếp xúc gần hoặc bị con chó trên cào cắn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn tiêm huyết thanh kháng dại theo quy định.

Ảnh minh hoạ

Thời gian gần đây, tại Bình Thuận, bệnh dại đang có diễn biến phức tạp và gia tăng. Năm 2024, Bình Thuận là một trong những địa phương có số ca tử vong do bệnh dại cao nhất cả nước với 10 trường hợp. Số người được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm là hơn 20.700 người (tăng 7.000 người so với năm 2023).

Trước tình hình trên, ngành Y tế đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức người dân về phòng bệnh dại, tổ chức điều tra, xử lý ổ dịch; tăng cường biện pháp quản lý đàn chó, mèo, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo. Các bác sỹ khuyến cáo, trường hợp bị chó, mèo cắn, cào phải rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch 5 - 10 phút bằng xà phòng và sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

Đặc biệt, người dân không nặn máu từ vết thương, không bôi, đắp bất cứ dung dịch, lá thuốc theo quan niệm dân gian tránh nhiễm trùng và khiến virus xâm nhập sâu hơn; nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt.

Khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện lạ, nghi bệnh dại cần báo ngay cho chính quyền địa phương để được hỗ trợ giải quyết. Người nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hằng năm; nuôi chó phải nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm cho chó. Người dân không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang