Bão Yagi đổ bộ thủ đô Hà Nội, gió giật cấp 10 kèm giông lốc, ngập úng

Thứ Bảy, 07/09/2024 16:56  | Thanh Hòa

|

(CAO) Cơ quan chức năng khuyến cáo, ngay sau khi tâm bão đi qua, sức gió sẽ giảm hoặc ngừng sau đó tăng trở lại trước khi giảm hẳn, vì vậy người dân phải hết sức cảnh giác, không được chủ quan ra đường ngay khi thấy hiện tượng gió giảm hoặc ngừng.

Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ chiều đến tối 7/9 là thời điểm bão số 3 tác động mạnh nhất vào khu vực đất liền, trong đó có thủ đô Hà Nội. Gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, kèm theo giông lốc, mưa lớn kéo dài có khả năng gây ngập úng và gãy, đổ cây.

Theo dự báo, do tác động của bão, gió mạnh chiều và đêm 7/9, các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 10.

Chiều và đêm 7/9, thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ có gió mạnh cấp 4, cấp 5, sau tăng lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 9.

Cây xanh gãy đổ tại Khu đô thị Ecopark

Thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ chiều tối đến đêm 7/9. Gió mạnh có thể gây tốc mái, hư hại nhà cửa, làm gãy đổ cây cối, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: Cấp 3.

Mưa lớn từ nay đến sáng 9/9, thành phố Hà Nội có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông (mưa to đến rất to tập trung từ chiều 7/9 đến sáng 8/9).

Chiều tối 7/9, Sở Thông tin-Truyền thông TP Hà Nội đã gửi tin nhắn qua hệ thống Zalo tới từng người dân về khuyến cáo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị người dân thành phố không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn...

Người đứng đầu chính quyền Thủ đô đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó mưa, bão, lũ, thiên tai với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Nhiều phương tiện bị cây xanh gãy đổ đè trúng
Mái tôn bị cuốn bay, sập đổ

Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do bão số 3 gây ra, tập trung kêu gọi, vận động người dân khẩn trương về nơi cư trú an toàn; tránh tư tưởng phó mặc trong công tác phòng, chống bão cho cơ quan chức năng, đặc biệt là tư tưởng chủ quan, lơ là.

Tính đến 16h ngày 7/9, Trung tâm chỉ huy Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận hơn 70 tin báo cứu nạn, cứu hộ cây đổ do ảnh hưởng của bão Yagi gây ra trên địa bàn Thành phố, qua đó đã điều động hơn 140 lượt xe cứu nạn, cứu hộ, phương tiện phá dỡ, với hơn 1.500 CBCS tham gia triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ.

Ngay sau khi bão số 3 đổ bộ vào khu vực giữa tỉnh Quảng Ninh và TP.Hải Phòng vào khoảng 12h30 ngày 7/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp thứ 2 của Sở Chỉ huy tiền phương, đánh giá tình hình ứng phó của các địa phương.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe báo cáo về công tác ứng phó bão số 3

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng – Thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết, sau khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, sức gió vẫn duy trì cấp 12-13, giật cấp 14-16, dự kiến đến khoảng 16h mới giảm dần. Các vùng sâu trong đất liền cấp độ gió sẽ tăng dần, riêng tại Hà Nội, từ 15h có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9-10, kéo dài đến 19h.

Ông Hoàng Đức Cường nhấn mạnh, ngay sau khi tâm bão đi qua, sức gió sẽ giảm hoặc ngừng sau đó tăng trở lại trước khi giảm hẳn, vì vậy, người dân phải hết sức cảnh giác, không được chủ quan, ra đường, về nhà ngay khi thấy hiện tượng gió giảm hoặc ngừng.

Về dự báo mưa, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình có mưa nhiều nhất. Các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên mưa kéo dài đến hết đêm 7/9. Sau đó, mưa sẽ lan rộng ra vùng núi phía bắc, Tây Bắc Bộ đến hết ngày 8/9.

Đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau khi bão số 3 đổ bộ, trên địa bàn TP. Cẩm Phả, TP. Móng Cái, đảo Cô Tô, cấp độ gió bắt đầu giảm, trong khi TP. Hạ Long, thị xã Quảng Yên cấp độ gió vẫn duy trì ở mức cao. Dự báo tại TP. Uông Bí, thị xã Đông Triều cấp gió bão tiếp tục tăng lên.

Tại TP. Hải Phòng, tâm bão nằm trên địa bàn huyện Cát Hải, các địa bàn quận huyện khác có mưa và gió giật rất mạnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp Sở Chỉ huy tiền phương ngay khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền

Lãnh đạo các tỉnh Thái Bình, Nam Định cho biết, ngay sau khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, khu vực ven biển ghi nhận mức gió duy trì liên tục ở cấp 9-10, vùng ven biển giật cấp 12-13.

Với mức sóng biển cao từ 4-5 m, các tuyến đê biển, đê sông xung yếu tại Hải Phòng, Nam Định vẫn đang an toàn.

Các địa phương ghi nhận thiệt hại ban đầu là tình trạng cây cối, cột điện gãy đổ, nhà bị tốc mái, vỡ kính ở một số nhà cao tầng, một số xà lan, tàu thuyền bị trôi dạt. Nhiều nơi ở Quảng Ninh, Hải Phòng bị mất điện, hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết, thành phố đang triển khai các biện pháp ứng phó theo các kịch bản đã đề ra; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành điện lực, viễn thông khẩn trương khôi phục lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc sớm nhất.

Tấm hộ lan mềm tại khu vực cầu 3 Vân Đồn bị gió xô đẩy ra giữa Tỉnh lộ 334.
Một người dân tại chung cư Ramada (TP Hạ Long, Quảng Ninh) bị thương do kính vỡ văng vào người.

Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan khí tượng thủy văn cung cấp chính xác diễn biến, phạm vi ảnh hưởng của bão số 3 sau khi đi vào đất liền, về cấp gió, lượng mưa để các đô thị, khu đông dân cư, vùng trung du miền núi phía bắc chủ động giảm nhẹ thiệt hại do cây cối, cột điện gãy đổ, nhà cửa bị tốc mái, sập đổ, ngập lụt; phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với địa phương sớm đánh giá thiệt hại, chỉ đạo các doanh nghiệp tập trung khắc phục, sửa chữa lưới điện, hệ thống thông tin, liên lạc.

Ở những nơi bão tan, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại, xác định các khu vực hỗ trợ; phối hợp với các lực lượng, cơ quan đoàn thể, nòng cốt là lực lượng vũ trang triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, khắc phục thiệt hại, bảo đảm đời sống của nhân dân, không để ai bị đói, bị rét, ko có chỗ ở.

Bình luận (0)

Lên đầu trang