Đà Lạt: Người dân ở nhà... ngắm hoa mà rầu

Thứ Hai, 30/03/2020 19:30

|

(CAO) Thực tế này đang diễn ra tại thành phố ngàn hoa Đà Lạt suốt mấy tuần qua và sẽ còn tiếp diễn đến hết đỉnh dịch Covid-19. Tất nhiên, người dân vừa ngắm hoa vừa... lo lắng vì kinh tế thất thu.

Trong khi đó, cán bộ - công nhân viên ở nhiều đơn vị liên tục "tăng ca", không có ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật..., đảm bảo thực hiện nghiêm túc mệnh lệnh "chống dịch như chống giặc".

Xứ hoa Đà Lạt những ngày này, các loại hàng hoá nông sản: rau, củ, quả và muôn vàn giống hoa đẹp, sang, đều chung cảnh... ế ẩm, không xuất bán được ra ngoại tỉnh. Trong tỉnh, thành phố người mua cũng lác đác, cầm chừng. Hoa, rau, trái tươi ngon mà lòng người trồng, người buôn bán... "héo".

Hoa hồng Đà Lạt luôn đắt hàng quanh năm, nhưng nay... giá nào cũng bán!

Chợ Đà Lạt hay các chợ nhỏ Chi Lăng, Phan Chu Trinh, ấp Ánh Sáng, La Sơn Phu Tử, Bùi Thị Xuân, Phan Đình Phùng, Cẩm Đô... hàng hoá rất phong phú, giá cả đều khá "mềm". Bình thường, hàng đẹp, tươi ngon dường như được xuất đi các tỉnh, thành lớn trong nước hoặc xuất khẩu quốc tế. Người Đà Lạt muốn mua hàng ngon phải đi chợ sớm, chợ lớn (chợ Đà Lạt), nay thì sáng - trưa - chiều có cả. Hàng quán nào cũng đầy ắp sản phẩm, nhưng sức mua không đáng kể.

Nhóm nhà báo dừng chân viết bài ở một quán cà phê đầy hoa hồng

Quan sát những cuộc mua, bán hàng hoá mới thấy văn hoá người Đà Lạt mới đáng yêu, văn minh làm sao. Do "quý", cần người mua, hàng hoá tràn ngập, người bán cũng không bày trò "làm mặt" cho hàng. Trên, dưới giỏ, kệ hàng, chất lượng đều nhau. Người bán mời chào đon đả, nhiệt tình lựa từng món tươi ngon, đủ số lượng, chiều lòng khách, không nài ép. Người mua lịch sự, nói năng khiêm tốn, không có kiểu "thượng đế". Giữa cuộc mua - bán đều nghe đôi bên nói lời "cảm ơn" bởi sự gửi, trao thân tình!

Nhiều người cho biết, lương thực thiết yếu thì cần thiết phải mua. Nhưng còn hoa, mua nhiều lần trong tháng, tuần là do... thương người trồng hoa, thương người bán. Và vì hoa rẻ quá, tội gì không trưng!

Lyly Đà Lạt cũng rất rẻ
Vườn hoa cúc Nhật đại đoá đến kỳ thu hoạch, chủ vườn... không buồn hái bán!

Trong khi đó, thực hiện công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, từ các Chỉ thị, Công điện của Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia, Bộ Y tế về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, "chống dịch như chống giặc" - được cụ thể hoá theo Công điện số 1777 chiều 27-3-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; từ khuya 28-3, cán bộ các cấp, ngành của tỉnh, từng địa bàn thành phố, các huyện... lần lượt ra quân, tiếp tục tăng cường kiểm soát công tác cách ly với các trường hợp nghi nhiễm, có tiếp xúc với người lây - nghi nhiễm, trở về từ vùng dịch; dừng các hoạt động hội họp, sự kiện, dịch vụ ăn uống; hạn chế việc di chuyển của người dân; dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo...

Vào các ngày, đêm thứ 7, chủ nhật vừa qua, UBND TP. Đà Lạt lập kế hoạch, chỉ đạo các ngành chức năng địa phương tiến hành làm công tác chỉnh trang đô thị, dẹp trật tự, làm thông thoáng hè phố, góp phần tạo môi trường xanh - sạch - đẹp, ngăn ngừa bệnh dịch; trấn chỉnh trật tự đô thị

Trong khi tại địa bàn các huyện người dân đi ngủ sớm hơn, thì tại hai thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng), người dân có thói quen thức khuya hơn, tụ tập hóng gió, ăn nhậu, vui chơi, đến sáng... Do đó, cán bộ ngày làm việc chuyên môn, tối khuya và ngày cuối tuần thay ca đi "dẹp trận", nghiêm cấm việc tụ tập đông người, chỉnh trang trật tự đô thị, truy tìm người lạ đến địa bàn... Tiếng là "thay ca", nhưng nhiều đơn vị, ban, ngành có ít người nên hầu hết làm việc xuyên đêm 24/24h để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Vì mệnh lệnh của cấp trên, vì sự an nguy của cộng đồng.

Cụ ông trông quầy hàng atiso cho con cháu khi hàng hoá ế ẩm, sức mua chậm 
Cây trái đủ mọi miền tươi ngon nhưng vắng người mua!
Quảng trường Lâm Viên - Đà Lạt và dọc các tuyến đường dọc theo bờ hồ Xuân Hương được UBND TP. Đà Lạt giao UBND, Công an các phường 1,3,9,10 luôn đảm bảo được dọn dẹp sạch sẽ

Bình luận (0)

Lên đầu trang