Cần xử lý nghiêm các trường hợp thông tin sai lệch về dịch Covid-19

Thứ Tư, 26/05/2021 11:33

|

(CATP) Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng không ít người thiếu ý thức, cố tình làm nhiễu loạn thông tin về dịch dưới nhiều hình thức, động cơ, thủ đoạn khác nhau. Có không ít đối tượng mượn mạng xã hội nhằm trục lợi, gây rối tình hình, đăng tải thông tin sai lệch, bóp méo, đồn thổi... Bên cạnh đó, cũng có người vi phạm do chủ quan, lơ là, xem nhẹ công tác phòng, chống dịch.

Thời gian gần đây, lợi dụng những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cá nhân đã đưa ra những thông tin sai sự thật, giật gân, câu like trên các trang mạng xã hội. Hành vi này không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Do đó, xử lý kiên quyết việc đưa thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19 là hết sức cần thiết.

Trong khi các lực lượng tuyến đầu như công an, quân đội, y tế đang ngày đêm căng sức chống dịch, còn một bộ phận người dân thiếu trách nhiệm; trong đó có nhiều người trẻ tuổi thường xuyên đăng thông tin sai lệch, bóp méo, xuyên tạc, gây hoang mang dư luận. Điển hình như thông tin "Hà Nội giãn cách xã hội" hay các đoạn video truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy được cho là ghi lại ở quán bar Sunny, tỉnh Vĩnh Phúc...

Hồ Thị Minh H. - người đăng tin sai sự thật về dịch Covid-19 tại cơ quan công an

Mới đây nhất là khoảng 21 giờ ngày 24-5, lực lượng chức năng tiến hành phun khử khuẩn khuôn viên siêu thị BigC Thăng Long, đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) vì có bệnh nhân mắc Covid-19 vào đây mua sắm. Thế nhưng, rất nhanh sau đó, mạng xã hội đã xuất hiện và được chia sẻ rất nhiều đoạn clip một người Ấn Độ đang mua hàng tại đây ngã xuống sàn và phun ra máu...

Trước đó, ngày 10-5-2021, trên mạng xã hội lại lan truyền thông tin về trường hợp F1 là bà V.T.T.T có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngay khi phát hiện thông tin sai sự thật về trường hợp này lan truyền trên mạng, Công an tỉnh Quảng Bình đã nhanh chóng vào cuộc điều tra làm rõ và triệu tập Hồ Thị Minh H. (SN 1983, ở phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) là người đã đăng tải thông tin trên. Công an tỉnh Quảng Bình đang củng cố hồ sơ để xử lý trường hợp này.

Ở tỉnh Lào Cai, ngày 7-3, Công an tỉnh Lào Cai đã phạt hành chính số tiền 40 triệu đồng đối với 4 cô gái về hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức và danh phẩm của cá nhân. Nhóm người này đã dùng tài khoản Facebook đăng các thông tin sai sự thật có nội dung: "Sa Pa cho 9 người khách nước ngoài đi cùng chuyến bay với Nhung...", và "Hành khách cùng khoang bệnh nhân Nhung đang ở tổ 8, Mường Hoa, phường Bắc Cường, mọi người chú ý nâng cao cảnh giác".

Còn tại TP.Hà Nội, thông tin từ công an TP, đến ngày 11-3, liên quan đến việc tung tin đồn thất thiệt về bệnh nhân số 17 nhiễm virus SARS-CoV-2, các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố Hà Nội đã lập biên bản xử lý 23 trường hợp. Công an thành phố đang tiếp tục nắm tình hình, lên danh sách các trường hợp đưa thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 để xử lý nghiêm theo quy định.

Thống kê từ các cơ quan chức năng cho thấy, từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 đến nay, trên không gian mạng đã có hơn 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; hơn 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh Covid-19 đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ.

Công an xử phạt hành chính nhiều trường hợp tung tin thất thiệt về Covid-19

Rất nhiều trường hợp đăng tải thông tin sai lệch đã bị xử phạt hành chính hoặc khởi tố hình sự, trong đó có cả lỗi cố ý, cả lỗi xuất phát từ thói quen, sự hiếu kỳ, thậm chí là chỉ để đùa vui, "sống ảo" trên mạng xã hội.

Chỉ từ đầu tháng 4-2021 đến nay, riêng Hà Nội đã xử lý 4.104 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với tổng số tiền phạt là 6,344 tỷ đồng; xử phạt hành chính 8 trường hợp trốn tránh cách ly y tế với tổng tiền phạt 60 triệu đồng. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã xử phạt hàng chục trường hợp đăng tải thông tin sai lệch trên mạng xã hội với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19 có thể minh họa giống như thói quen vượt đèn đỏ mỗi ngày. Một lần, hai lần vi phạm trót lọt và cứ tiếp diễn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng, dễ dẫn tới vi phạm pháp luật hình sự.

Trong giai đoạn tập trung phòng, chống dịch Covid-19, mỗi người dân cần ý thức hơn với xã hội, điều chỉnh những thói quen cho phù hợp với quy định, chung tay cùng xã hội thực hiện tốt "mục tiêu kép" song hành phát triển kinh tế, an sinh xã hội như chủ trương xuyên suốt của Chính phủ đề ra.

Bình luận (0)

Lên đầu trang