(CATP) Chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan chức năng liên tục phát hiện các vụ nhập khẩu găng tay (GT) cũ, đã qua sử dụng (SD), dù đây là hàng hóa nằm trong danh mục cấm nhập khẩu (NK). Những loại GT này không đảm bảo vệ sinh, khả năng mang mầm bệnh rất cao, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Thay vì phải tiêu hủy, do hám lợi, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn bất chấp, để khai báo gian dối nhằm qua mặt lực lượng kiểm soát, để tái chế và đưa ngược ra thị trường, coi thường tính mạng, sức khỏe cộng đồng.
Liên tục phát hiện lượng lớn găng tay đã qua sử dụng
Nhờ tăng cường kiểm soát, giữa tháng 12-2020 Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn cùng đội liên ngành phát hiện 1 ôtô đang lưu thông trên tuyến cao tốc Lạng Sơn - Bắc Giang có dấu hiệu khả nghi nên tiến hành kiểm tra. Ngoài các mặt hàng nghi vận chuyển lậu, cơ quan chức năng còn phát hiện hơn 33 nghìn đôi GT cao su đã qua sử dụng, nhiều cái đã rách, bẩn. Chủ hàng khai thu mua gần cửa khẩu (CK) Lạng Sơn bề bán cho các cơ sở tái chế.
Trước thực trạng hàng loạt vụ gian lận thương mại liên quan đến mặt hàng KTYT như nhập lậu, xuất lậu các loại không rõ nguồn gốc, đầu năm nay, Bộ Công thương ban hành Thông tư 44/2020/TT-BCT quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng KTYT, GTYT và trang phục phòng chống dịch.
Cũng theo bộ này, hiện có thông tin một số DN lợi dụng chủ trương tạm nhập, tái xuất hàng hóa để buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển tải bất hợp pháp KTYT, trang phục bảo hộ lao động. Thậm chí, tình trạng này có nguy cơ gia tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và nhu cầu sử dụng KTYT, đồ bảo hộ y tế tiếp tục tăng cao.
Chỉ trước đó vài ngày, hơn 8,15 tấn găng tay y tế (GTYT) đã qua SD, không rõ nguồn gốc bị Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên phát hiện tại nhà ông Vi Văn Sản (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên), chủ lô hàng là ông Trần Minh Trung (ở Bình Dương) khai mượn địa điểm này thuê người phân loại với giá 3.000 đồng/kg.
Trước đó, hàng chục tấn GT, đồ bảo hộ y tế đã qua sử dụng bị lực lượng QLTT tỉnh Bình Dương phát hiện tại khu nhà trọ công nhân thuộc xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, Bình Dương; gồm 20 tấn GT đã phân loại chưa qua sơ chế, hơn 1 tấn GT, áo chống dịch đã qua sử dụng là rác thải y tế và 156 thùng GTYT thành phẩm không ghi nhãn mác. "Xưởng" có hàng chục công nhân nhưng không đăng ký kinh doanh, chỉ dùng nơi này làm kho cất giữ, phân loại "hàng" để bán cho đối tác.
Không chỉ được vận chuyển qua đường tiểu ngạch, lượng lớn GT cũ, đã qua SD liên tiếp được phát hiện trong các lô hàng NK dưới hình thức mới 100% hoặc chủ hàng cố tình khai báo sai tên hàng hóa... Cuối tháng 3-2021, Chi cục Hải quan (HQ) CK Hữu nghị (Cục HQ Lạng Sơn) phát hiện 1 doanh nghiệp NK gần 6 tấn GT đã qua SD xuất xứ từ Trung Quốc (TQ), trong khi theo tờ khai doanh nghiệp (DN) này mở là hàng mới 100% để phục vụ công nhân các nhà máy.
Mới đây nhất, Chi cục HQ Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện 1 container hàng NK do Công ty TNHH VHC Global (ở Q.Bình Thạnh, TPHCM) đứng tên tờ khai NK. Theo khai báo của DN, số hàng gồm gần 15 tấn GT gia dụng bằng cao su dùng trong gia đình, không nhãn hiệu, mới 100%, NK từ TQ. Qua kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng phát hiện toàn bộ số GT này là hàng rời, dính bụi bẩn và mốc, tất cả đều không nhãn hiệu, đóng trong hàng trăm bao tải.
Trước đó, cũng với thủ đoạn khai báo gian dối trong khi mở tờ khai với cơ quan chức năng, Công ty thiết bị y tế Sài Gòn Trading Group đã "phù phép" 2 container GT cao su đã qua SD thành hàng mới, NK từ TQ, tuy nhiên qua kiểm tra thực tế thì tất cả đều đã qua SD, bẩn, mốc... Theo báo cáo, chỉ trong năm 2020, Chi cục HQ Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện 42 tấn GT cũ, đã qua SD nhập lậu qua ngả này.
Găng tay bẩn nhập khẩu bị cơ quan chức năng phát hiện
Tại TPHCM, năm 2020 cơ quan chức năng phát hiện lượng lớn khẩu trang y tế (KTYT), GTYT đã qua SD được tái chế để bán ra thị trường. Cùng với đó, hàng loạt kho cất giấu KTYT, GTYT, đồ bảo hộ chống dịch đã qua SD chờ tái chế cũng được lực lượng chức năng phát hiện từ năm 2020 đến nay tại nhiều địa phương: Bình Dương, Thái Nguyên, Hòa Bình...
Đại diện Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, vi phạm về sản xuất, mua bán GT giả, nhất là loại đã qua SD diễn ra khá phổ biến, nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Các cơ quan chức năng đã khởi tố không ít vụ án, nhưng vì lợi nhuận cao, các đối tượng vẫn bất chấp, tìm mọi cách đưa GT đã qua SD từ nước ngoài vào.
Cần mạnh tay xử lý
Mới đây, kết quả do Công ty giám định Worldcontrol thực hiện đối với 15 tấn GT của Công ty TNHH VHC Global đã cho kết quả: tất cả bao GT cao su đều ẩm ướt, rách nát, nhiều màu sắc, lẫn tạp chất như: bụi, đất, cát, ố màu, được đựng trong các bao tải xếp chồng lên nhau, đều không có nhãn hiệu, một số rách nát, có mùi ẩm mốc. Hiện Chi cục HQ Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 tiếp tục xác minh, hoàn tất hồ sơ xử lý.
Liên quan đến vụ Công ty TNHH SX và XNK thiết bị y tế Sài Gòn Trading Group (Công ty thiết bị y tế Sài Gòn Trading Group) NK 2 container GT cao su đã qua SD bị cơ quan chức năng bắt giữ cuối năm 2020, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục HQ đã chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xin ý kiến đề nghị khởi tố vụ án hình sự.
Sau khi lô hàng bị tạm giữ, ngày 16-12-2020 bà Trần Thị B., xưng là mẹ ruột ông Trần Long Q. (SN 1987, Giám đốc Công ty thiết bị y tế Sài Gòn Trading Group) đến làm việc với cơ quan HQ và trình bày, 10 ngày trước ông Q. về nhà trong trạng thái hoảng loạn. Tìm hiểu, bà được biết Q. bị 1 người tên A Bửu lừa đưa hàng bẩn về Việt Nam. Bà B. cũng đã nhờ người đưa ông Q. tới Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa. Quá trình làm việc, bà B. xuất trình giấy chứng nhận của viện này về tình trạng của ông Q. cùng giấy ra viện. Cũng theo bà B., lô hàng bị bắt giữ do người tên A Bửu mượn tư cách pháp nhân của ông Q. để NK, ông Q. không biết hàng hóa trong container là GT đã qua sử dụng.
Một trường hợp đã bị cơ quan chức năng khởi tố, đề nghị xử lý hình sự là Công ty TNHH Ngọc Diệp. Theo quyết định khởi tố vụ án, ngày 1-2-2021 công ty này mở tờ khai HQ tại Chi cục HQ Cửa khẩu Hữu Nghị, mặt hàng khai báo là GT cao su, mới 100%, số lượng 5.914kg. Tuy nhiên, kết quả giám định khẳng định là GT cũ đã qua SD.
Thời gian qua, hàng loạt vụ nhập khẩu GT tay đã qua SD liên tục bị phát hiện, điều đáng nói các công ty NK đều mới thành lập trong thời gian gần đây, những lô hàng bị phát hiện đều là hàng NK lần đầu cho thấy xuất hiện nhóm đối tượng chuyên thu gom các loại GT đã qua SD về Việt Nam bất chấp quy định pháp luật, điều này rất nguy hiểm, đặc biệt là trong thời gian dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.