Báo động các vụ án mạng liên quan đến trầm cảm

Thứ Hai, 23/11/2020 11:56

|

(CATP) Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, nhiều người bàng hoàng khi đọc được thông tin về những cái chết liên quan đến trầm cảm. Các vụ án mạng hay tự sát đều là kết cục bi thương của "sát thủ giấu mặt". Nhiều năm qua, trên cả nước, mọi người bắt đầu thấm và hiểu hơn về căn bệnh đầy nghiệt ngã này.

BI KỊCH TỪ NỘI TÂM

Vài ngày trước, dư luận vô cùng xót xa trước cái chết của bé trai chỉ mới tròn 9 tháng tuổi. Con còn quá nhỏ để có thể hiểu hết nỗi đau người mẹ và cái giá phải trả đó chính là mạng sống của bé.

Sáng sớm 18-11, người nhà tá hỏa phát hiện cháu L.T.Đ nằm bất động trong xô nước ở nhà tắm, còn người mẹ là L.H.T (24 tuổi, ngụ P.Lộc Phát, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) khóc vật vã trong phòng ngủ. Trấn tĩnh lại, T. cho biết vì quá bực do con trai khóc mãi không chịu ngủ, chị đã bế con vào nhà tắm dìm trong xô nước cho đến khi bé tắt thở. Vụ việc được trình báo chính quyền địa phương, nhưng hiện trường khiến ai nấy đều bàng hoàng xót xa. Không khí u uất bao trùm khắp căn nhà.

Vợ chồng chị T. có 2 người con, Đ. là bé thứ hai. Do chồng phải đi làm ăn xa, hai đứa trẻ đều do chị T. chăm sóc. Có thể vì áp lực từ nhiều mặt nên chị T. mắc bệnh trầm cảm hơn 2 năm nay và thường xuyên phải điều trị ở TPHCM. Trước hôm xảy ra án mạng đau lòng 1 ngày, chị cũng đã lên TPHCM khám bệnh. Nhưng ai ngờ, trong cơn bấn loạn, người mẹ này đã sát hại con mình, để lại nỗi đau đớn khôn nguôi.

Thông tin về thi thể nữ rơi từ lầu cao xuống trong tình trạng lìa đầu tại chung cư Hoàng Anh Thanh Bình cũng khiến dư luận bấn loạn nghĩ đến vụ án mạng động trời. Nhưng qua điều tra sơ bộ, đây cũng là vụ tử tự bắt nguồn từ căn bệnh trầm cảm của nạn nhân - chị N.T.A.T (33 tuổi). 7 năm qua, người phụ nữ này đã nhiều lần đi khám và điều trị, nhưng bệnh tình không có dấu hiệu thuyên giảm, gần đây chị này liên tục nảy sinh ý định tự tử. Dù được em gái sống cùng nhà quan tâm hết mực nhưng chị T. vẫn tìm đến cái chết.

Đã hơn 3 tháng trôi qua nhưng cái chết của bé N.Q.A (3 tuổi) vẫn còn ám ảnh nhiều người. Khi biết A. mắc bệnh hiểm nghèo, chị N.T.T.H (32 tuổi, mẹ của bé) bỗng trở nên bất thường. Cái nghèo đeo bám cộng thêm con bệnh không có tiền chữa trị khiến chị H. rơi vào trầm cảm.

Căn nhà của chị T. (Lâm Đồng), hiện trường vụ án Ảnh: C.T.V

Thế rồi trong lúc hai mẹ con thuê nhà nghỉ trên đường 6A, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, H. đã nghĩ đến việc hai mẹ con cùng chết để kết thúc mọi đau khổ. Trong lúc quẫn trí, người mẹ ấy đã dùng dây sạc điện thoại sát hại con rồi nghĩ đủ cách để tự tử theo con, nhưng bất thành. Cuối cùng, H. tìm đến cơ quan công an đầu thú.

Cũng vì mắc phải căn bệnh trầm cảm mà đã dẫn đến vụ án đầy nước mắt tại căn nhà riêng ở tổ 15, khu vực 2, phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn, Bình Định cách đây hơn 1 năm. Ông Nguyễn Văn X. (64 tuổi) đã cầm dao sát hại vợ là Đoàn Thị Th. (63 tuổi, cả hai đều là giáo viên đã nghỉ hưu). Giữa hai bên xảy ra giằng co quyết liệt và kết cục là hai vợ chồng đều thiệt mạng. Hiện trường là hai con dao cùng bức thư tuyệt mệnh do chính ông X. chấp bút có câu "Ba đi đây, ba mang theo mẹ con...".

Nguồn cơn căn bệnh của ông X. bắt đầu từ việc vợ chồng ông phải bán căn nhà đã gắn bó từ lâu để trả nợ cho đứa con trai đầu. Từ đó, ông X. tỏ ra chán sống và có dấu hiệu trầm cảm. Bà Th. nhiều lần an ủi, khuyên can chồng bỏ qua hết mọi chuyện, nhưng cuối cùng vẫn không tránh được kết cục bi thảm.

CẦN CHỦ ĐỘNG TRỊ BỆNH

Theo đại diện Viện Sức khỏe tâm thần, Việt Nam hiện có khoảng 30% dân số mắc chứng rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Trầm cảm nặng là giai đoạn khó chữa trị và nguy hiểm nhất, bởi ở mức độ này, bệnh nhân có thể nảy sinh ý định tự sát hoặc hành động tự sát. Chứng trầm cảm có nhiều mức độ và có rất nhiều triệu chứng, nhưng tập trung nhất là: tâm trạng buồn bã, kèm theo hay khóc, bi quan trước mọi việc; không có động lực, giảm hứng thú trong mọi việc, kể cả những hoạt động nằm trong sở thích.

Từ trầm cảm vừa và nhẹ, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ trở nặng. Cũng theo các nghiên cứu, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh trầm cảm cao gấp 2 lần so với nam giới. Có 3 nhóm tuổi dễ mắc trầm cảm hơn các nhóm khác, đó là: học sinh, thanh thiếu niên; phụ nữ trước và sau sinh; người cao tuổi.

Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Minh Hoa cho biết, những năm gần đây xảy ra hàng loạt vụ án mạng hoặc những vụ tự tử đau lòng bắt nguồn từ chứng trầm cảm. Điều đó cho thấy hậu quả khôn lường nếu những người mắc bệnh không được điều trị đến nơi đến chốn.

Nguyên nhân của chứng trầm cảm khá phức tạp, gây ra bởi nhiều yếu tố xã hội, tâm sinh lý, thường xuất hiện ở người bị stress sau khi gặp những biến cố hoặc các vấn đề khó khăn trong cuộc sống, như: bất đồng trong gia đình, mất người thân, đổ vỡ quan hệ, thất nghiệp, thất bại trong học tập hoặc công việc, mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo...

Để ngăn chặn những kết cục thương tâm này, trước tiên cần phải đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông, giúp mọi người nhận thức đúng về trầm cảm, cách nhận biết, phát hiện sớm để đi khám, tư vấn và điều trị kịp thời; chủ động hỗ trợ, giúp đỡ, tạo môi trường hòa nhập và không kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị rối loạn trầm cảm.

Theo đó, lời khuyên quan trọng nhất là nếu bệnh nhân có biểu hiện của bệnh, cần đưa đi khám ngay để xác định được mức độ bệnh cũng như phương án điều trị. Người bệnh cũng không nên tự chịu đựng, mà nên đi khám tại các bệnh viện, phòng chữa trị trầm cảm uy tín hoặc tư vấn với bác sĩ từ xa để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Chia sẻ ở một góc nhìn khác, chị Trần Thị Lệ Hằng (ngụ Q3) cho biết: "Tôi thực sự ám ảnh khi đọc những thông tin về án mạng hoặc các vụ tử tự có liên quan đến bệnh trầm cảm, bởi các nạn nhân đều đáng thương hơn đáng trách. Nhiều khi mình không ở trong hoàn cảnh của họ nên chẳng thể hiểu hết được nỗi đau mà họ phải gánh chịu.

Tuy nhiên, để ngăn ngừa những vụ án đau lòng này, bên cạnh việc chủ động điều trị của người bệnh, cần nâng cao chất lượng khám chữa trị cũng như trang bị kiến thức về rối loạn tâm lý tâm thần và biện pháp trị liệu cho các bác sĩ. Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh này sẽ giúp giảm được những hậu quả lâu dài do trầm cảm gây ra cho người bệnh, gia đình và xã hội".

Bình luận (0)

Lên đầu trang