Bão Trami mạnh cấp 11, di chuyển rất nhanh vào vùng biển từ Quảng Trị - Đà Nẵng trong sáng 27/10; dự báo mưa sẽ rất to, gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở, nước biển dâng đe dọa tính mạng người dân ở các vùng xung yếu... Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 6 sau khi suy yếu thành vùng áp thấp nhiệt đới, sẽ gây mưa lớn ở Trung Trung Bộ. Dự báo, từ ngày 27 đến hết ngày 29/10, khu vực từ Quảng Bình - Quảng Ngãi tiếp tục mưa to 200-400 mm, có nơi trên 600mm. Khả năng xuất hiện lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi ở mức báo động 2, báo động 3, các sông ở Quảng Bình báo động 2, các sông ở Hà Tĩnh, Bình Định, Kon Tum báo động 1. Từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có trên 30 huyện và khu đô thị với 365 xã có nguy cơ ngập lụt. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở mức cao đến rất cao ở các sườn đồi dốc, taluy tại khu vực từ Nam Nghệ An đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai, đặc biệt là từ Quảng Bình đến Quảng Nam.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nghe báo cáo về diễn biến cấp gió giật, cường độ mưa, lũ trên các sông, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền Trung và công tác ứng phó với bão số 6 của các địa phương. Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó bão số 6 tại các tỉnh miền Trung, đồng thời đề nghị hệ thống khí tượng thuỷ văn phải dự báo chính xác thời điểm bão đổ bộ, tuyến đê biển xung yếu, tiếp tục cập nhật lượng mưa, đưa ra cảnh báo cụ thể hơn cho người dân về khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở. Yêu cầu Bộ Quốc phòng cần phối hợp, hỗ trợ các địa phương khẩn trương triển khai phương án dùng flycam bay kiểm tra, rà soát, phát hiện các vết nứt lớn, kéo dài tại những vùng có nguy cơ sạt lở do mưa lớn kéo dài. Các bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT phải nắm chắc thông tin lưu lượng nước tại các hồ, bổ sung dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, các đài khí tượng thuỷ văn địa phương để điều tiết kịp thời, "không được để xảy ra tình trạng tất cả các hồ đều phải xả nước để bảo đảm an toàn"...
Lực lượng Công an, bộ đội trực tại các tuyến đường bị ngập ở huyện miền núi tỉnh Quảng Trị
Tại Thừa Thiên Huế, ngày 27/10, bão số 6 đổ bộ gây mưa lớn, gió mạnh làm nhiều cây xanh ở TP.Huế bị ngã, đổ; sóng biển dâng cao 2-3m làm nước biển tràn qua đập Hòa Duân (xã Phú Thuận, H.Phú Vang), chảy xiết vào khu dân cư làm tuyến giao thông huyết mạch nối xã Phú Thuận với P.Thuận An bị ngập sâu. Hiện các lực lượng bộ đội, Công an đang nỗ lực bảo vệ khu vực sạt lở bờ biển xã Phú Thuận. Tại một số tuyến đường ở TP.Huế, mưa to kèm gió giật mạnh làm nhiều cây xanh, bảng hiệu quảng cáo bị ngã, đổ. Hiện các lực lượng chức năng đang huy động lực lượng, phương tiện khắc phục, hỗ trợ người dân di chuyển tài sản đến khu vực an toàn.
Để giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ lụt, H.Phú Vang đã chủ động phương án di dời 909 hộ, hơn 2.800 nhân khẩu. Tại H.Nam Đông, các lực lượng đã sơ tán 5 hộ với 35 khẩu ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Ở các địa phương khác, công tác ứng phó với bão số 6 được triển khai rất quyết liệt, khẩn trương theo phương châm "4 tại chỗ". Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương trên địa bàn tỉnh về công tác ứng phó với bão số 6 tổ chức sáng 27/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, với tổng lượng mưa được dự báo, các hồ chứa trên địa bàn đều bảo đảm chống lũ, tuy nhiên do mưa dài ngày nên tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi và lên phương án di dời khoảng 10.000 hộ dân với trên 32.000 nhân khẩu ra khỏi vùng sạt lở. Tính đến thời điểm hiện tại, mưa lũ do bão Trà Mi gây ra khiến ít nhất 2 người ở Thừa Thiên - Huế chết và mất tích. Đó là một người đàn ông 52 tuổi (trú P.Đông Ba, TP Huế) đi xe máy trên Quốc lộ 49B hướng từ xã Quảng Công - Quảng Ngạn (H.Quảng Điền), khi đến tại địa phận xã Hương Phong, không may bị nước cuốn, mất tích. Sau hơn 2 giờ đồng hồ tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân. Cùng ngày, Công an xã Lộc Vĩnh (H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, lực lượng chức năng vừa tìm thấy thi thể của anh L.P.T. (SN 1980, trú thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh) tại một khu đầm gần nhà nạn nhân. Trước đó, khoảng 11 giờ ngày 27/10, anh T. ra khu đầm phía trước nhà để bủa lưới giăng cá. Khi không thấy anh T. về, người nhà trình báo với lực lượng chức năng nhờ phối hợp tìm kiếm.
Lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế giúp dân neo thuyền vào bờ
Tại tỉnh Quảng Nam, để ứng phó với bão số 6, từ chiều 26/10, lực lương chức năng đã sơ tán xen ghép tại chỗ 78 hộ/222 người trên đảo Cù Lao Chàm; sơ tán xen ghép tại chỗ 134 hộ/412 người trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, đến chiều tối ngày 26/10 đã có 324 hộ dân với 1.094 nhân khẩu tại các huyện Duy Xuyên, Phước Sơn, Tây Giang được sơ tán. Trong đó, sơ tán tập trung 59 hộ/328 nhân khẩu, sơ tán xen ghép 265 hộ/766 nhân khẩu. BĐBP tỉnh Quảng Nam thành lập 28 tổ công tác với 202 cán bộ, chiến sĩ, 5 ca nô phối hợp với các địa phương triển khai các phương án ứng phó bão; thực hiện ứng trực sẵn sàng sơ tán 1.046 hộ với 3.981 nhân khẩu đến nơi an toàn theo phương án của địa phương.
Đến trưa 27/10, mưa lớn kèm theo gió mạnh khiến nhiều cây cối ngã đổ, một số tuyến đường xuất hiện các dấu hiệu sạt lở đất. Hiện mực nước tại các sông, suối trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang lên nhanh, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không đến gần khu vực nguy hiểm. Tại H.Đức Hiệp, sáng 27/10, chính quyền xã Phước Gia đã đặt biển cảnh báo, bố trí lực lượng canh gác 24/24h tại khu vực đồi núi phía sau khu dân cư Nà Nổ thuộc thôn Gia Cao, tuyệt đối không cho người dân quay về nhà để tránh nguy cơ sạt lở. Trước đó, qua kiểm tra tình hình sạt lở trước khi bão số 6 đổ bộ, lực lượng chức năng đã phát hiện trên đỉnh đồi ngay chính giữa khu dân cư Nà Nổ (xã Phước Gia) xuất hiện một vết nứt có độ sâu 1m, dài 30m dạng vòng cung bán kính 10m, ước khối lượng đất đá có nguy cơ sạt lở 100m3. Chính quyền đã huy động toàn bộ lực lượng Công an, xã đội, dân quân thường trực, tiến hành vận động và hỗ trợ 30 hộ với 163 nhân khẩu ở khu dân cư Nà Nổ, phần lớn là đồng bào Ca Dong đến nơi tạm trú an toàn.
Tại Đà Nẵng, từ sáng 27/10, đã bắt đầu xuất hiện gió mạnh kèm theo mưa vừa do ảnh hưởng của bão số 6. Nhiều bảng quảng cáo, bạt che mưa, cây cối ngã đổ. Để ứng phó với bão số 6, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 6, mưa lũ; triển khai ngay phương án sơ tán người dân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nước biển dâng do bão đến nơi an toàn. Theo đó, các lực lượng chức năng của TP.Đà Nẵng đã sơ tán 1.677 hộ dân, với 6.205 khẩu đang sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố... đến nơi an toàn. Trước đó, từ 17 giờ ngày 26/10, quận Sơn Trà cũng cấm phương tiện lưu thông trên Bán đảo Sơn Trà. Công an quận thực hiện chốt chặn tại các khu vực ngập lụt, ngập sâu, nước chảy siết, khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá... không cho người dân đi vào các khu vực nguy hiểm.
Lực lượng Công an phối hợp các lực lượng di dời biển quảng cáo ngã đổ ở Thừa Thiên Huế trong ngày 27/10
Tại Quảng Trị, bão số 6 gây mưa lớn, khiến nhiều địa phương ngập lụt. Tại H.Đakrông, cầu tràn Đakrông trên Quốc lộ 15D bị ngập sâu 1,2m, cầu tràn Km8+560 thuộc Tỉnh lộ 571 bị ngập sâu 0,35m, làm ách tắc giao thông. Tại H.Hướng Hóa 3 ngầm tràn bị ngập từ 0,3 - 0,5m gây chia cắt gồm: Thôn Loa, Thôn Hùn thuộc xã Ba Tầng, Húc - Pa Lu thuộc xã Lìa. Tại các điểm ngập sâu bị chia cắt, lực lượng chức năng triển khai canh gác, lập rào chắn không cho người và phương tiện qua lại. Tại thị xã Quảng Trị xảy ra xói lở, ngập úng ở một số tuyến đường. Tại H.Vĩnh Linh, mưa lớn, gió mạnh đã làm tàu cá số hiệu QT - 21093TS neo đậu tại Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng bị chìm. Mưa lớn cũng đã làm một số xã bị ngập cục bộ; nước sông đang lên nhanh, sát mép mặt đê tả sông Bến Hải và sắp tràn qua đê; trên địa bàn huyện cũng bị mất điện. Còn tại H.Gio Linh, 4 quán tại bãi tắm ở xã Gio Hải bị sập và đổ hoàn toàn; đoạn kè bờ biển đang thi công bị sạt lở. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng lập rào chắn, cảnh báo để người dân đi lại an toàn.
Người dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở tại các huyện miền núi ở Quảng Nam được di dời đến nơi an toàn
Để ứng phó với mưa lớn, tỉnh Quảng Trị dự kiến cần sơ tán tránh ngập lũ trên báo động 3 gồm 9.012 hộ với 35.159 nhân khẩu; sơ tán dân tránh lũ quét gồm 2.393 hộ với 9.683 nhân khẩu tại 36 xã thuộc các huyện, thị xã gồm: Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, thị xã Quảng Trị và TP.Đông Hà; sơ tán di dời dân vùng xảy ra sạt lở đất gồm 1.295 hộ với 5.924 nhân khẩu tại 27 xã thuộc 4 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh và Vĩnh Linh. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở cấp cơ sở; nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ. Vận động người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm bảo đảm sinh hoạt từ 7 - 10 ngày để chủ động trong công tác ứng phó với mưa lũ kéo dài.