(CAO) Mấy ngày qua, trên mạng xã hội đăng những cảnh báo về một trò chơi tự sát tương tự như trò chơi “Thử thách Cá voi Xanh” mang tên gọi Momo.
Theo báo chí quốc tế, trò này “hoành hành” khắp thế giới trong tuần qua và chủ yếu phát tán thông qua ứng dụng nhắn tin WhatsApp, Facebook.
Trên Facebook và WhatsApp, biểu tượng trò chơi Momo xuất hiện trong hình ảnh ghê rợn của người phụ nữ ma quái, mắt lồi, miệng rộng và tóc đen. Nhiều nhận xét cho rằng Momo là một "trò chơi biến thái mới" trên mạng đang khiến các bậc cha mẹ và chính quyền nhiều nước vô cùng lo ngại bởi nó có thể mang đến những vụ tự tử đau lòng của thanh thiếu niên.
Hình ảnh "nhìn giật mình" của trò chơi momo trên mạng xã hội
Từ các ứng dụng mạng xã hội phổ biến, những người trong các nhóm chung được thách liên lạc với một số điện thoại lạ. Sau khi gửi tin nhắn bằng điện thoại di động, người chơi nhận lại những hình ảnh bạo lực và hung hăng, số khác nhận những tin nhắn đe dọa hay nguyền rủa từ trò chơi Momo. Người chơi bị ám ảnh và làm theo các yêu cầu được gửi đến bằng tin nhắn và dẫn đến kết cục đáng tiếc.
Một cô bé 12 tuổi người Argentina đã tự sát bằng cách treo cổ ở vườn sau nhà được cho là nạn nhân đầu tiên của trò chơi Mono khi cảnh sát tìm được video và tin nhắn của cô bé trên điện thoại di động. Hiện vẫn chưa rõ có thông tin chính xác về nguồn gốc của trò chơi tự sát Momo và ai là người đứng sau trò chơi được lan truyền này.
Các đơn vị điều tra của nhiều quốc gia cảnh báo những trẻ vị thành niên là đối tượng mà trò chơi nhắm đến với mục tiêu tìm cách lấy cắp thông tin của những nạn nhân để đe dọa, tống tiền, thậm chí để thúc giục người tham gia tự tìm đến cái chết.
Trò chơi tự sát Momo đã xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm các nước châu Âu, Mỹ và đặc biệt phổ biến tại khu vực châu Mỹ Latin.
Cảnh sát tại Mexico, Argentina và Tây Ban Nha đã phải lên tiếng cảnh báo các bậc phụ huynh nên quản lý con em mình chặt hơn để tránh tham gia vào trò chơi tự sát Momo. Các thông điệp, cảnh báo và khuyên can những trẻ em ở lứa tuổi vị thành niên tránh xa việc thực hiện theo các thử thách của Momo và đặc biệt không chia sẻ thông tin cá nhân của mình với người lạ được lan truyền trên mạng internet và phương tiện truyền thông đại chúng.
Hiện ở Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp chơi Momo, nhưng sự xuất hiện của trò chơi tự sát Momo là tiếng chuông cảnh báo về sự ảnh hưởng không lường được của mạng xã hội đối với giới trẻ. Đồng thời, trò chơi ảo trên mạng nhưng mang lại hậu quả thực tế đã và đang đặt ra vấn đề trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong việc quản lý con em khi tiếp xúc với internet, mạng xã hội, cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý đối với nội dung, phần mềm, ứng dụng... được phát tán trên internet.