Theo thiết kế, đoạn metro ngầm dài 2,6km từ chợ Bến Thành đến ga Ba Son (Q1) nằm ở độ sâu 40m, dài 190m, gồm 4 tầng hầm đang được thi công. Dự kiến đến năm 2020, tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên sẽ đi vào hoạt động.
Việc rào đường khu trung tâm thành phố để thi công công trình này gần 2 năm qua đã gây rất nhiều khó khăn cho giao thông, buôn bán, sinh hoạt của người dân. Nhiều người ngán ngẩm, mong muốn công trình sớm hoàn thành, trả lại mặt đường cho bà con thuận tiện trong cuộc sống.
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chạy trên cao qua địa bàn quận 2 và quận Thủ Đức
KHẨN TRƯƠNG THÚC TIẾN ĐỘ CÔNG TRÌNH
Bên trong công trường tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (đoạn từ Nhà hát Thành phố đến phía trước chợ Bến Thành) nằm trên đường Lê Lợi được bao bọc bởi những đoạn vách rào cao vút, ngăn cách với bên ngoài.
Bên trong công trường là đội ngũ kỹ sư, công nhân hối hả làm việc. Để đảm bảo tiến độ, nhà thầu thi công cả ngày lẫn đêm, mỗi ngày đào được hơn 500m3 đất. Do thi công dưới hầm ở độ sâu 40m nên trước và trong giờ làm việc, Ban An toàn của dự án phải liên tục dùng máy phát hiện khí độc CH4, CO2, H2S, đo hàm lượng ôxy, nếu thiếu sẽ kịp thời bổ sung.
Dẫn chúng tôi đi xem công trình là Kỹ sư trưởng công trình Lê Thành Lê. Ông cho biết, từ ga trung tâm phía trước chợ Bến Thành đến khu vực Ba Son sẽ có 3 ga ngầm, gồm: Ga phía trước Nhà hát Thành phố, ga Ba Son và ga Bến Thành, được thi công theo phương pháp đào hở.
Riêng đoạn đường hầm từ Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son được khoan bằng khiên đào, thời gian thi công là 56 tháng. Hai đường hầm chạy song song gồm phía Đông và phía Tây đã hoàn thành vào đầu tháng 7-2018.
Các kỹ sư, công nhân đang lắp đường ray trên tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên
Tại ga Nhà hát Thành phố, hai bên đường dẫn xuống hầm cũng đã thực hiện xong. Hiện nay, chỉ còn gia cố mặt bằng cũng như hoàn thiện phần thô. Gói thầu 1b, ga Nhà hát lớn đã hoàn thiện phần thô, công nhân kỹ thuật đang làm phần đáy, chuẩn bị lắp đường ray. Các công nhân chia sẻ, việc lắp đặt mất khá nhiều thời gian vì phải trải qua nhiều khâu.
Mỗi người một nhiệm vụ, công đoạn khác nhau, nhưng ai cũng cố gắng hoàn thành công việc được giao. Tại ga Ba Son rộng 25m, dài 680m, sâu 19m được thiết kế gồm 2 tầng ngầm, tầng ngầm 1 cho chiều tàu metro chở khách từ Trung tâm Bến Thành về Suối Tiên, tầng ngầm 2 cho chiều ngược lại.
Tại gói thầu 1a (phía trước chợ Bến Thành), không khí làm việc cũng rất khẩn trương. Gói thầu 1a được thực hiện với phương pháp đào hở và cũng là gói thầu triển khai cuối cùng. Dưới hầm là những chiếc máy xúc cùng những rôbốt chuyên đào và gom đất trong hầm thành đống để đưa lên mặt đất. Chiếc xe cuốc trên mặt sàn vươn cần cẩu dài hơn 40m để “ngoạm” từng khối đất chuyển lên ôtô để chở về nơi tập kết.
Theo kỹ sư Lê, bất kể ngày đêm, công nhân làm việc tại công trình đều miệt mài cho công việc đào hầm. Khi xuống hầm, chúng tôi chứng kiến khí thế làm việc sôi nổi, khẩn trương của đội ngũ công nhân đào hầm.
Tiếng máy hút khí, máy phun, khoan, trộn bê-tông rền vang cả công trường. Trong đường hầm, những chiếc xe chở bê-tông phun từng lớp bê-tông gia cố lên các vị trí sàn hầm. Phía cuối đường hầm, chiếc máy khoan hoạt động không ngừng nghỉ, các mũi khoan liên tục khoét sâu vào lòng đất.
ĐẾN NĂM 2020 MỚI DỠ RÀO CHẮN?
Trao đổi với chúng tôi, anh Kim Văn Kiều cho biết: “Tuy được nghỉ ngày chủ nhật, nhưng anh em kỹ sư cũng như công nhân đều tình nguyện ở lại công trường để làm việc. Toàn bộ cán bộ, công nhân, kỹ sư, chuyên gia đều tăng ca, tăng kíp nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Ban lãnh đạo dự án bám sát công trường cùng các nhà thầu, kịp thời động viên anh em, giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công. Với khí thế làm việc sôi nổi, khẩn trương, tôi tin công trình sẽ hoàn thành đúng tiến độ”. Trong khi đó, đoạn đường sắt đi trên cao dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019.
Chị Thanh (chủ một hộ kinh doanh trên đường Lê Lợi) than thở: “Từ ngày rào chắn đến nay, tiệm tôi buôn bán ế ẩm, chủ yếu chỉ bán cho khách quen. Chủ nhà có giảm bớt tiền thuê mặt bằng, nhưng hầu như tháng nào cũng lỗ. Mong công trình sớm hoành thành để chúng tôi buôn bán trở lại như cũ”.
Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang (Trưởng ban quản lý (BQL) Đường sắt đô thị TPHCM), việc xây dựng tuyến metro số 1 hiện gặp rất nhiều khó khăn về di dời hạ tầng ở một số nhà ga, như ga Ba Son và dọc Xa lộ Hà Nội.
Khu trung tâm TP.HCM bị rào chắn để thi công metro trong nhiều năm đã khiến giao thông khu vực trung tâm rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến người dân
Để thi công gói thầu 1A, gồm nhà ga ngầm Bến Thành và đoạn hầm dài 515m là hết sức vất vả. Gói thầu dự kiến được hoàn thành vào năm 2020. Riêng 2 gói thầu gồm ga Ba Son và ga Nhà hát Thành phố sẽ hoàn thành sớm hơn vào cuối năm 2019.
Vậy khi nào toàn tuyến hoàn thành? Ông Quang cho biết, đến năm 2020 sẽ hoàn thành toàn tuyến metro số 1. Khi được hỏi về việc có khai thác đoạn đường sắt trên cao từ Suối Tiên - cầu Sài Gòn khi xong sớm hay không, ông Quang cho rằng, việc khai thác phải được tính toán chặt chẽ, vì nếu khai thác từ Suối Tiên đến cầu Sài Gòn thì đoạn đường tiếp theo người dân không có phương tiện gì đi vào trung tâm thành phố, sẽ rất bất tiện.
Theo BQL Đường sắt đô thị TPHCM, các hạng mục thi công sẽ ảnh hưởng không ít đến việc đi lại cũng như việc kinh doanh, buôn bán của người dân sống ven hai bên đường. Tuy nhiên, đây là dự án lớn nên thành phố đề cao tính an toàn của quá trình thi công.
Quan điểm của BQL dù là công trình lớn, nhưng dùng các rào chắn chiếm dụng mặt đường ít nhất. Đoạn nào triển khai đào, xây dựng công trình thì mới cho rào. Khi xong phải trả lại mặt đường để lưu thông ngay. “Ngay hạng mục kép là trung tâm thương mại ngầm nằm phía trên đường metro dưới đất đường Lê Lợi, chúng tôi xác định, chỉ dựng rào chắn, đào một lần. Đào, làm dứt điểm từng đoạn, không tràn lan, đào nhiều lần để tránh gây ảnh hưởng, ách tắc giao thông ở khu vực trung tâm thành phố” - ông Quang nói.
Ông Dương Hữu Hòa (Giám đốc BQL Giao thông đô thị số 1) cho biết, từ Nhà hát Thành phố kéo dài đến phía trước chợ Bến Thành, các nhà thầu đang triển khai hàng loạt hạng mục thi công trên mặt đất, phía trên các tuyến đường lớn thuộc cửa ngõ phía đông thành phố. Dự kiến thời gian thi công gói thầu này kéo dài đến năm 2020.
Nhà ga trung tâm Bến Thành - Nhà hát Thành phố là nhà ga tích hợp, nối các tuyến đường sắt lại với nhau và đóng vai trò trung chuyển giữa các tuyến đường sắt đô thị số 1, 2, 3a và 4. Nhà ga Bến Thành được thiết kế khá đặc biệt, với độ sâu 40m, gồm 4 tầng, nằm bên dưới hàng loạt công trình quan trọng khác.
Hiện nay, khu vực toàn tuyến đường Lê Lợi (Q1) là một đại công trường, với hàng dài lô cốt bao quanh. Nặng nhất là các rào chắn trước chợ Bến Thành, dọc đường Lê Lợi sẽ tồn tại nhiều năm, cho đến khi các hạng mục ở đây hoàn thành.
Rào chắn đường Lê Lợi ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, kinh doanh buôn bán của người dân
Kỹ sư Lê cho biết, việc thực hiện dự án theo hình thức cuốn chiếu, khi nào tầng hầm một được lấp đất, trả lại mặt bằng thì khi đó hàng rào sẽ được phá bỏ. Tuy nhiên, dự án rào đường vẫn còn vướng trung tâm thương mại ngầm dưới lòng đất.
Theo đó, đến năm 2020, dự án hoàn thành và tuyến metro số 1 đi vào chạy thử thì hàng rào sẽ được phá bỏ. Đến nay, tại ga Nhà hát Thành phố, khi sàn mái được hoàn thành, nhà thầu đã giao trả mặt bằng giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi.
Theo BQL Đường sắt đô thị TPHCM, các gói thầu đoạn hầm Bến Thành - Ba Son đang được khẩn trương thi công, tiến độ triển khai tương đối tốt. Đến nay, khối lượng thi công đạt khoảng 40% giá trị hợp đồng. Dự kiến tuyến đường sắt sẽ được đưa vào khai thác đúng thời hạn.
Riêng các gói thầu khác liên quan đến giai đoạn hoàn thiện công trình, như: hệ thống điện chiếu sáng, cảnh quan, an toàn giao thông, trạm thu phí, nhà điều hành, trạm cứu hộ... đã có kế hoạch thực hiện và sẽ thi công đồng bộ với toàn bộ dự án.
Tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7km, từ Bến Thành (Q1) đến Q9. Tuyến metro có 2,6km đi ngầm, 17,1km đi trên cao, với 14 nhà ga, trong đó có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án 1 có tổng vốn đầu tư 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8-2012. Đây là tuyến metro đầu tiên được xây dựng trong 6 tuyến metro tại TPHCM. Theo thiết kế, trong đường hầm tàu chạy với vận tốc tối đa 80km/giờ và trên cao là 110km/giờ.
Tuyến đường sắt này giữ vai trò đặc biệt quan trọng, giúp liên kết vùng đi đến các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại. Khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt này được kỳ vọng sẽ giải tỏa ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM.