Ngăn bạo lực học đường và phòng ngừa ma túy: Xây pháo đài từ “kiềng ba chân”!

Thứ Tư, 20/09/2023 15:19

|

(CATP) Có thể nói 2 vấn đề “nóng” hiện nay liên quan đến trẻ em và học sinh, sinh viên là bạo lực học đường cùng với chất gây nghiện đang len lỏi xâm nhập, gây nhức nhối. Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất là phát huy tối đa vai trò của “kiềng ba chân”: gia đình - nhà trường - xã hội.

Hòa giải sớm, ngăn mâu thuẫn bùng phát

Tại TPHCM, các trường từ tiểu học trở lên thường tận dụng tiết chào cờ đầu tuần, mời cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật đến phổ biến những kiến thức cơ bản, giúp học sinh, sinh viên nhận biết và phòng tránh các mối nguy cơ gián tiếp hoặc trực tiếp đe dọa sự an toàn của bản thân. Đội ngũ giáo viên luôn quan tâm nhắc nhở, giám sát học sinh, sinh viên hằng ngày, nhờ vậy sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường trong sinh hoạt, học tập và mối quan hệ của các em, để kịp thời hòa giải, không phát sinh thành chuyện căng thẳng.

Tùy theo tính chất của từng sự việc, nhà trường còn khéo léo phối hợp với cán bộ đoàn thể và phụ huynh để giải quyết thấu tình, đạt lý, tạo sự gắn bó bền vững giữa “tế bào xã hội” cùng đội ngũ “trồng người” và cơ quan chức năng. Dù vậy, các trường vẫn không thể “bao sân” hết được mà cần có sự sâu sát trong quản lý, nắm bắt tâm tư, tình cảm, thói quen và cả những sở thích, đam mê của học sinh, sinh viên. Trong hoàn cảnh có nhiều cạm bẫy bủa vây, học sinh, sinh viên còn quá ngây thơ so với muôn vàn thủ đoạn nham hiểm, tinh vi của kẻ xấu.

Sinh viên ở TPHCM được phổ biến cách nhận biết, phòng ngừa tác hại của ma túy

Cả nhà trường và gia đình cần lắng nghe tiếng nói của học sinh, sinh viên để biết các em đang cần hỗ trợ những gì. Theo các chuyên gia, bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng đáng lo nhất là tình trạng học sinh, sinh viên tương tác trong thế giới “ảo” rồi phát sinh mâu thuẫn qua mạng xã hội. Những trường hợp không được người lớn tư vấn, khuyên can, rất dễ dẫn đến việc học sinh, sinh viên tự ý hẹn nhau “nói chuyện phải quấy”, mà khi đó hậu quả là thật, thậm chí có thể dẫn đến ẩu đả gây thương tích, giết người.

Dành thời gian tâm sự với con em mình là việc mà phụ huynh cần lưu tâm. Có được “người bạn lớn” là ông bà, cha mẹ thì các em mới mạnh dạn, yên tâm chia sẻ nỗi lòng mình. Khi đó, những vui buồn chất chứa trong lòng không cần hỏi các em cũng tự kể. Vai trò của “bác sĩ tâm lý” lúc này không ai thay thế được những người thân trong gia đình. Bằng tình thương và kinh nghiệm sống, người thân cần phân tích cho các em hiểu rõ đúng, sai, điều gì nên làm và không nên làm, sẽ có tác dụng tích cực, giúp trẻ lạc quan, đi đúng hướng, biết kiềm chế cảm xúc, ứng xử đúng mực.

Dù không “quơ đũa cả nắm” song phải thừa nhận rằng vẫn còn số ít phụ huynh mang suy nghĩ “khoán trắng” chuyện dạy dỗ con em mình cho nhà trường. Trong những trường hợp này, muốn điều chỉnh, uốn nắn hành vi các em thì trước hết cần thay đổi nhận thức ở người lớn. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường cùng các đoàn thể nhằm bảo đảm an toàn, giúp trẻ em không trở thành nạn nhân và cũng không vi phạm pháp luật. Điều này cần phải thực hiện một cách nhuần nhuyễn, đồng bộ.

Các trường đại học tổ chức phổ biến đến sinh viên về tác hại của tệ nạn ma túy

Thực tế cho thấy có khá nhiều trường trong suốt cả năm học không xảy ra bạo lực học đường. Ngành giáo dục đã và đang chỉ đạo xây dựng mô hình “trường học hạnh phúc”. Tuy nhiên, thực hiện được các tiêu chí kèm theo của mô hình này lại không hề dễ dàng, đòi hỏi nỗ lực chung tay, đồng lòng của phụ huynh cùng nhà trường và hỗ trợ từ chính quyền, khiến cho điều không thể trở thành có thể.

Trong cuộc sống, người lớn cũng cần phải gương mẫu trong ngôn phong, tác phong, ứng xử. Trẻ em vốn quan sát rất kỹ những gì thể hiện từ môi trường xung quanh, qua đó ảnh hưởng khá nhiều đến việc hình thành nhân cách. “Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan” - đây không chỉ đơn thuần là khẩu hiệu, mà làm được việc này sẽ có tác dụng quyết định đến sự thành công trong giáo dục trẻ em. Cô Nguyễn Thị Hồng An (Hiệu trưởng Trường THCS Hiệp Phú, TP.Thủ Đức, TPHCM) bộc bạch: “Khi cần thiết, người lớn nên nhập vai là “bạn” của các em, gần gũi, chia sẻ mới thấu hiểu được và đưa ra lời khuyên phù hợp, giúp trẻ em thoát khỏi bế tắc”.

Đối tượng dễ bị lợi dụng

Gia đình và nhà trường không chỉ đau đầu vì thuốc lá điện tử “tấn công” học sinh, sinh viên, mà nhiều loại ma túy, chất gây nghiện khác đã và đang được ngụy trang dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, âm thầm len lỏi xâm nhập, “đầu độc” học sinh, sinh viên. Công tác bảo vệ học sinh, sinh viên trước những hiểm họa rình rập trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhất định phải làm bằng được.

Không phải vô cớ khi kẻ xấu nhắm đến đối tượng là học sinh, sinh viên, phổ biến từ bậc THCS trở lên để lôi kéo, dụ dỗ vào “làn khói trắng”. Tại các thành phố lớn, số lượng học sinh, sinh viên phải tính hàng triệu. Chỉ cần “mồi chài” được 1% học sinh, sinh viên sử dụng thuốc lá điện tử đã mang lại nguồn khách hàng và lợi nhuận lớn. Học sinh, sinh viên thường được phụ huynh cho tiền nên có khả năng mua những loại thuốc lá điện tử giá bình dân. Đáng buồn hơn, có trường hợp học sinh còn nhịn ăn sáng để dành tiền hút thuốc lá điện tử.

Trường THCS Trần Quốc Toản (TP.Thủ Đức) thường xuyên tuyên truyền về các biện phòng ngừa tác hại của ma túy

Do sự cảnh giác của học sinh, sinh viên còn hạn chế nên kẻ xấu không bỏ qua cơ hội. Với chiêu cho “dùng thử miễn phí” thuốc lá điện tử, nhiều học sinh, sinh viên dễ dàng rơi vào bẫy “thả con tép bắt con tôm” của người bán. Mùi vị đa dạng, hình thức bên ngoài khá phong phú của thuốc lá điện tử rất dễ nhầm với đồ vật khác, khiến phụ huynh sơ ý khó kiểm soát. Đến lúc các em cảm thấy “thích”, không có không chịu được thì trở thành người nghiện thuốc lá điện tử. Vì vậy, một số quán cà phê là điểm đến quen thuộc đồng thời là nguồn cung cấp “3 tại chỗ”: mua thuốc lá điện tử tại chỗ, hút tại chỗ và ngồi tại chỗ. Nhiều em tăng “độ” nghiện rất nhanh và số tiền để thỏa mãn cơn thèm cũng cao hơn. Một khi người nghiện đã hoàn toàn phụ thuộc, người bán sẵn sàng cho học sinh, sinh viên “ghi sổ nợ” để trả sau.

Với học sinh bậc tiểu học, các đối tượng mua bán “tiếp thị” bằng sản phẩm “nước xoài”, “nước vui”… cùng một vài loại bánh kẹo có chứa chất gây nghiện, gây tác dụng còn hơn cả thuốc lá điện tử. Các em vô tư sử dụng vì không hề hay biết những kẻ vô lương tâm đang gây hại cho mình. Tùy theo lứa tuổi, các đối tượng sẽ dùng phương pháp hút hoặc ăn, uống để kích thích trẻ em sử dụng chất gây nghiện.

“Áo giáp” bảo vệ giới trẻ

Toàn xã hội cần chung tay trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em khỏi cạm bẫy bủa vây. Chính quyền cùng trường học luôn dành sự quan tâm đặc biệt thông qua các hoạt động rèn kỹ năng sống, phổ biến cho học sinh, sinh viên về tác hại và biện pháp phòng ngừa thuốc lá điện tử, tệ nạn ma túy xâm nhập học đường.

Chia sẻ với phóng viên kinh nghiệm từ thực tiễn ngăn chặn chất gây nghiện tấn công học sinh, cô Trịnh Thị Bích Hằng (Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản, TP.Thủ Đức, TPHCM) nói: “Bên cạnh giáo dục cách nhận biết và phòng tránh tác hại của ma túy cho học sinh, chúng tôi còn thường xuyên đăng thông tin liên quan từ báo chí chính thống, trên nhóm Zalo của giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh các lớp”. Tận dụng công nghệ nhằm phát huy thế mạnh của kênh liên lạc với phụ huynh là phương pháp khá phổ biến hiện nay.

Trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý, giám sát con em có lẽ không ai thay thế được. Một số phụ huynh vẫn còn khá “thoáng” với con em mình, các em “muốn gì được nấy”, trong khi việc nắm bắt nhu cầu, sở thích, cả những mối quan hệ bên ngoài của các em thì khá hời hợt. Có vài phụ huynh dễ dãi chu cấp tiền mỗi ngày, dựa trên nhu cầu của con cái, song lại không tìm hiểu con em mình sử dụng vào những việc gì. Trong khi ở nhiều bậc cha mẹ khác, nhờ kiểm soát được chi tiêu của con em mình nên bảo vệ các em rất tốt trước sự cám dỗ từ các loại tệ nạn.

Còn lực lượng thực thi pháp luật bên cạnh hỗ trợ nhà trường tuyên truyền, giúp học sinh tránh xa thuốc lá điện tử và ma túy, cần nỗ lực truy quét, chặt đứt nguồn cung cấp các chất cấm, xem đây là nhiệm vụ thường ngày, liên tục. Cạnh đó, cần xử lý nghiêm một số quán mờ mắt vì lợi nhuận mà “bao ngồi”, “bao thuốc” cho khách là trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử, bao cả khâu cảnh giới, bất chấp gây hại cho cộng đồng, nhất là học sinh.

Điều tiên quyết trong công tác phòng, chống bạo lực hộc đường, thuốc lá điện tử, tệ nạn ma túy, không thể thiếu quyết tâm làm trong sạch môi trường bên ngoài, nhất là khu vực xung quanh trường học. Những tụ điểm “cày” game bạo lực, các đối tượng chứa chấp, bao che để lôi kéo khách hàng lứa tuổi học trò thành “con nghiện trẻ” nhằm thu lợi bất chính qua việc cung cấp chất gây nghiện, độc hại thì cần kiên quyết xử lý. Chặn được những “điểm đen” này sẽ góp phần hạn chế đáng kể các vấn đề “nóng” trên, góp phần diệt trừ tận gốc mầm mống tệ nạn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang