(CAO) Sáng 10/12, UBND H.Tu Mơ Rông phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn.
Chủ trì và điều phối hội thảo, có ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông; Tiến sĩ Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TPHCM; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận, Hiệu trưởng trường Đại học Tây Đô; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Khoa dược - Trường Đại học Tôn Đức Thắng; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Huy (Trưởng Khoa Dược, Trường Đại học Tôn Đức Thắng) cùng các hộ dân tham gia trồng và liên kết trồng sâm Ngọc Linh.
Cây Sâm Ngọc Linh là cây thuốc giấu của đồng bào Xơ Đăng ở vùng núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Người dân địa phương đã dùng cho những người thân bị bệnh, bị rắn cắn và hồi phục sức khoẻ.
Đến năm 1973, đoàn điều tra của Dược sĩ Đào Kim Long đã phát hiện cây Sâm Ngọc Linh ở độ cao 1800m thuộc vùng tỉnh Kon Tum.
Cây Sâm Ngọc Linh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông cho biết, sâm Ngọc Linh là dược liệu quý của Việt Nam và thế giới, được xác định là quốc bảo của Việt Nam, được phân bố tại 2 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam. Đến nay, H.Tu Mơ Rông hiện đã phát triển được 2.800ha sâm Ngọc Linh. Đây là cây xoá đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu của người dân.
Theo đề xuất, mong muốn của người dân, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về tổ chức một cuộc tọa đàm ngay tại vùng cội nguồn của sâm Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông đã quyết định tổ chức hội thảo nói trên, nhằm giúp nhận diện rõ, đầy đủ hơn giá trị của cây sâm này. Từ đó, giúp người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trên cả nước có thêm thông tin chính thống để phân biệt sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác.
Các tham luận trình bày tại hội thảo tập trung phản ánh về quá trình phát hiện sâm Ngọc Linh, công bố các hoạt chất của sâm Ngọc Linh; các giải pháp nâng tầm sâm Ngọc Linh, cách phân biệt sâm Ngọc Linh và các loại sâm khác…
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức tham luận tại hội thảo: Do giá cả chênh lệch đến hàng trăm triệu đồng giữa một số loại sâm so với sâm Ngọc Linh, cùng với tình trạng nhập lậu Tam Thất hoang giá rẻ, chất lượng không kiểm soát từ Trung Quốc vào Việt Nam, thị trường sâm đang bất ổn, thiếu kiểm soát, dẫn đến tình trạng hàng gian, hàng giả tràn lan, gây thiệt hại hình ảnh và uy tín của Sâm Ngọc Linh và thiệt hại cho người dùng.
Theo Giáo Sư Nguyễn Minh Đức, bên cạnh đó, việc gọi tên, xác định chiến lược phát triển hài hòa các cây sâm của Việt Nam chưa thật sự chặt chẽ và khoa học … đã gây khó khăn, thậm chí hạn chế sự phát triển của Sâm Việt Nam (Sâm Ngọc Linh), cây sâm quý được mệnh danh “sâm quốc bảo” của đất nước.
GS.TS Nguyễn Minh Đức phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận đã công bố các nghiên cứu về thành phần hóa học của Sâm Việt Nam. Theo đó, các nghiên cứu hóa học sâm Ngọc Linh có vai trò đặc biệt quan trọng vì thành phần hóa học sẽ chứng tỏ giá trị của cây sâm quý này, đặc biệt là thành phần của hợp chất saponin. Đến nay, 52 hợp chất saponin được phân lập và xác định cấu trúc trong củ sâm Ngọc Linh.
Trong khuôn khổ hội thảo, các bên đã ký kết nhiều hợp tác nghiên cứu về sự phát triển hoạt chất trên cây sâm Ngọc Linh; hợp tác và hỗ trợ thành lập Viện nghiên cứu Sâm Ngọc Linh – Sâm Việt Nam tại TP.HCM…