(CAO) UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Mục tiêu sẽ đưa Gia Lai trở thành địa phương tiếp theo trồng sâm Ngọc Linh.
Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Gia Lai sẽ có diện tích sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng sản xuất khoảng 800 héc-ta, 100% diện tích trồng sâm Ngọc Linh được cấp mã vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.
Ngoài ra, Gia Lai sẽ hình thành 2 trung tâm trồng khảo nghiệm, sản xuất giống cây sâm để cung cấp giống chất lượng cao, đảm bảo cung ứng trên 70% nhu cầu cây giống cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng. Hình thành thêm mới ít nhất 2 cơ sở sơ chế biến tại các địa phương trọng điểm phát triển dược liệu của tỉnh và ít nhất 1 nhà máy sản xuất thuốc từ sâm Ngọc Linh đạt tiêu chuẩn GMP-WHO.
Còn mục tiêu đến năm 2045, sẽ phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho tỉnh Gia Lai.
Sâm Ngọc Linh được trồng ở núi Ngọc Linh.
Dự kiến sâm Ngọc Linh sẽ được trồng dưới tán rừng sản xuất của một số khu vực nằm ở phía Đông Bắc và trên Cao nguyên Kon Hà Nừng thuộc huyện Kbang (tỉnh Gia Lai). Đây là những nơi hội tụ đủ những điều kiện tương đồng với vùng núi Ngọc Linh (nơi sinh sống của cây sâm Ngọc Linh).
Hiện sâm Ngọc Linh được phân bổ và trồng chủ yếu ở 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai.