(CATP) Sau các đợt cắt giảm lao động (LĐ) liên tiếp từ cuối năm 2022 đến nay, hàng ngàn công nhân (CN) không thể bám trụ lại thành phố, buộc phải về quê khiến nhiều chủ nhà trọ ở TPHCM lâm cảnh đìu hiu.
Chị Nguyễn Thị Hiền - kinh doanh (KD) nhà trọ ở P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TPHCM - cho biết, hơn chục năm cho thuê nhà trọ, chưa năm nào chị thấy ế ẩm như thời gian này. Trước đây, vào dịp đầu hoặc cuối năm, một số CN về quê ăn Tết hoặc muốn chuyển từ nơi này sang chỗ khác, may ra nhà trọ mới có phòng trống, nhưng chỉ vài ba hôm hoặc cùng lắm 1 tuần là có người mới đến thuê; khách muốn thuê phải nhờ người quen đăng ký chỗ hoặc gọi điện thoại đặt trước cả tháng, thậm chí vài tháng, mới có phòng, nhưng năm nay thì khác! Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) tại TPHCM rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, cắt giảm LĐ, CN thất nghiệp không trụ nổi ở thành phố, buộc phải trả phòng trọ về quê hoặc đi nơi khác tìm việc làm, khiến nhiều nhà trọ xung quanh các khu công nghiệp (KCN) bị trả phòng khá nhiều.
Khảo sát tại hẻm 271 Lê Đình Cẩn, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân và những con hẻm gần đó cho thấy, khu vực này có hàng chục hộ KD nhà trọ. Những năm trước, nhà trọ ở đây luôn kín khách; chỉ cần 1 phòng trống, lập tức có người đến thuê. Nhưng từ cuối năm 2022 đến nay, CN thất nghiệp chuyển về quê nhiều khiến số phòng trọ trống hàng loạt. Đi dọc hẻm này, những tấm biển "Còn phòng trọ”, "Cho thuê phòng trọ”, "Cho thuê phòng công nhân"... cùng với đó là số điện thoại của chủ nhà trọ treo nhan nhản, nhiều tấm đã cũ màu, bạc phếch. Tại các con hẻm dọc 2 bên Tỉnh lộ 10, đường số 7, đường số 55, đường Chiến Lược, Bia Truyền Thống... cũng có rất nhiều phòng trọ bỏ trống, bảng cho thuê treo nhan nhản, nhưng số người đến hỏi thuê rất thưa thớt.
Nhiều dãy nhà trọ vắng khách, treo bảng cho thuê phòng
Một trong những khu vực có lượng nhà trọ cho thuê nhiều nhất là xung quanh chung cư Tân Tạo - Vĩnh Tường (P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân). Dọc 2 bên các tuyến hẻm và đường số 5, đường số 7 nối dài, đường Bờ Sông, Bờ Tuyến, Trần Thanh Mại... có hàng chục nhà trọ treo bảng cho thuê. Chị Nguyễn Thùy Trang - KD nhà trọ tại P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân - kể, dãy nhà trọ của chị có gần 40 phòng, nhưng hiện chỉ một nửa có người ở. Công nhân ồ ạt trả phòng khiến thu nhập của chị giảm nhiều.
Không may mắn như chị Trang, anh Phan Tú Hậu - KD nhà trọ ở P.Tân Tạo A - cho biết, anh thuê dãy nhà trọ của chủ, sau đó cho CN thuê lại để hưởng chênh lệch. Công ty Pouyuen cắt giảm LĐ, nhiều CN không có việc làm, buộc phải trả phòng để về quê khiến dãy nhà trọ của anh trống tới 8 phòng. Sau nhiều tháng gồng gánh bù lỗ, anh phải thương lượng với chủ xin giảm bớt tiền thuê. "Năm nay kinh tế khó khăn quá, ráng hết hợp đồng (HĐ) thuê coi sao, nếu trụ không nổi thì buộc phải trả lại cho chủ”, anh than thở.
Tương tự, chị Kim Yến - KD nhà trọ và bán tạp hóa ở P.Tân Tạo A - ngao ngán, từ đầu năm đến nay dãy nhà trọ của chị luôn trống 5 - 10 phòng. Chị tìm cách hạ giá phòng xuống còn 2/3 và chi hoa hồng cho người môi giới, nhưng chẳng những không được lấp đầy mà còn có nguy cơ trống thêm; hiện có 2 người thuê phòng đang chờ quyết định nghỉ việc của công ty, CN của 2 phòng khác đang đi xin việc làm nhưng chưa có chỗ nhận, 1 người xin chuyển qua ở ghép với phòng khác.
Chị Yến cho biết: "Mình có thể cho CN nợ một vài tháng tiền phòng, nhưng họ còn nợ thêm tiền ga, dầu ăn, gạo, mắm, muối, điện, nước... lại là chuyện khác! Một vài phòng mua nợ, mua thiếu đã đành, cả chục phòng cùng nợ, cùng thiếu, mình không biết lấy vốn đâu ra để xoay xở. Công nhân thất nghiệp, không chỉ bản thân họ khổ mà người KD nhà trọ cũng lao đao theo".
Một chủ nhà trọ ở Tân Kiên (Bình Chánh) cho biết, từ khi bùng phát đại dịch Covid-19 đến nay, thu nhập của đa số CN tại các KCN ở TPHCM đều giảm, khiến đời sống gặp khó khăn, nhất là những gia đình CN bị mất việc hoặc giảm việc. Thế nhưng đa số chủ nhà trọ vẫn giữ giá cho thuê như cũ mà không giảm, vì thế CN buộc phải tìm chỗ ở rẻ hơn, từ đó dẫn đến tình trạng "ế" hàng loạt phòng trọ, nhà trọ. Rất mong các chủ nhà trọ chia sẻ khó khăn với CN như thời còn khó khăn do dịch bệnh...
Không chỉ chủ nhà trọ lao đao, nhiều dịch vụ "ăn theo" cũng bị ảnh hưởng khi CN mất việc. Mấy năm trước, quán xá, chợ búa, cửa hàng quần áo, giày dép... xung quanh các KCN luôn có đông CN đến ăn uống, mua sắm, nhưng năm nay việc KD thường xuyên ế ẩm. Hơn chục năm bán đồ ăn sáng trước cổng KCN Tân Tạo (Q.Bình Tân), bà Lê Thị Lan tặc lưỡi: "Chưa năm nào tôi thấy CN, người LĐ tằn tiện như năm nay. Có người trước đây vào quán ăn tô bún, tô hủ tiếu thì nay chỉ dám ăn gói xôi, cái bánh lót dạ. Có người trước đây mua ổ bánh mì thịt, chả, thì nay chỉ dám ăn ổ bánh mì không. Buổi sáng nhìn CN hỏi giá từng món ăn mà xót lòng".
Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, 5 tháng đầu năm 2023 cả nước có 509.903 LĐ giảm giờ làm, mất việc, thôi việc, tạm hoãn HĐ lao động hoặc nghỉ không lương, chiếm 3,4% tổng số LĐ trong DN. Dự báo những tháng cuối năm, thị trường LĐ tiếp tục chịu nhiều rủi ro. Trước tình hình trên, Thường trực Ðoàn Chủ tịch đề xuất Ðoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ đoàn viên Công đoàn và người LĐ, bắt đầu từ ngày 01/4/2023 đến hết 31/12/2023, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 145 tỷ đồng.