Nếu thông đồng để trục lợi, có dấu hiệu tội phạm hình sự, kể cả việc đẩy lên quá cao một cách bất thường tiền đặt trước hoặc giảm một cách bất hợp lý tiền đặt trước... thì cùng với pháp luật về đấu giá tài sản, cần phải xử lý bằng pháp luật chuyên ngành.
Thanh tra, xử phạt hàng tỷ đồng
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ngày 15/8/2023 ghi nhận sự quan tâm của nhiều đại biểu quanh câu chuyện về đấu giá tài sản. Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) nhận xét rằng công tác đấu giá tài sản, nhất là tài sản công, hiện còn nhiều bất cập. Đại biểu này dẫn chứng việc tiếp cận, tham gia đấu giá còn nhiều khó khăn, tình trạng trúng đấu giá nhưng không giao được tài sản, đặc biệt là trong lĩnh vực thi hành án dân sự vẫn xảy ra. "Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?" - Đại biểu Bùi Mạnh Khoa chất vấn.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận tình trạng trúng đấu giá nhưng không giao được tài sản là một thực tế trong thi hành án dân sự. "Anh em thống kê gần 10 tháng đầu năm 2023, trong số gần 5.000 việc thì chúng tôi bán đấu giá thành gần 2.000 việc. Trong số gần 2.000 việc thì mới giao được hơn 1.300 việc, còn hơn 600 việc chưa giao được" - Bộ trưởng Lê Thành Long nói.
Theo ông Long, nguyên nhân là do đấu giá tài sản và thi hành án dân sự chỉ là 2 lĩnh vực pháp luật áp dụng trong trường hợp giao tài sản đấu giá, ngoài ra còn các quy định liên quan đến Luật Đất đai, Luật Quản lý tài sản công và các quy định khác. Qua các vụ việc cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ ra những vụ đấu giá không thành phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Mặt khác, thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội cả nước gặp nhiều khó khăn cũng tác động không nhỏ đến việc đấu giá tài sản.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội
"Thị trường bất động sản trầm lắng nên có những miếng đất "vàng" từng được quan tâm, giờ không bán được" - Bộ trưởng Lê Thành Long nói. Một vướng mắc khác, Bộ trưởng phân tích, là do trình tự, thủ tục đấu giá hiện hành chưa có quy định đặc thù cho tài sản thi hành án dân sự. Việc này đang được Bộ Tư pháp tính toán, xử lý một phần trong Dự thảo Luật Đấu giá tài sản năm 2016 sửa đổi, bổ sung và sắp tới là trong quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Tiếp đó, Đại biểu Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) phản ánh về những trường hợp có hành vi vi phạm của cơ quan thi hành việc cưỡng chế, kê biên tài sản. Điều này liên quan đến an ninh trật tự ở cơ sở, do đó cơ quan có hành vi vi phạm phải bồi thường cho người bị cưỡng chế, kê biên tài sản sai. Đại biểu Hiếu cũng yêu cầu Bộ Tư pháp bàn bạc với các cơ quan liên quan để cân nhắc phương án hủy kết quả đấu giá tài sản đối với những trường hợp có vi phạm.
Trả lời đại biểu này, Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận vẫn có sai phạm của những người tổ chức thi hành án. Bộ Tư pháp đã liên tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thành lập đoàn kiểm tra, huy động cơ quan thanh tra vào cuộc, chấn chỉnh các sai phạm. Đối với những hành vi vi phạm của đội ngũ chấp hành viên thuộc lỗi chủ quan, cần kiên quyết xử lý, thậm chí huy động sự vào cuộc của các cơ quan khác, bảo đảm người có sai phạm phải bồi thường, chịu trách nhiệm trước Nhà nước.
Liên quan đến việc hủy kết quả bán đấu giá, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng cần tranh thủ việc trình Dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, bổ sung, siết chặt và có những quy định cụ thể để khi có ý kiến của cơ quan thanh tra hoặc ý kiến của các cơ quan liên quan thì sẽ sử dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý ngay. Nối tiếp câu chuyện này, Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị lãnh đạo ngành Tư pháp cho biết đã có bao nhiêu trường hợp đấu giá viên vi phạm pháp luật phải xử lý? Bà Thúy còn đề nghị Bộ trưởng nêu rõ định hướng Dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, bổ sung để phòng ngừa vi phạm pháp luật.
Ông Long thông tin trong 5 năm (từ năm 2018 - 2022), Bộ Tư pháp và các đơn vị khác cùng lực lượng thanh tra đã thực hiện 143 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản, tổng số tiền phạt đối với các đối tượng vi phạm là gần 2 tỷ đồng.
"Quân xanh - quân đỏ”: Có dấu hiệu hình sự thì khởi tố
Về lĩnh vực đấu giá, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định sẽ quy định chặt chẽ hơn quy trình, cách thức, quy chế để giảm bớt tình trạng thông đồng, dìm giá; đồng thời tăng cường các biện pháp để chuyên nghiệp hóa đấu giá viên với tư cách là một nghề tư pháp đặc thù; phát triển đấu giá trực tuyến. Đề cập tình trạng "quân xanh - quân đỏ” trong hoạt động đấu giá tài sản, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) yêu cầu Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết nguyên nhân của tình trạng này.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, cần xác định rõ bản chất sự việc, nếu thông đồng để trục lợi, có dấu hiệu về hình sự, kể cả việc đẩy lên quá cao một cách bất thường tiền đặt trước hoặc giảm một cách bất hợp lý tiền đặt trước thì cùng với pháp luật về đấu giá tài sản, cần phải xử lý theo pháp luật chuyên ngành, như trong lĩnh vực về đất đai. Trường hợp phát hiện các yếu tố hình sự, như vụ trúng đấu giá các lô đất "vàng" tại Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TPHCM) nhưng các công ty trúng đấu giá đều bỏ cọc như vừa rồi thì sẽ khởi tố vụ án hình sự. "Rõ ràng câu chuyện đẩy giá tiền đặt trước lên một cách bất hợp lý như vậy là có vi phạm về hình sự" - Ông Long nhấn mạnh.
"Cò” đấu giá, "quân xanh - quân đỏ” là vấn đề nhức nhối trong hoạt động bán đấu giá tài sản (ảnh minh họa)
Từ năm 2022, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 02/TT-BTP hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác đấu giá, nhất là đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản nhà nước. Thông tư này quy định chặt chẽ, chi tiết nguyên tắc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm tính chính xác, độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan trong đấu giá tài sản. Đặc biệt, tổ chức đấu giá tài sản tự chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của các thông tin trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn và phải chịu hậu quả bất lợi do kê khai không đầy đủ, không chính xác các thông tin theo quy định.
Thông tư số 02/TT-BTP còn buộc phải thông báo công khai tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Đó là sau khi có quyết định của người có thẩm quyền về đấu giá tài sản, người có tài sản thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản với đầy đủ tiêu chí được quy định; người có tài sản đấu giá thông báo công khai việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản trong thời gian ít nhất 3 ngày làm việc trước ngày quyết định lựa chọn, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Về đánh giá, chấm điểm theo tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, Thông tư số 02/TT-BTP quy định rõ người có tài sản đấu giá tự đánh giá hay thành lập tổ đánh giá hoặc lựa chọn hình thức khác để đánh giá các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản và chịu trách nhiệm về việc này. Tổ chức đấu giá tài sản được lựa chọn là tổ chức có tổng số điểm cao nhất được cộng lại. Trường hợp có 2 tổ chức bằng điểm nhau thì người có tài sản đấu giá quyết định lựa chọn một trong hai tổ chức đấu giá tài sản đó.
Bộ Tài chính đã quy định rõ sau khi có kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản mà người có tài sản đấu giá nhận được thông tin của cơ quan, tổ chức hoặc kết quả xác minh khẳng định tổ chức đấu giá tài sản được lựa chọn cố ý cung cấp thông tin không chính xác hay giả mạo thông tin về tiêu chí trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn, thì thực hiện hủy bỏ kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá đó. Nếu đã ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản và tổ chức đấu giá tài sản chưa nhận hồ sơ tham gia đấu giá của người đấu giá tài sản thì người có tài sản hủy bỏ kết quả đấu giá tài sản và đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản của tổ chức đấu giá đó.
Trường hợp đã ký hợp đồng dịch vụ đối với tổ chức đấu giá tài sản và đã nhận hồ sơ của người tham gia đấu giá thì xem xét lựa chọn, quyết định hủy bỏ kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản nếu hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản có thỏa thuận về vấn đề này hoặc yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng này vô hiệu.
(Còn tiếp...)