Cụ ông hàng chục năm ròng đi đòi đất khai hoang

Thứ Ba, 18/08/2020 18:20

|

(CAO) Năm 1989, ông Nguyễn Ngọc Đơn (SN 1946) khai khẩn gần 2.000 mét vuông đất hoang tại khu vực thôn 1, xã Kiến Đức (nay là thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) và dựng căn nhà sinh sống, canh tác tại đây. Do có việc gia đình, ông Đơn phải quay về nhà ở tỉnh Bình Phước, rồi đến khi trở lại, ông sững sờ khi biết mảnh đất mình khai hoang đã thuộc về người khác!

Hơn 20 năm đi đòi đất khai hoang

Trong đơn gửi Báo Công an TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Đơn (SN 1946, trú thôn Bình Tiến 2, xã Phước Minh, huyện Bùi Gia Mập, tỉnh Bình Phước) trình bày, năm 1989 ông từ Bình Phước lên thôn 1, xã Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) lập nghiệp.

Tại đây ông đã khai hoang khoảng 2.000m2 đất ở thôn 1, xã Kiến Đức (chiều ngang theo Quốc lộ 14 là 50m và chiều sâu khoảng 40m). Tại mảnh đất này, ông được người dân giúp đỡ dựng một căn nhà gỗ để mưu sinh.

Đến cuối năm 1989, ông Đơn phải gác lại việc canh tác tại xã Kiến Đức để trở về nhà ở tỉnh Bình Phước giải quyết việc gia đình. Trước khi đi, ông Đơn có nhờ người hàng xóm là ông Nguyễn Ngọc Thắng coi ngó giúp mảnh đất.

Ông Nguyễn Ngọc Đơn đứng trước khu đất đang xảy ra tranh chấp

Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, người được ông Đơn nhờ trông coi đất, trong thời gian ông Đơn về Bình Phước, có vợ chồng ông T. - bà N. đến khu đất này dựng nhà và canh tác, ông Thắng có ra nhắc nhở là đất này do ông Đơn khai hoang.

Khi ông Đơn trở lại xã Kiến Đức, phát hiện đất mình khai hoang đang bị gia đình bà N. dựng nhà sinh sống. “Thấy tôi phản ứng, bà N. cùng chồng đưa ra phương án chia nửa diện tích khu đất và nhượng cho tôi một nửa phía sau. Tôi không đồng ý với phương án này vì khu đất phía sau khá trũng và gia đình cũng không đủ kinh tế để đổ đất cải tạo”, ông Đơn trình bày.

Ông Đơn sau đó đã đem toàn bộ sự việc trình báo UBND xã Kiến Đức để nhờ giải quyết. Đến ngày 29-1-1996, đại diện UBND xã Kiến Đức xuống hiện trường xác minh lập biên bản. Đến ngày 15-3-1996, UBND xã chuyển hồ sơ lên Phòng địa chính huyện để xử lý, nhưng kể từ đó ông Đơn không nhận được thông báo nào về việc giải quyết vụ việc.

Ròng rã nhiều năm gõ cửa các phòng, ban từ xã đến huyện để đòi đất mình khai hoang nhưng không được, đầu năm 2019 ông Đơn quyết định kiện ra Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông để nhờ giải quyết.

Hồ sơ bị thất lạc?

Sau khi tòa thụ lý, quá xác minh, lúc này UBND huyện Đắk R’Lấp trưng ra công số 01/CV-UB ngày 05/01/1999 về việc trả lời đơn khiếu nại của ông Đơn. Công văn xác nhận năm 1989 ông Đơn có dựng căn nhà trên phần đất này là có, nhưng do nhà làm bằng gỗ tạp nên khoảng năm 1990 - 1991 bị đổ. Năm 1994, thì vợ chồng bà N. - ông T. thấy đất trống nên đến dựng căn nhà để ở.

Công văn trên cũng cho rằng ông Đơn đã không sử dụng đất trong thời gian 12 tháng, không có hộ khẩu thường trú ở nơi xin giao đất... nên bác khiếu kiện của ông Đơn.

Ông Đơn cho biết, ông hoàn toàn không hay biết và cũng không nhận được công văn này, dù khiếu nại ròng rã, đi lại rất nhiều lần đến các cơ quan xã, huyện. Ông cũng khẳng định, việc khai hoang, dựng nhà thời điểm đó có xác nhận của UBND xã, nhưng tờ giấy này do nhà ông bị cháy nên đã cháy mất.

Ngày 1/11/2019, TAND tỉnh Đắk Nông tổ chức buổi đối chất giữa các bên liên quan, khi được phía ông Đơn chất vấn về cơ sở để ban hành công văn số 01/CV-UB ngày 05/01/1999, thì đại diện UBND huyện Đắk R’Lấp cho biết, hồ sơ đã thất lạc(!).

Ông Đơn bức xúc, nếu hồ sơ thất lạc, như vậy các tài liệu có thể có trong hồ sơ như giấy xin cấp đất làm nhà ở của ông do chủ tịch UBND xã Kiến Đức Nguyễn Hữu Sinh xác nhận; đơn khiếu nại của ông Đơn, bản báo cáo của UBND xã Kiến Đức về việc tranh chấp đất giữa ông Đơn và bà N, cùng các tài liệu khác cũng... thất lạc hay sao?.

Cụ Đơn đã hơn 20 năm ròng rã đi đòi lại đất

Đến ngày 11/8/2020 vừa qua, TAND tỉnh Đắk Nông tiếp tục tổ chức buổi hòa giải, lần này UBND huyện Đắk R’Lấp xin vắng mặt và cũng không cung cấp thêm tài liệu hay có văn bản phản hồi nào để làm rõ vì sao hồ sơ đất đai, khiếu nại của ông Đơn bị thất lạc...

Mặt khác, trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà N đối với thửa đất này cũng có nhiều vấn đề cần làm rõ, cụ thể: các văn bản thể hiện thời gian bà N khai hoang, sử dụng mảnh đất không trùng khớp.

Tại đơn xin cấp đất ở - đất sản xuất nông nghiệp, UBND thị trấn Kiến Đức xác nhận đơn bà N làm từ năm 1989. Tờ cam kết ngày 08-11-2004, bà N xác nhận “lô đất trên là của gia đình tôi tự khai hoang từ năm 1989”; nhưng trong đơn xin hợp thức hóa quyền sử dụng đất ngày 08-11-2004, UBND thị trấn Kiến Đức lại xác nhận đất có nguồn gốc khai phá năm 1994.

Tiếp đến, trong đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất ngày 08-11-2004, mặc dù bà N kê khai nguồn gốc sử dụng đất là khai hoang năm 1994, nhưng UBND thị trấn Kiến Đức lại xác nhận nguồn gốc đất khai hoang sử dụng năm 1989 và trong tờ khai xác định mốc đất vào ngày 08-11-2004 lại thể hiện nguồn gốc đất khai hoang năm từ 1994.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Đơn đã nhiều lần yêu cầu UBND huyện Đắk R’Lấp làm rõ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Trong khi đó ông Nguyễn Ngọc Thắng (nhà ở đối diện với thửa đất tranh chấp) khẳng định: “Ông Đơn là người khai hoang diện tích đất nói trên. Tôi là người được ông Đơn nhờ trông hộ nhà đất trong thời gian ông về quê lo việc gia đình. Thời điểm ông Đơn đi vắng, bà N. có tới làm, tôi ngăn cản đồng thời nói cho vợ chồng bà N. biết đất này là của ông Đơn, nhưng họ vẫn làm”.

Ông Nguyễn Đình Bé – nguyên là Hạt Trưởng Hạt đường Bộ phụ trách Quốc lộ 14 thuộc Bộ Giao thông Vận tải (từ năm 1989 -2000), hiện đang trú thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) cho biết, vào năm 1989 ông Nguyễn Ngọc Đơn có nhờ bên ông Bé hỗ trợ máy móc để san ủi mặt bằng trên diện tích đất mà hiện tại bà N. đang sử dụng. Theo ông Bé, các cơ quan chức năng cần sớm xác minh làm rõ, xử lý công bằng, đúng pháp luật vụ việc, trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang