Cảnh báo các loại tội phạm nở rộ trong mùa dịch

Thứ Ba, 18/08/2020 12:35

|

(CATP) Không giống như nhiều người khác phải thực hiện lệnh cách ly ở nhà khi đối mặt với dịch bệnh Covid-19, các đối tượng bất hảo nghĩ ra cách lừa đảo để kiếm tiền. Đó là những chiêu trò như: bán thẻ chống dịch Covid-19, vào tận nhà phun thuốc phòng dịch để tìm cách chiếm đoạt tài sản, giả dạng bán khẩu trang giá sỉ qua mạng... Thậm chí, chúng còn lừa "chạy" cách ly hoặc móc đất trộm đem bán...

MUÔN KIỂU LỪA

Hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, kéo theo các vấn đề về an sinh xã hội, gây áp lực gia tăng tội phạm và phức tạp về trật tự xã hội. Vì thế sẽ xuất hiện nhiều tội phạm mới, đặc biệt là tội phạm trên không gian mạng. Ngoài ra, chúng còn dùng chiêu trò thu mua sổ Bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động trên địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Một trang mạng giả mạo thu mua sổ Bảo hiểm xã hội

Rất nhiều website, trang mạng xã hội mạo danh là cơ quan nhà nước để lừa người lao động "bán lúa non". Nhiều đối tượng cũng làm dịch vụ nhận cầm cố, thế chấp hoặc thu mua, thu gom sổ BHXH, hoạt động tại các khu công nghiệp có đông công nhân. Không ít người đã mang sổ BHXH của mình để cầm cố vay tiền. Nhiều trường hợp đã tặc lưỡi bỏ luôn sổ BHXH, do không có tiền chuộc vì tiền quá hạn tăng. Nhiều lao động nghèo lâm vào tình cảnh trắng tay.

Điển hình, anh N.V.N (công nhân một công ty ở Q7) từng là nạn nhân của chiêu trò thu mua sổ BHXH để hưởng lợi nhận BHXH một lần. Theo N., anh đóng BHXH được gần 5 năm. Mới đây, do công ty hết đơn hàng sản xuất nên chấm dứt hợp đồng lao động. Một lần anh lên mạng thấy có người rao mua sổ BHXH nên liên hệ. Người mua báo giá 15 triệu đồng nhưng vì cần tiền, N. đã đồng ý.

Một nạn nhân khác còn bị lừa mất 2 triệu đồng vì tin theo lời rao mua sổ BHXH trên mạng. Đó là chị N.T.H (ngụ Bình Dương) đóng BHXH được 3 năm. Nghe theo bạn bè, chị lên mạng tìm người bán sổ BHXH. Sau khi xem sổ, người mua báo sổ của chị sẽ bán được hơn 20 triệu đồng. Tuy nhiên, để nhận được số tiền trên, H. phải chuyển cho họ 2 triệu đồng phí giao dịch. Thế nhưng sau khi chuyển tiền xong, người này cắt đứt liên lạc.

Đinh Quang Huy tại cơ quan công an

Các hình thức lừa đảo trúng thưởng đều không mới, nhưng được bọn tội phạm dựng lại với kịch bản tinh vi hơn trong mùa dịch Covid-19. Nhiều người cho biết mình trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trúng thưởng với yêu cầu chuyển tiền trước để nhận giải thưởng lên đến vài chục triệu đồng, hay được chào mời mua hàng nhiều hơn để trúng thưởng.

Bà T.Hương (ngụ TPHCM) trở thành nạn nhân sau khi nhận được tin nhắn từ "tổng đài Facebook" thông báo chủ tài khoản trúng thưởng một chiếc điện thoại iPhone, nhưng phải chuyển trước 5,1 triệu làm chi phí. Thế nhưng sau khi bà chuyển tiền thì mất liên lạc... Tương tự, bà N.T.Hồng (ngụ Tây Ninh) được một đối tượng tự xưng là nhân viên một công ty tại TPHCM thông báo bà trúng thưởng điện thoại iPhone 11 Pro, nhưng muốn nhận quà phải đóng một khoản phí thuế gần 3 triệu đồng và quà sẽ được gửi về qua bưu điện. Nhưng sau khi làm theo yêu cầu, quà mà bà Thu nhận được chỉ là chiếc điện thoại iPhone 4 đã cũ và hư hỏng.

Theo các nạn nhân, hình thức lừa đảo qua điện thoại rất đa dạng, kịch bản chung là các đối tượng lừa đảo chủ động làm việc qua điện thoại, thông báo trúng thưởng và sử dụng việc giao nhận tiền, hàng qua bên thứ 3. Do đó, khi phát hiện bị lừa thì nạn nhân không thể truy vết để lấy lại khoản tiền đã mất.

Ngoài ra, bọn tội phạm còn dùng dịch vụ tài chính làm "mồi câu". Mới đây, chị L.V.M (ngụ Đồng Nai) nhận được cuộc gọi từ người xưng là nhân viên của một ngân hàng tại TPHCM thông báo chị được nhận phần quà là 1 thẻ Visa có sẵn 10 triệu trong tài khoản với điều kiện phải trả trước chi phí gần 2 triệu đồng, số tiền này sẽ được hoàn lại vào tài khoản. Sau khi chuyển tiền xong, chị không được nhận thẻ như hứa hẹn.

Cũng bằng hình thức bán hàng và nhận đặt cọc trước, kẻ gian rao bán khẩu trang trên mạng số lượng lớn rồi bỗng "biến mất" sau khi tiền được chuyển vào tài khoản của mình.

Ngày 7-8, Công an Thanh Hóa bắt giữ Đinh Quang Huy (SN 1994, trú xã Thiệu Toán, H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa) để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tại cơ quan CA, Huy khai không có khẩu trang để bán nhưng lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhu cầu mua khẩu trang của người dân tăng cao nên sử dụng 2 tài khoản facebook để đăng các bài viết rao bán khẩu trang với số lượng lớn.

Khi có người hỏi mua thì Huy yêu cầu "đặt cọc" tiền để chốt đơn hàng rồi chiếm đoạt. Nạn nhân trong vụ việc này đã mất 10 triệu đồng. Ngoài ra, cũng với thủ đoạn tương tự, Huy lừa 3 bị hại khác ở các tỉnh phía Nam với gần 13 triệu đồng.

Nguyễn Châu Tuấn

PHÁT SINH THÊM LOẠI TỘI PHẠM MỚI

Lâu nay, cơ quan điều tra "đau đầu" vì các kiểu lừa "chạy án", "chạy trường", "chạy việc" của bọn lừa đảo giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án và "nổ" rằng có quen biết với cán bộ lãnh đạo cao cấp... nhằm trục lợi, thì nay lợi dụng mùa dịch Covid-19, kẻ lừa đảo còn nghĩ ra cách lừa "chạy cách ly".

Sáng 15-8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Nha Trang (Khánh Hòa) tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực thi lệnh bắt tạm giam Nguyễn Châu Tuấn (SN 1984, trú TP.Nha Trang) về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo điều tra, chiều 10-8, bà Vòng Mỹ Vân (trú TP.Nha Trang) đến CAP.Lộc Thọ (TP.Nha Trang) trình báo bị Tuấn lừa mất 10.000USD cùng 10 triệu đồng.

Theo đó, Tuấn cho biết có nhiều mối quan hệ và có thể "chạy" cách ly. Tưởng thật, bà Vân đưa cho đối tượng số tiền trên để "chạy" cách ly cho 2 người Trung Quốc vào cuối tháng 7-2020. Khi biết mình bị lừa, bà liên lạc với Tuấn để đòi lại tiền thì gã đàn ông này đã tắt máy.

Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, CAP Lộc Thọ lập tức vào cuộc truy xét. Chiều 12-8, trinh sát vây bắt nghi phạm và dẫn giải về trụ sở làm việc.

Tiến hành lấy lời khai, bước đầu cơ quan điều tra xác định, qua mối quan hệ xã hội bà Vân đã nhờ Nguyễn Thanh Sang (trú, TP.Cam Ranh) dẫn đến gặp Tuấn. Cuối tháng 7-2020, qua điện thoại, bà Vân đề cập đến 2 người bạn có quốc tịch Trung Quốc là Li Yu Jiao và Qin Wenggiang đang bị cách ly để phòng dịch Covid-19 tại căn nhà trên đường Trần Nhật Duật (P.Phước Tân, TP.Nha Trang). Tuấn cho biết mình có nhiều mối quan hệ nên có thể "chạy" cho 2 người trên về nước hoặc không bị cách ly. Tưởng thật, bà Vân liền mang tiền tới nhờ Tuấn lo liệu.

Sau khi thỏa thuận phí "chạy" cách ly là 10.000USD và 10 triệu đồng, sáng 30-7, trước cổng Trường Mầm non Hương Sen (TP.Nha Trang), Tuấn đã nhận số tiền trên của bà Vân. Để tạo lòng tin, Tuấn đi bộ tới khu vực trước cổng Công an TP. Nha Trang. Khoảng 10 phút sau, Tuấn quay lại gặp bà Vân và thông báo đúng 18 giờ ngày 30-7, hai người Trung Quốc sẽ được ra khỏi nhà. Thế nhưng sau đó 2 người Trung Quốc vẫn bị cách ly để phòng dịch Covid-19. Về phần Tuấn, khi lấy được tiền, đối tượng "lại quả” cho Sang 10 triệu đồng.

Khu đất biến thành ao sau khi bị móc trộm đất

Trong mùa đại dịch, do nạn thất nghiệp tăng cao nên bọn tội phạm sẽ lợi dụng sơ hở của người dân để gây án. Chúng sẽ có tần suất hoạt động cao với tính chất và mức độ ngày càng manh động, nguy hiểm. Điều đáng nói, ngay cả đất cũng bị... mất trộm.

Sau thời gian giãn cách xã hội, gia đình ông Huỳnh Trí Dũng (trú TP.Hồ Chí Minh) ra thôn Buôn Đung (xã Ninh Tây, TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa) thăm rẫy thì tá hỏa khi phát hiện hàng ngàn mét vuông đất đã bị kẻ gian biến thành ao sâu.

Chủ đất cho biết khu đất rẫy của gia đình có tổng diện tích gần 8ha, nhưng khoảng 5.000m2 đã bị kẻ gian múc trộm đất. Tại hiện trường, dấu vết bánh xe cơ giới vẫn còn hằn sâu, chỗ đào múc đất bị sạt lở nham nhở. Hiện khu vực đất bị biến thành ao và trẻ chăn bò thường xuyên xuống tắm.

Theo nhận định, các đối tượng đã lợi dụng trong thời gian giãn cách xã hội để đưa phương tiện cơ giới đến đây múc trộm. Với diện tích hàng ngàn mét vuông đất bị múc, có chỗ sâu tới 5m.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cảnh báo về hành vi giả mạo nhân viên ngân hàng để lừa đảo. Thời gian gần đây, một số đối tượng sử dụng thủ đoạn lợi dụng uy tín của MB để giả mạo cán bộ, nhân viên MB đánh vào tâm lý cả tin của khách hàng nhằm lấy cắp thông tin cá nhân (số thẻ căn cước công dân, CMND, sổ hộ khẩu) với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn lừa đảo phổ biến là sử dụng hình ảnh giả mạo gửi cho khách hàng để chứng minh khách hàng đã được giải ngân khoản vay vào tài khoản vừa mở tại ngân hàng. Sau đó, yêu cầu nộp trước một khoản tiền cho kỳ thanh toán đầu tiên vào một số tài khoản mà kẻ gian cung cấp. Cuối cùng chặn toàn bộ liên lạc với khách hàng sau khi đã nhận tiền...

Bình luận (0)

Lên đầu trang