Khi "thượng đế” giở chiêu trò

Thứ Năm, 13/08/2020 10:12

|

(CATP) Thời đại công nghệ số lại đúng lúc dịch bệnh Covid-19 hoành hành nên việc mua sắm online càng trở lên thuận tiện hơn. Khách hàng chỉ cần ngồi trước màn hình máy tính hoặc lướt điện hoại là có thể tiếp cận những món hàng mình yêu thích. Lợi dụng việc mua bán dễ dàng này, nhiều đối tượng đã đội lốt "thượng đế” để lừa đảo chiếm đoạt tiền và tài sản.

Khởi nghiệp bằng việc kinh doanh online nên chị Trần Thị Hồng Gấm (SN 1995, ngụ Q8) chăm sóc khách hàng rất chu đáo. Đầu tháng 8-2020, chị nhận được tin nhắn của vị khách đặt mua chiếc áo để tặng người thân. Sau khi thỏa thuận giá cả, khách xin thông tin về số tài khoản cá nhân của chị.

Ít phút sau, vị khách thông báo đã chuyển khoản tiền cho chị Gấm và yêu cầu cung cấp mã OTP rồi gửi một đường link lạ, yêu cầu chị nhấn vào kiểm tra xem tiền đã đến tài khoản chưa. Vừa trò chuyện với khách vừa thao tác nên chị Gấm vội làm theo yêu cầu, sau đó tài khoản không nhận thêm được đồng nào mà còn bị "bốc hơi" 12,7 triệu đồng.

Sập bẫy khách hàng của mình còn có trường hợp bà Lê Thị Minh Vỹ (SN 1957, ngụ Q4). Ngày 24-7-2020, sau khi đăng thông tin cho thuê nhà trên mạng, bà Vỹ nhận được tin nhắn của một vị khách. Sau khi được bà Vỹ cung cấp một số thông tin và hình ảnh căn nhà thì vị khách đồng ý thuê nhưng cho biết hiện ở nước ngoài, muốn thuê căn nhà này cho đứa cháu họ. Việc thanh toán đặt cọc sẽ được thực hiện bằng hình thức chuyển tiền online.

Đang lúc kinh tế khó khăn lại gặp được vị khách dễ tính, chốt thuê nhanh gọn nên bà Vỹ hết sức phấn khởi. Vị khách yêu cầu cung cấp thông tin, số tài khoản cá nhân và mã OTP để chuyển khoản tiền cọc thuê nhà nên bà vội làm theo. Và cũng giống như chị Gấm, tài khoản bà Vỹ ngay sau đó bị "rút ruột" 21 triệu đồng khi nhấp vào đường link vị khách cung cấp.

Người dân cần cảnh giác, không được cung cấp mật khẩu OTP, mã PIN khi khi bán hàng online

Đồng cảnh ngộ là trường hợp ông Phạm Quang Huy (SN 1969, ngụ Q2). Ngày 10-7, qua mạng xã hội, ông Huy nhận được tin nhắn của người đàn ông có nickname Khanh Ken hỏi thuê nhà cho người thân. Sau một hồi hỏi han, vị khách đồng ý giá thuê nhà và cho biết đang ở nước ngoài, kẹt dịch bệnh chưa về được nên anh ta sẽ chuyển khoản cho ông Huy tiền cọc qua hình thức chuyển tiền online.

Sau đó, ông Huy nhận được tin nhắn thông báo đã nhận được 230USD đặt cọc kèm đường link lạ. Vị khách yêu cầu ông nhấn vào đường link và kết quả là 230USD không thấy đâu trong khi tài khoản của ông "bay hơi" hết 100 triệu đồng.

Với phương châm kinh doanh nhắm tới phục vụ sức khỏe người tiêu dùng, anh Trịnh Quốc Cường (SN 1990, quê Đắk Lắk) muốn đem những sản vật mật ong quê mình đến với khách hàng. Ngày 4-8, anh Cường nhận được tin nhắn của vị khách đặt mua 5 lít mật ong. Sau khi cho số tài khoản cá nhân, anh Cường nhận được tin báo tài khoản đã nhận được tiền rồi nhấp luôn vào đường link để kiểm tra và phát hiện mất 32,5 triệu đồng.

Từ các vụ việc trên, cơ quan công an khuyến cáo người dân không được cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã PIN Internet Banking và mã OTP cho người khác. Bởi vì mã OTP chỉ sử dụng cho mục đích xác nhận khi thanh toán, nếu người dân nhận được yêu cầu đăng nhập để nhận tiền mà đòi hỏi phải cung cấp mã OTP thì đều là giả mạo. Mọi thắc mắc, nghi ngờ về thông tin tài khoản cá nhân của mình, người dân cần trực tiếp đến các ngân hàng để được kiểm tra, giải đáp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang