Dân kêu trời với cách tính giá điện mới

Thứ Ba, 18/08/2020 12:39  | Nam Anh

|

(CATP) Bộ Công thương (CT) vừa công bố dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để lấy ý kiến từ các bộ, ngành, người dân về mức tính giá điện mới trước khi trình Thủ tướng.

Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ CT đưa ra 2 phương án về hạn mức sử dụng điện sinh hoạt (ĐSH) cho khách hàng (KH) lựa chọn. Theo đó, giá bán lẻ ĐSH có 5 bậc (tỷ lệ thấp nhất là 90% và tăng cao nhất 185%), trong khi điện một giá cũng tăng 145 - 155% (tương đương 2.890 đồng/kWh, chưa gồm thuế VAT) khiến nhiều người dân than trời!

Sốc với biểu giá điện mới

Dự thảo vừa được Bộ CT công bố đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận, đặc biệt là phương án "điện một giá”. Theo đó, lần này có 2 phương án tính biểu giá điện bán lẻ theo 5 bậc thay vì 6 bậc như hiện nay, có một số thay đổi là nâng mức bậc 1 lên tới 100kWh, nâng các bậc thang từ 201 - 400kWh và bổ sung bậc thang giá điện trên 700kWh/tháng cho hộ gia đình. Đáng chú ý, Bộ CT đang đề xuất thêm mức giá ĐSH bình quân (không có bậc thang) cho KH lựa chọn.

Cụ thể, người tiêu dùng (NTD) sử dụng từ 1 - 100kW sẽ có mức giá 1.678 đồng/kWh; từ 100 - 200kWh sẽ có mức giá 2.014 đồng; 201 - 400kW có mức giá 2.629 đồng; từ 401 - 700 có mức giá 2.983 đồng/kW; từ 700kW trở lên có mức giá 5.109 đồng/kWh. Và NTD có thể dùng điện một giá lần lượt từ 2.703 đồng/kWh (bằng 145% mức giá điện bình quân) và 2.890 đồng/kWh (bằng 155% mức giá điện bình quân).

Bộ CT cho rằng, với cách tính tiền điện mới này KH sẽ có thêm quyền lựa chọn. Trong đó, biểu giá bán lẻ ĐSH 5 bậc ở 2 phương án vẫn được giữ nguyên để không tác động đến các hộ sử dụng ở mức dưới 700kWh là các KH có mức thu nhập thấp hoặc trung bình.

Biểu giá điện 1 và 2 tăng cao đến 68%
Hai phương án điều chỉnh các bậc thang trên đều đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện bình quân cho KH sinh hoạt. Đặc biệt, trong dự thảo lần này, bộ cũng đưa ra tiêu chí hộ nghèo và thu nhập thấp được Chính phủ hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt theo giá bán lẻ ĐSH bậc 1 hiện hành.

Không đồng ý với 2 phương án, ông Trần Văn Hậu (ngụ P25Q. Bình Thạnh) cho rằng, giá bán lẻ điện cho NTD không giảm mà còn tăng. Với phương án 5 bậc giá mà Bộ CT đưa ra lấy ý kiến thực chất là rút từ 6 bậc xuống còn 5 bậc, nhưng giá điện không giảm mà còn tăng cao hơn. Trong khi đó, điện một giá cũng không thể chấp nhận được khi mức giá lần lượt từ 2.703 đồng/kWh bằng 145% và 2.890 đồng/kWh bằng 155% mức giá điện bình quân.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện ngành điện không quản lý giá điện một cách minh bạch. Với mức điện một giá mà Bộ CT đưa ra, nhưng tăng từ 145% - 155% là không hợp lý. Việc tăng giá như dự thảo đưa ra là quá cao khiến NTD chịu nhiều thiệt thòi.

Muốn cải tiến ngành điện, việc đầu tiên phải làm theo nguyên tắc giá điện theo hướng thị trường, tức vào thời điểm hè, người dân dùng điện nhiều thì EVN nên tăng giá; mùa đông hoặc mùa mưa, các hộ gia đình dùng ít thì nên giảm giá và không làm tăng doanh thu cho ngành điện.

Trong khi đó, ông Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - cho rằng, việc cải tiến biểu giá điện như đi theo quy luật của cung - cầu lên, xuống; cần điều chỉnh lại các bước nhảy của bậc thang và không để khoảng cách quá rộng giữa bậc 2 - bậc 3 là 33%, trong khi bậc 4 và bậc 5 cần khuyến khích tiết kiệm điện thì chỉ chênh lệch có 8%.

Tuy nhiên, với cách tính giá điện được chia làm 5 bậc như hiện nay, Bộ CT chẳng những không khuyến khích NTD sử dụng điện mà còn đi ngược lại theo sự phát triển của quy luật tự nhiên. Theo quy luật thị trường, doanh nghiệp phải khuyến khích NTD mua thật nhiều hàng để giảm giá thành, trong khi EVN không có sự cạnh tranh, nên mức giá đưa ra chỉ có lợi cho ngành điện.

Theo ông Long, trong nhiều cuộc họp tính toán về giá điện trước đây, chính Bộ CT khi phát biểu cũng bày tỏ mong muốn được tăng giá bình quân lên 2.400 - 2.500 đồng/kWh là đạt yêu cầu, vậy giờ tăng lên đến gần 3.000 đồng/kWh là quá vô lý. Phải chăng đơn vị này đang muốn tạo sức ép để đẩy giá lên cao để khi "trả giá” xuống thấp hơn một chút là vừa ý nguyện?

Công nhân điện lực sửa chữa đường dây

Công nhân than trời

Trước thực trạng ngành EVN sẽ tăng giá điện trong thời gian tới, phóng viên Báo CATP đã đến các khu công nghiệp có nhiều công nhân (CN) thuê trọ để tìm hiểu. Chị Nguyễn Thị Thu Hà (quê Nghệ An, công nhân Công ty may Việt Hưng, ngụ P. Tân Thuận Tây, Q7) cho biết, mùa dịch Covid-19, doanh nghiệp ngành may đã giảm thu nhập đối với CN, nay lại phải "cỏng" thêm tiền điện thì CN khó kham nổi. Theo chị Hà, với thu nhập hiện nay chỉ ở mức 4-5 triệu đồng/tháng, nhưng nghịch lý là vợ chồng chị ngoài phải trả tiền phòng trọ 1,5 triệu đồng/tháng thì nay đang phải gánh thêm một khoản không nhỏ là 400-600 ngàn đồng tiền điện, nước sinh hoạt.

Tại các khu trọ của CN ở các phường Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây..., mức tiền điện, nước của mỗi phòng trọ mỗi tháng, người thuê phải đóng thêm từ 300 - 700 ngàn đồng, cao hơn so với giá ĐSH theo quy định. Cụ thể, tại các khu trọ, hầu như người lao động nào cũng phải đóng trung bình khoảng 3.000 - 3.500 đồng/số điện, thậm chí có nơi CN phải trả 4.000 đồng/số điện, ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt cũng như các khoản chi tiêu của mỗi gia đình.

Chia sẻ về việc sử dụng điện, nước sinh hoạt khi ở trọ trên đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân, chị Đỗ Thị Len (làm việc tại Cty Pouchen) than: "Gia đình tôi thuê trọ ở đây gần 7 năm và phải trả cho chủ 3.500 đồng/số điện (trước đây là 2.500 đồng)". Vợ chồng chị là CN, thu nhập mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng, do có con nhỏ nên nhu cầu sử dụng điện của gia đình khá lớn, trong khi chủ trọ lại thông báo tăng giá điện lên mức 3.500 đồng/kW. Trong khi đó, tại TPHCM có hàng nghìn khu trọ như thế đang phải "gánh" giá điện cao hơn thực tế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang