Để "thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học"

Thứ Hai, 09/10/2023 08:31

|

(CATP) "Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học"- từ năm 1981, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã yêu cầu như vậy. Vậy mà năm học 2023 - 2024 mới diễn ra hơn 1 tháng nhưng ngành giáo dục phải đối mặt hàng loạt vụ việc làm dư luận xã hội xôn xao như bạo lực học đường; lạm thu; thầy mắng trò với ngôn từ phản cảm... Vì sao xảy ra những hiện tượng như vậy?

Thầy phải ra thầy

"Mỗi ngày đến trường là một niềm vui" - là câu khẩu hiệu bắt nguồn từ GS Hồ Ngọc Đại, dễ dàng bắt gặp ở bất kỳ trường học nào. Đây cũng chính là mục tiêu mà ngành giáo dục Việt Nam đang hướng tới. Tuy nhiên trên thực tế gần đây, ngành giáo dục có nhiều chuyện không vui chút nào. Có chuyện chỉ là cá biệt nhưng có những hiện tượng lặp đi lặp lại, đập vào mắt mọi người, khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập ngành sư phạm, ngày 08/10/1981, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã yêu cầu mỗi thầy cô giáo phải trả lời cho được các câu hỏi: "Dạy cái gì? Dạy để làm gì? Nhà trường phải coi trọng giáo dục toàn diện cho học sinh (HS), cả đức dục và trí dục, thể dục và mỹ dục. Phải làm và làm tốt giáo dục đạo đức cách mạng. Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học". Đó là lời dặn dò tâm huyết của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ hơn 40 năm trước đến nay vẫn còn rất thời sự. "Thầy có ra thầy thì trò mới ra trò”. "Thầy ra thầy" - một phần quan trọng của mệnh đề này, là nguyên nhân, là hệ quả để có "trò ra trò”.

Tối 01/10, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip dài 21 giây ghi lại cảnh thầy giáo dạy môn tiếng Anh tên T. (Trường THPT Phan Huy Chú - huyện Thạch Thất, Hà Nội) chỉ tay vào mặt, mắng chửi một nam sinh trong giờ học. Trong clip, thầy giáo này đứng trên bục giảng, liên tục chỉ tay vào mặt nam sinh đứng đối diện. Giáo viên này còn bóp cằm, xưng hô là "tao", "bố mày" với học trò và còn lớn giọng quát nam sinh là "con chó này". Một HS trong lớp đã dùng điện thoại quay lại cảnh này và đăng lên nhóm lớp, rồi lan truyền trên mạng, khiến dư luận bức xúc: Sao lại có một người thầy như vậy!

Thầy giáo bóp cằm, chửi thô tục học sinh ngay trên bục giảng

Ngày 03/10, trong buổi họp xét kiểm điểm, kỷ luật giáo viên vi phạm, thầy T. tự nhận thấy hành vi ngôn ngữ của mình thiếu chuẩn mực, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Thầy T. đã trực tiếp xin lỗi HS, phụ huynh và tự kiểm điểm bản thân. HS cũng đã xin lỗi thầy giáo vì có lời nói và cử chỉ thiếu tôn trọng với thầy. Thầy T. thấy đã vi phạm về đạo đức nhà giáo, nên đã làm đơn xin nghỉ việc và được hội đồng nhà trường chấp thuận. Hậu quả thật đáng buồn nhưng không thể khác.

Một câu chuyện khác xảy ra hôm 29/9, tại Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) cũng qua clip tung lên mạng với hình ảnh cô giáo nổi giận đùng đùng, dùng lời lẽ tệ hại, đe dọa sẽ hạ hạnh kiểm của nữ sinh khiến em sợ hãi. Cô giáo giận dữ, đuổi nữ sinh ra khỏi lớp. Nữ sinh này ra hành lang đứng khóc nhiều giờ đến kiệt sức, co giật. Cô giáo còn túm cổ áo nữ sinh này lôi đi trên nền đất trong sự can ngăn của các HS khác... Nguyên nhân quá đơn giản, cô giáo giao cho nữ sinh (nạn nhân trong clip) đi lấy bánh do cô đặt từ trước nhưng vì lí do nào đó, nữ sinh lại mua bánh ở một cửa hàng khác. Khi nữ sinh mang bánh về lớp đã bị cô giáo nổi giận, dẫn đến hành động trên. Hành vi của cô giáo này đã làm dư luận phản ứng dữ dội...

Qua những sự việc này, chúng ta tự hỏi "thầy đã thực sự là thầy chưa"? Nghề giáo yêu cầu đạo đức nghề nghiệp rất cao, vì là tấm gương để các em noi theo. Người thầy đúng nghĩa phải thể hiện qua việc ứng xử chuẩn mực với chính mình, với người khác, với học trò mình. Thầy giáo trước hết phải có lòng vị tha, yêu thương học trò, phải giữ chữ tín, đã hứa thì phải giữ lời; không được tự cao, tự đại, tự mãn, luôn học tập cầu tiến, thể hiện tinh thần dũng cảm, thấy đúng phải biết bảo vệ, thấy sai phải biết đấu tranh, nhất là với lợi ích chính đáng của HS. Người thầy phải có đức tính nhân, trí, lễ, liêm..., thể hiện không chỉ thông qua việc giảng dạy trên lớp, qua các hành vi mà còn qua trang phục, lời nói...

Thông báo của Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Long Quân (Sóc Sơn, Hà Nội) mời phụ huynh lên làm việc, kèm với nội dung "dọa" đuổi học HS nếu phụ huynh không đến

Hiệu trưởng cũng phải ra hiệu trưởng

Vai trò của hiệu trưởng trong nhà trường rất quan trọng, ai cũng biết. Những sai phạm trong nhà trường làm sao qua mắt được hiệu trưởng. Việc lạm thu khủng ở lớp 1.2 ở Trường Tiểu học Hồng Hà (Bình Thạnh, TPHCM) gây ồn ào dư luận, vậy mà bà Bùi Thị Hải Yến, hiệu trưởng nhà trường trả lời báo chí một cách tỉnh queo là "không biết việc này" thì quá vô trách nhiệm.

Vụ nữ sinh quỳ khóc đến kiệt sức, bị cô giáo kéo lê trước cửa lớp xảy ra ở Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) bị tung lên mạng, thay vì tìm hiểu nguyên nhân để xử lý, hiệu trưởng của trường này lại khẳng định sẽ "xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật HS đưa video lên mạng". Theo vị hiệu trưởng này, việc phát tán video đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà trường và tâm lý của rất nhiều HS. Ông cho rằng: "Giả sử bạn HS trong video tâm lý không tốt và nghĩ dại dột, do đó khi làm việc gì phải hết sức cân nhắc". Không, hình ảnh của nhà trường và tâm lý của rất nhiều HS bị ảnh hưởng là do hành động của giáo viên, đó mới là bản chất của vụ việc, không phải do video đưa lên mạng xã hội. Thử đặt vấn đề, nếu không có đoạn video đó xuất hiện trên mạng xã hội thì thầy hiệu trưởng, HS, phụ huynh và xã hội có biết vụ việc cô giáo bạo hành HS không? Chưa kể nếu không có HS quay lại vụ việc thì sẽ không có chứng cứ để xử lý cô giáo. Cho nên, cũng phải xét từng vụ việc cụ thể để đánh giá hành vi, động cơ của người đưa video lên mạng. Trong các vụ việc tương tự như vụ này, hành vi của cô giáo, thầy giáo mới đáng xem xét, hơn là chuyện HS đưa video lên mạng.

Ý của thầy hiệu trưởng cũng muốn giáo dục HS ứng xử trên mạng nhưng giáo dục theo kiểu đòi xử lý theo quy định của pháp luật, "kỷ luật thích đáng" đối với học trò của mình lại phản tác dụng. Xử lý vấn đề này không khó nhưng ban giám hiệu trường này lúng túng, nhờ công an vào cuộc xác minh và cuối cùng Sở GD-ĐT Hà Nội can thiệp, rồi nhà trường lại thông báo "HS học bình thường, không em nào bị phạt vì quay và đăng video" - như cô Nguyễn Thị Phong Lan, Phó hiệu trưởng nhà trường nói trưa 04/10.

Cô giáo Trường THPT Đa Phúc (Hà Nội) nắm cổ áo nữ sinh lôi vào lớp (Ảnh cắt từ video)

Một vụ việc khác, đó là việc Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân (Sóc Sơn, Hà Nội) - ông Đinh Quang Dũng có công văn dọa đuổi HS khi phụ huynh của em này không chịu lên làm việc với nhà trường vì nội dung tin nhắn "ảnh hưởng đến uy tín của trường" trong việc thu chi quỹ cha mẹ HS. Thông báo này cực kỳ phản cảm, phản giáo dục, buộc ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu nhà trường phải đặt quyền lợi HS lên trên hết. HS phải được đến trường, đến lớp theo quy định. Thực tế thì HS này cũng đã phải nghỉ học 1 ngày, sau đó cô giáo chủ nhiệm gọi điện mời đi học lại. Hành vi này buộc phụ huynh của HS này phải thốt lên: "Nhà trường mà như cái chợ, thích cho ở nhà thì cho, thích cho đi học thì cho. Tôi mong muốn các sở ngành vào cuộc làm rõ vấn đề thu chi của nhà trường, không thể để mập mờ như vậy được".

Những vụ việc như trên, cho thấy trong giáo dục không chỉ yêu cầu "thầy ra thầy, trò ra trò”, mà còn yêu cầu "hiệu trưởng phải ra hiệu trưởng". Như các vị hiệu trưởng nên trên, có xứng đáng là hiệu trưởng?

Việc để xảy ra những vấn đề gây bức xúc cho xã hội, hình ảnh xấu về người thầy, dư luận mất niềm tin với ngành giáo dục..., lỗi phần lớn là ở hiệu trưởng, bởi hiệu trưởng là người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng trường học kỷ cương, tình thương, trách nhiệm và cả chất lượng dạy và học.

Đã có nhiều thông tư, quy định, sao vẫn vi phạm?

Từ năm 2008, Bộ GD-ĐT đã ban hành "Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên". Ngày 06/12/2018, Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành Công văn 5553/BGDĐT-NGCBQLGĐ về việc đôn đốc thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo. Công văn yêu cầu các sở GD-ĐT triển khai ngay việc quán triệt cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động Chỉ thị về việc tăng cường quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo; quy định về đạo đức nhà giáo; các quy tắc ứng xử, quy chế làm việc của cơ quan đơn vị. Ngày 14/4/2023, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan, quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm... trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Về chống lạm thu, hiện nay Bộ GD-ĐT cũng vừa công bố dự thảo thông tư quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân để thay thế Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT, trong đó có yêu cầu quan trọng với các trường học là công khai thông tin để góp phần chống lạm thu trong trường học. Việc chống lạm thu trong trường học, rộng hơn là phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục thực ra đã được quy định bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Phải nói là Bộ GD-ĐT đã rất quan tâm đến vấn đề đạo đức nhà giáo, các quy tắc ứng xử của nhà trường, giáo viên... nhưng xã hội lại càng xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến đạo đức nhà giáo, kể cả các hiệu trưởng. Việc lạm thu trong trường học cũng tương tự, hết Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT, HĐND các địa phương cũng có ban hành nghị quyết về các khoản thu chi đầu năm học nhưng lạm thu ngày càng bùng phát. Để lý giải hai vấn nạn này của ngành giáo dục, nhiều người nghĩ đến việc ngân sách dành cho giáo dục vẫn còn thấp nên xảy ra lạm thu (?). Thế còn vấn đề đạo đức người thầy, vì sao có những hiện tượng xuống cấp như vậy? Đó là những vấn đề nóng mà Bộ GD-ĐT phải giải quyết khi còn có thể để lấy lại uy tín cho ngành mình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang