Ảnh hưởng bão số 6:

Gần 23.000 nhà dân bị ngập và 1 người tử vong do mưa lũ

Thứ Ba, 29/10/2024 12:59

|

(CATP) Do ảnh hưởng của bão Trami, từ 0 giờ ngày 26/10 đến 28/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa vừa, mưa to và mưa rất to khiến cho 22.931 nhà dân bị ngập lụt, gần 57 thôn, bản và nhiều điểm giao thông bị chia cắt. Mưa lũ cũng khiến 3 tàu cá bị chìm, hàng trăm hecta hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại.

Thiệt hại nặng nề do mưa lũ

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, tính đến 10 giờ 30 ngày 28/10, mưa lớn đã khiến hơn 22.931 hộ dân tại tỉnh Quảng Bình bị ngập lụt, chia cắt. Trong đó, H.Lệ Thủy có 5 bản bị chia cắt khiến người và phương tiện không qua lại được, 12.361 nhà dân bị ngập sâu. Nặng nhất là xã Liên Thủy có 2.000 nhà, thị trấn Kiến Giang có 1.800 nhà, xã Phong Thủy có 1.800 nhà, xã An Thủy có 1.000 nhà, xã Xuân Thủy có 700 nhà, xã Lộc Thủy có 600 nhà và xã Trường Thủy có 494 nhà.

Tương tự, tính đến 15 giờ ngày 28/10, H.Quảng Ninh có 10.200 nhà dân ở 52 thôn, bản bị ngập trong lũ; hơn 885 hộ dân với hơn 2.400 nhân khẩu phải di dời đến nơi an toàn. Lực lượng chức năng H.Quảng Ninh đã di dời 1.015 hộ dân với 2.307 nhân khẩu bị ngập sâu đến khu vực an toàn. Còn tại TP.Đồng Hới 370 nhà bị ngập.

Ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình có mặt tại các điểm xung yếu để chỉ đạo công tác phòng, chống lũ

Toàn tỉnh Quảng Bình có 70 điểm trên các tuyến đường giao thông bị ngập. Trong đó, QL1A 5 điểm, QL9B 3 điểm, QL9C 1 điểm, QL9E 1 điểm, QL15 1 điểm, đường mòn HCM 1 điểm, đường tỉnh 57 điểm và Sở giao thông 7 điểm. Theo thống kê, toàn tỉnh có 10 điểm sạt lở, trong đó H.Bố Trạch 3 điểm, H.Lệ Thủy 3 điểm, QL9B 2 điểm, QL9C 1 điểm và thị xã Ba Đồn 1 điểm. Mưa lũ cũng khiến 3 tàu cá gồm: QB 17186 TS của ông Tô Hồng Bắc (SN 1972, trú thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới), tàu QB 11612 TS của anh Lê Xuân Tiến (SN 1978, trú thôn Tây Phú, xã Quang Phú, TP.Đồng Hới), tàu QB 11567 của ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1952, trú tổ dân phố 7, P.Hải Thành, TP.Đồng Hới) bị nhấn chìm khi đang neo đậu. Rất may, vào thời điểm trên không có người. Về nông nghiệp, H.Lệ Thủy có 374ha hoa, 100ha nuôi cá, TP.Đồng Hới có 61ha hoa màu, 300ha nuôi cá nước ngọt và mặn lợ, 82 lồng bè bị thiệt hại...

Để kịp thời ứng phó với tình hình mưa lũ diễn ra phức tạp, tính đến 6 giờ sáng 28/10, H.Lệ Thủy đã tổ chức di dời 89 hộ dân với 333 nhân khẩu vùng ngập lụt tại các xã Kim Thủy, Lâm Thủy và Thái Thủy đến nơi an toàn. Ngoài ra, nhiều hộ dân khác ở các xã, thị trấn vùng thấp trũng cũng được di dời đến các nhà kiên cố, cao tầng. H.Bố Trạch cũng chủ động di dời 12 hộ dân với 53 nhân khẩu ở vùng ngập lụt tại thôn Thanh Bình (xã Hưng Trạch) và H.Quảng Ninh di dời 50 hộ dân với 160 nhân khẩu ở các xã ngập lụt đến khu vực an toàn.

Một điểm giao thông ở H.Lệ Thủy bị nước lũ chia cắt

Sáng 28/10, ông Lê Văn Thuận - Chủ tịch UBND xã Thái Thủy (H.Lệ Thủy) cho biết, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể anh Lê Ngọc Hơn (SN 2002, trú thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy), thành viên tổ xung kích phòng, chống thiên tai thôn Thanh Sơn sau nhiều giờ bị lũ cuốn trôi mất tích.

Trước đó, ngày 27/10, anh Lê Ngọc Hơn khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại khu vực hạ lưu đập Thanh Sơn thì không may bị lũ cuốn trôi mất tích. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã nổ lực tổ chức tìm kiếm và đến 7 giờ 25 sáng 28/10 thì tìm thấy thi thể anh Hơn cách vị trí bị nạn 300m.

Chính quyền địa phương và công an ra sức ứng phó

Ngay từ ngày 27/10, nhận định khi bão Trami vào đất liền, diễn biến mưa lũ sẽ phức tạp, Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo lực lượng có mặt tại các điểm xung yếu để kịp thời lên phương án ứng phó. Đại tá Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng có mặt tại các tuyến đường giao thông, ngầm tràn và các điểm nguy cơ sạt lở túc trực, cắm biển cảnh báo và hướng dẫn giao thông cho người dân đi lại an toàn. Tại những vùng thấp trũng, lực lượng Công an địa phương cơ sở chủ động hỗ trợ người dân kê cao đồ đạc, di dời người và tài sản từ vùng nguy hiểm đến nơi cao ráo, an toàn. Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình quán triệt, các đơn vị địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác giúp dân ứng phó với mưa lũ.

Công an di dời người dân và tài sản ở khu vực ngập lụt đến nơi an toàn

Sáng 28/10, ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình đã đi kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại H.Lệ Thủy. Có mặt tại những điểm ngập lụt, ông Trần Thắng thăm hỏi, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, huy động cán bộ, chiến sĩ ứng trực để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân. Để đảm bảo an toàn, lực lượng tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo và chốt chặn tại các khu vực, tuyến đường ngập lụt, tuyệt đối không cho người và phương tiện di chuyển vào các khu vực trên.

Nhiều tuyến giao thông ở Quảng Trị tan hoang khi lũ dần rút

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cũng đã có buổi làm việc với chính quyền H.Lệ Thủy và xã Mai Thủy về công tác ứng phó với mưa lũ trên địa bàn. Theo báo cáo của UBND xã Mai Thủy, trong ngày 27 và 28/10, trên địa bàn xã Mai Thủy có mưa lớn, mực nước dâng cao khiến 60 hộ dân bị ngập sâu hơn 1m. Chính quyền địa phương đã tiến hành di dời 35 hộ với hơn 100 nhân khẩu đến nơi an toàn. Tuy nhiên, do mực nước lên quá nhanh, tốc độ nước chảy xiết nên lực lượng, phương tiện của xã không tiếp cận được khu vực ngập lụt, vì vậy, xã Mai Thủy đã báo cáo với H.Lệ Thủy kịp thời tăng cường, huy động thêm lực lượng để ứng phó, bảo đảm di dời người dân đến nơi an toàn.

Một đoạn đường ở H.Lệ Thủy bị sạt lở do mưa lũ
Nước lũ khiến nhiều địa phương ở H.Quảng Ninh bị ngập

Tại buổi làm việc, ông Trần Thắng lưu ý, tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, chính quyền địa phương cần tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết để chủ động các phương án ứng phó với phương châm "4 tại chỗ" và an toàn của người dân phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, cần lưu ý các biện pháp bảo đảm an toàn sau mưa lũ, không để người dân có tâm lý chủ quan dẫn đến thiệt hại không đáng có. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần khẩn trương rà soát, nắm bắt điều kiện sinh hoạt, ăn ở của các gia đình bị ngập lụt để có phương án hỗ trợ kịp thời, bảo đảm đời sống cho nhân dân. Ngoài ra, H.Lệ Thủy cũng cần chú trọng công tác bảo đảm an toàn hồ đập và các tuyến đê kè xung yếu trên địa bàn.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ghi nhận, biểu dương tinh thần xung kích của anh Lê Ngọc Hơn, thành viên tổ xung kích phòng, chống thiên tai thôn Thanh Sơn không may bị lũ cuốn trôi trong lúc làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ; đồng thời chia sẻ nỗi đau với thân nhân, gia đình và mong muốn, gia đình nỗ lực sớm vượt qua đau thương, mất mát để ổn định cuộc sống

Bình luận (0)

Lên đầu trang