(CATP) Cứ vào thời điểm đầu vụ thu hoạch, bà con nông dân ở tỉnh Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung lại sốt ruột vì nạn trộm cắp cà phê. Dù người dân đã tích cực đề phòng cảnh giác, nhưng kẻ gian luôn tìm cách lợi dụng sơ hở để "hớt tay trên" ngay tại vườn của gia chủ.
Ông Huỳnh Hữu Quý (nông dân trồng cà phê tại tổ 5, P.Yên Thế, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) nghẹn ngào khi đứng giữa những hàng cà phê vừa bị trộm vặt trụi: "Vụ này, để đề phòng mất trộm, tôi lấy thép gai vây quanh cho hơn 9 sào cà phê. Ngày nào tôi cũng đảo qua rẫy để canh, chỉ có một hôm do gia đình có việc không ra được, mà sáng ra đã thành ra thế này".
Ông Quý cho biết thêm, rẫy của ông bị kẻ trộm hái khoảng 40 cây cà phê, có những cây bị vặt trụi, thiệt hại khoảng 300kg. Khoảng một tháng nữa, rẫy cà phê của ông mới cho thu hoạch. Để phòng từ đây tới đó, ông đã thuê thêm một lao động canh vườn vào mỗi buổi tối với giá 5 triệu đồng/tháng. Còn ban ngày, ông Quý trực tiếp canh rẫy của mình.
Ông Huỳnh Hữu Quý bên cây cà phê vừa bị trộm
Cùng chung cảnh ngộ và tâm trạng như anh ông Quý, còn có nhiều hộ dân tại khu vực xung quanh cũng từng bị trộm "viếng". Mới đây nhất, ông Nguyễn Văn Minh có 2 héc-ta cà phê ở P.Yên Thế cũng bị mất trộm trong đêm. Dẫn chúng tôi vào rẫy cà phê, ông Minh chỉ tay về hướng những cây vừa bị trộm. "Các chú thấy đó, cà phê trái vẫn chưa chín tới mà trộm không chừa. Giờ để bảo vệ số diện tích còn lại, hàng đêm tôi thuê người ra canh chừng. Ngoài ra, tôi lắp thêm camera, dựng chòi, đốt lửa canh cà phê cả ngày lẫn đêm. Không chỉ mình tôi mà các rẫy xung quanh cũng đầu tư công phu cho chống trộm. Buổi tối, chủ các rẫy cà phê còn họp, cử người luân phiên đi tuần tra", ông Minh chia sẻ.
Tại huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai), cứ vào mùa thu hoạch cà phê, từ đầu làng đến cuối làng, nông dân lo bàn chuyện chống trộm. Năm nào cũng thế, tại huyện này cứ vào vụ thu hoạch là xảy ra mất trộm cà phê. Như vụ năm nay, giá cà phê lập đỉnh hơn 120.000 đồng/kg, công tác chống trộm càng được quan tâm hơn. Tuy nhiên, các vụ trộm cà phê vẫn liên tiếp xảy ra.
Làm hàng rào bảo vệ vườn cà phê
Ngày 20/10, bà Vũ Thị Tuyết (ngụ xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) bị kẻ trộm vào rẫy bẻ cành, hái trụi khoảng 30 cây cà phê. Nhiều cây bị bẻ cả thân, nhất là những cây sai quả. Dưới đất, quả rơi vãi, cành và lá nằm la liệt. Vừa thu dọn hậu quả của vụ trộm, và bà Tuyết bộc bạch: "Thiệt hại nặng nhất vẫn là các cây bị bẻ cả cành, trụi cả lá. Với những cây này, 2 vụ sau phải chăm sóc kỹ cho cây phục hồi. Hai vụ liên tiếp, các cây này sẽ không cho thu hoạch".
Để chống lại nạn hái trộm cà phê, các hộ dân tại tỉnh Gia Lai đối phó theo khả năng của mình. Nhiều hộ phải đem chăn màn ra rẫy dựng lều, đốt lửa canh trộm. Có hộ còn đầu tư hàng rào kẽm gai, kéo điện về thắp sáng để túc trực canh rẫy suốt ngày đêm. Có nhà còn nuôi thật nhiều chó để cùng chủ canh kẻ trộm.
Hệ thống camera giám sát được lắp xung quanh vườn
Ông Vũ Mạnh Định - Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ - cho biết, huyện đã chỉ đạo cơ quan Công an vào cuộc điều tra các vụ hái trộm cà phê xảy ra trên địa bàn. Ngoài khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, huyện cũng giao cơ quan Công an xã tiến hành làm việc với các cơ sở thu mua nông sản cam kết không mua những nông sản không nguồn gốc.
Bước vào vụ thu hoạch cà phê, Công an tỉnh Gia Lai cũng đưa ra khuyến cáo: Người dân thường xuyên kiểm tra vườn, rẫy, nhất là vào ban đêm; nên liên kết các hộ dân có vườn, rẫy gần nhau để phân công, bố trí luân phiên tuần tra, bảo vệ. Khi phát hiện các trường hợp lạ mặt, vãng lai, nghi vấn trộm cắp trên địa bàn, kịp thời báo cho lực lượng Công an nơi gần nhất để có biện pháp theo dõi, phòng ngừa. Đồng thời, người dân chủ động phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu để lực lượng chức năng điều tra, xử lý các vụ trộm cắp nông sản xảy ra.