Chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia:

Giá mà câu hỏi và cố vấn chuẩn hơn!

Thứ Ba, 10/10/2023 11:07

|

(CATP) Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 23 đã kết thúc. Cả 4 thí sinh đều rất thông minh, rất sắc sảo; đặc biệt đáng khen ngợi là các em đã mạnh dạn tranh biện tại chỗ. Sẽ tuyệt vời hơn nếu không để lại vài “hạt sạn” tiếng Việt từ... câu hỏi và các cố vấn.

1) Trong phần về đích, câu hỏi dành cho Trọng Thành là: “Thủy tinh lỏng được dùng để chế tạo keo dán thủy tinh, sứ và nhiều ứng dụng khác. Bạn hãy cho biết thủy tinh lỏng là dung dịch đậm đặc của hai hợp chất nào (nêu công thức phân tử)?” [Đây là câu mệnh lệnh “Bạn hãy cho biết...”, đặt dấu hỏi cuối câu là không chuẩn]. Thế là nổ ra cuộc tranh luận giữa thí sinh với MC - đáp án và cả cố vấn về cái dấu ngoặc đơn và phần từ ngữ đứng trong đó.

Trọng Thành: - Natri Silicat và Kali Silicat.

MC không chấp nhận câu trả lời này: “Trong câu hỏi có nêu rõ là nêu công thức phân tử nên câu trả lời đó không phải là công thức phân tử” và MC cho các thí sinh còn lại được quyền trả lời. Việt Thành: Na2SiO3 và K2SiO3. Trọng Thành tranh biện tại chỗ: “Công thức phân tử được đặt trong dấu ngoặc đơn nên có thể nêu hoặc không. Bởi vì câu hỏi chỉ là yêu cầu tụi em chỉ ra là hai hợp chất nào nên em đọc tên chất". Câu của Trọng Thành được Ban cố vấn chấp nhận. Ngay tức thì, Việt Thành tranh biện rằng nếu nêu cả tên và công thức thì không cần chú thích ngoặc đơn làm gì và đã có chú thích thì phải nêu đúng công thức phân tử. Chàng trai Trường Sóc Sơn này cũng đúng: Không cần cái dấu ngoặc đơn.

4 thí sinh nhận giải thưởng sau trận chung kết

Nếu Ban cố vấn muốn thí sinh trả lời cả công thức phân tử thì phải bỏ ngoặc đơn: “Bạn hãy cho biết thủy tinh lỏng là dung dịch đậm đặc của hai hợp chất có công thức phân tử như thế nào”.

Trong tiếng Việt, từ ngữ đứng trong ngoặc đơn để chỉ phần được dùng để bình luận, giải thích, chú thích cho thành phần khác đứng trước nó thêm rõ nghĩa. Bỏ phần này đi câu vẫn đúng. Ví dụ:

(1) Nhà đã đông: hai cán bộ giảng dạy trường đại học bách khoa (đồng nghiệp), một kĩ sư vô tuyến điện (bạn thanh khí từ thuở học phổ thông)... và một sinh viên năm thứ tư (học trò yêu) cùng người bạn gái (không rõ nghề gì) thơm phức và cực kì xinh đẹp. (PTH)

(2) Cô gái nhà bên (có ai ngờ)/[Cũng vào du kích/Khi gặp tôi vẫn cười khúc khích]/ Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!) (Quê hương, Giang Nam).

Rõ ràng người ra câu hỏi trên đã dùng sai dấu ngoặc đơn.

2) Trong phần về đích của thí sinh Minh Triết có câu hỏi: ["Trong bài thơ Kính gửi cụ Nguyễn Du, nhà thơ Tố Hữu viết: "Biết ai hậu thế, khóc cùng Tố Như?/Mai sau, dù có bao giờ... / Câu thơ thuở trước, đâu ngờ hôm nay!"] "Câu thơ thuở trước" mà tác giả nói đến là hai câu thơ nào và trong bài thơ nào của Nguyễn Du?".

Minh Triết nhường hai ứng viên vô địch trả lời.

Xuân Mạnh: "Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/Người đời ai khóc Tố Như chăng?". Câu này trích trong "Độc Tiểu Thanh Ký". Đáp án được MC chấp nhận. Trọng Thành lập tức giơ tay phản biện: Đề thi hỏi câu thơ nào của Nguyễn Du thì phải đọc câu thơ nguyên tác, không thể đọc câu thơ bản dịch vì có rất nhiều bản dịch khác nhau.

PGS.TS cố vấn HVM gạt ý kiến của Trọng Thành: "Đáp án mà Ban cố vấn đã đưa ra và đã duyệt là có thể trả lời một trong hai cách là đọc nguyên văn phiên bản tiếng Hán hoặc bản dịch nghĩa". Và Xuân Mạnh - chàng trai Thanh Hóa - ẵm giải nhất 50.000 USD.

Xin bàn đôi điều về chuyện này.

Trong Di chúc, Bác Hồ viết: “Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc thời nhà Đường, có câu rằng “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”- nghĩa là Người thọ bảy mươi xưa nay hiếm”. Vậy thì Nhân sinh thất thập cổ lai hy là câu gốc duy nhất của Đỗ Phủ, còn Người thọ bảy mươi xưa nay hiếm là câu do Bác Hồ dịch đồng nghĩa (paraphrase) với câu gốc, chứ không phải câu thơ của Đỗ Phủ. Tương tự, chỉ có "Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như" là câu gốc, những câu còn lại được những người khác dịch đồng nghĩa (paraphrase) với câu gốc chứ không phải là câu của Nguyễn Du. Vả lại, trong tiếng Việt khi dùng từ nào để hỏi về một đối tượng là đã đòi hỏi đối tượng đó xác định trong câu trả lời. Trọng Thành nói đúng chứ không phải PGS.TS cố vấn.

Thứ hai, lý lẽ của PGS.TS cố vấn là loại lý lẽ quyền uy. Loại lý lẽ này được khái quát như sau: Trên đã nói, tất đúng. “Đáp án mà Ban cố vấn đã đưa ra và đã duyệt có thể trả lời một trong hai cách” tất đúng. Loại lập luận bóp nghẹt tư duy.

Bình luận (0)

Lên đầu trang