Bán tràn lan
Mua bán quân tư trang của lực lượng vũ trang thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quản lý chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật. Tuy nhiên hiện nay việc buôn bán mặt hàng này diễn ra khá công khai. Khảo sát trên nhiều tuyến đường tại TPHCM, chúng tôi không khó để hỏi mua quân, tư trang, phù hiệu... của lực lượng vũ trang.
Ghé vào một cửa hàng bán quần áo trên vỉa hè Quốc lộ 1A thuộc P.Đông Hưng Thuận (mới) hỏi mua trang phục bộ đội, chúng tôi được người bán cho biết: "Quần, áo có giá 120.000 đồng/cái, một bộ là 230.000 đồng, đủ size".

Quân tư trang được bán tràn lan trên mạng
Cách đó khoảng 300m, một cửa hàng thời trang cũng bán nhiều trang phục bộ đội như: quần, áo thun; quần, áo dài tay, áo rằn ri, ba lô với giá bán lẻ 120.000 đồng/cái, một bộ 240.000 đồng. Lật cổ áo ra, chúng tôi thấy có ghi "Tổng cục Hậu cần, Cục Quân nhu". Tuy nhiên, theo người bán, loại này là hàng nhái. Loại đúng chuẩn quân nhu, giá 400.000 đồng/bộ.
Tại hàng cây trước Công ty TNHH TM SX Phát Thành (P.Đông Hưng Thuận) có một điểm bày bán khá nhiều trang phục, phụ kiện dành cho bộ đội. Hàng chục bộ trang phục gồm: quần, áo lính dài tay; quần, áo thun, đồ rằn ri, ba lô, thắt lưng... được treo trên 3-4 chiếc sào chờ khách mua. Phía sau là chiếc xe tải nhỏ chứa hàng chục bộ trang phục bộ đội được xếp ngay ngắn. Người bán hàng cho biết, quần, áo bán lẻ từ 130.000 - 150.000 đồng/cái, cả bộ 250.000 đồng.
Tại đường Trường Chinh thuộc P.Tây Thạnh (mới), việc kinh doanh quần áo bộ đội cũng diễn ra công khai. Một người bán quần, áo vỉa hè ở ngã ba Trường Chinh - Phan Huy Ích cho biết, quần, áo lính có giá 150.000 đồng/cái, loại rẻ hơn thì 180.000 đồng/bộ. Ngoài quần, áo, người này còn bán nhiều loại ba lô, thắt lưng bộ đội.
Cách đó hơn 100m, một cửa hàng bán quần, áo bộ đội với nhiều mẫu mã đa dạng. Loại thường có giá 330.000 đồng/bộ, bán lẻ 170.000 đồng/cái, đủ size, đủ loại. Ngoài một số quần, áo lính đang được trưng bày, chủ cửa hàng cho biết còn bán quần, áo, giày, dép, thắt lưng dành cho sĩ quan, hàng chuẩn quân nhu. Đối với cầu vai, mũ kêpi phải đặt trước. Lấy nhiều được giảm giá.
Liên hệ với số điện thoại 0389891xxx chuyên bán trang phục bộ đội, chúng tôi được chủ cửa hàng cho biết, quần, áo loại thường có giá 250.000 đồng/bộ, có màu lính, rằn ri; hàng xịn là 550.000/bộ, chuẩn quân nhu. Ngoài bán quần áo lính, người này còn nhận đặt bán quần, áo, mũ nón, giày, thắt lưng, ve áo, cầu vai sĩ quan theo quân hàm, riêng bảng tên thì... hên xui. Khách có nhu cầu thì kết bạn zalo, cửa hàng sẽ gửi mẫu để lựa chọn.

Trang phục bộ đội được bày bán công khai trên Quốc lộ 1A
Không chỉ bày bán công khai ở ngoài đường, quân tư trang quân đội còn được bày bán tràn lan trên mạng. Vào trang Facebook "shop quân đội - đồ lính Việt", không khó để bắt gặp đủ loại quân tư trang, từ khẩu trang, cúc áo, găng tay, cà vạt, thắt lưng, giày, dép, quần, áo, ba lô, mũ nón, cho đến cầu vai, bảng tên, huy hiệu, huân chương, lễ phục... được quảng cáo xôm tụ, từ hàng nhái đến hàng xịn, từ cấp lính đến cấp tướng, đủ size, đủ loại đều có.
Trang Facebook có tên "Minh Hằng QN" bán bộ quân phục K24 nữ nặng từ 50 - 55kg, giá 650k (650.000 đồng); quần Cựu chiến binh K08 đủ size, 200k/chiếc, miễn phí ship; giày bót quân đội, 330k/đôi; giày sĩ quan nữ, 250k/đôi; ve áo pháo binh, 50k/cặp; thắt lưng sĩ quan cấp tướng X32, 120k/chiếc, sao trên mũ kêpi 100k/cặp, miễn phí ship...
Trang Facebook "Thời trang lính" bán áo măng-tô sỹ quan K08, giá 680k/chiếc; mũ dân quân, 199k/chiếc, giảm 50k so với giá gốc. Mua nhiều được giảm giá, ship hàng miễn phí tận nơi, kèm theo số điện thoại liên hệ 0989903xxx. Ngoài bán mũ nón, giày dép, thắt lưng, trang phục quân đội, trang facebook này còn bán rất nhiều huân, huy chương, huy hiệu các loại.
Liên hệ với số điện thoại 0983257xxx đăng trên tài khoản Facebook "Tailong Tailong" hỏi mua bộ lễ phục K24 chuẩn quân nhu, chúng tôi được báo giá quần và áo có giá 850.000 đồng, mũ kêpi 450.000 đồng, miễn phí ship.
Tương tự, liên hệ với số điện thoại 0357592xxx của tài khoản Facebook "Thương quân nhu" hỏi mua bộ quân phục K08 mùa đông, hàng chuẩn, chúng tôi được người bán cho biết, nếu lấy hàng cấp phát chuẩn quân nhu, giá 750.000 đồng/bộ, hàng không cấp phát, giá chỉ 600.000 đồng/bộ, miễn phí ship.
Ngoài các tài khoản facebook này, trên cõi mạng còn có hàng trăm tài khoản khác bán tràn lan các loại quân tư trang với giá khá "mềm".
Hệ lụy khôn lường
Việc quân tư trang của các lực lượng trong quân đội được bán tràn lan đã tiềm ẩn nhiều hiểm họa khôn lường. Năm 2024, cả nước xảy ra nhiều vụ giả danh cán bộ quân đội, trong đó có nhiều đối tượng thực hiện hành vi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chiều 18/7/2024, trong lúc làm nhiệm vụ tại cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (cũ), Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Sa Kỳ phát hiện nhóm đối tượng gồm 4 người đi xe biển số xanh 80A-018..., di chuyển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, sau đó ra huyện đảo Lý Sơn, trong đó có hai người mặc sắc phục quân đội. Nhận thấy nhóm đối tượng có biểu hiện bất thường, sáng 19/7, khi họ trở lại cảng Sa Kỳ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với lực lượng Công an tiến hành kiểm tra hành chính thì phát hiện một đối tượng mặc sắc phục quân đội, đeo quân hàm thượng tướng là Bùi Đức Thăng (SN 1966, trú ở P.Đội Cấn, Q.Ba Đình cũ, Hà Nội). Thăng tự xưng công tác ở "Tổ công tác đặc biệt...", là "đặc phái viên đặc biệt...".

Đối tượng Bùi Đức Thăng giả danh sĩ quan quân đội
Đối tượng thứ 2 mặc sắc phục cùng loại với Thăng, đeo quân hàm đại tá, tên Nguyễn Ngọc Thuần (SN 1975, trú P.Xuân Định, Q.Bắc Từ Liêm cũ, Hà Nội), tự xưng là "trợ lý cho Thượng tướng Thăng"...
Đối tượng thứ 3 khai là cận vệ của đoàn, tên Nguyễn Thanh Tùng (SN 2001, trú ở TT.Hà Trung, huyện Hà Trung cũ, tỉnh Thanh Hóa). Đối tượng còn lại là Lê Kim Bình (SN 1961, trú ở P.Cổ Nhuế 2, Q.Bắc Từ Liêm cũ, Hà Nội) tự xưng "Thiếu tướng Công an" đã nghỉ hưu.
Các đối tượng khai nhận, quân phục, quân hàm tướng, tá và chức tước đều là giả. Kiểm tra hành lý của nhóm đối tượng, lực lượng chức năng phát hiện trong hành lý và trên người họ có nhiều tiền mặt mệnh giá 500 nghìn đồng (ước khoảng 197 triệu đồng), 3.802 USD, bì thư in tên Thượng tướng, GS.TS khoa học Bùi Đức Thăng - Biệt phái viên đặc biệt cấp cao và nhiều đồ vật, tài liệu, các loại giấy tờ tùy thân khác... Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ngãi và các cơ quan chức năng tiếp tục xác minh, làm rõ.
Ngày 02/7/2024, Công an huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang (cũ) tạm giữ đối tượng Nguyễn Phương Tùng (SN 1966, ngụ xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre cũ). Qua xác minh, cơ quan chức năng nhận thấy Nguyễn Phương Tùng thường xuyên mặc quân phục với quân hàm đại tá, tự xưng là Trưởng phòng Quân báo thuộc Tổng cục II (Bộ Quốc phòng) thường trú tại Tiền Giang và tự nhận có khả năng xin học, xin việc làm, chạy dự án... nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Công an huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang (cũ) tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ hành vi mạo danh cán bộ quân đội, có dấu hiệu lừa đảo của đối tượng này và kêu gọi ai là nạn nhân thì nhanh chóng liên hệ với cơ quan Công an để phục vụ công tác điều tra.
Được biết, trong năm 2024, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang (cũ) ghi nhận trên địa bàn tỉnh xảy ra 25 vụ giả danh, mạo danh cán bộ, đơn vị Quân đội nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; trong đó, có 8 vụ đối tượng thực hiện thành công, tổng thiệt hại tài sản của người dân với số tiền 826 triệu đồng.
Tương tự, sáng 07/5/2024, tại quán cà phê trên địa bàn phường 7, Công an TP.Tuy Hòa và Bộ CHQS tỉnh Phú Yên (cũ) phối hợp bắt quả tang Nguyễn Văn Dũng (SN 2001, trú tại TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cũ) có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 15 triệu đồng của một người dân trên địa bàn xã An Phú.
Dũng mặc quân phục quân đội, cấp hàm Trung úy, tự giới thiệu mình là Trợ lý quân lực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Sau khi nhận tiền, Dũng hứa sẽ làm hồ sơ chuyển con trai của người này (đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại tỉnh Quảng Nam) về thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Phú Yên.
Dũng khai, bản thân từng tham gia nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương tháng 01/2023. Do chưa có công việc ổn định, Dũng nảy sinh ý định giả danh sỹ quan Quân đội để lừa đảo. Với thủ đoạn tương tự, từ tháng 11/2023 đến khi bị bắt, Dũng đã thực hiện trót lọt 7 vụ lừa đảo, chiếm đoạt 119 triệu đồng.
Để ngăn chặn tình trạng mạo danh quân nhân để lừa đảo, người dân, doanh nghiệp khi nhận được cuộc gọi từ người tự xưng quân nhân để trao đổi thông tin, đặt mua hàng hóa... cần xác minh kỹ trước khi giao dịch. Thấy nghi vấn, người dân, doanh nghiệp cần báo cho cơ quan quân sự, Công an gần nhất để được giải quyết.