Hết lòng với những bệnh nhân đặc biệt

Thứ Tư, 13/05/2015 08:18  | 

|

(CATP) Làm thầy thuốc chăm sóc và chữa bệnh cho một con người bình thường đã khó, với vai trò là một cán bộ quản lý những bệnh nhân có vấn đề về thần kinh lại càng gian nan gấp bội.

Ấm áp tình người tại trại phong Bến Sắn

Góc khuất của những phận người ở trại phong Bến Sắn

Tại Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần (37 Phú Châu, P.Tam Phú, Q.Thủ Đức), nhiều năm nay gần 200 cán bộ nhân viên, y bác sĩ vẫn ngày đêm hết lòng coi người bệnh như chính người thân của mình.

Đủ các loại bệnh

Vừa bước vào cổng trung tâm, chúng tôi đã gặp một số bệnh nhân chạy đến làm quen. Một thanh niên mặc chiếc áo thun xanh, mặt mũi khôi ngô bắt chuyện vui vẻ. Sau một hồi hỏi thăm, anh ta tự giới thiệu tên Lâm Cẩm Phùng (30 tuổi, nhà ở Q8), là bệnh nhân ở đây.

Suốt đoạn đường dài gần 200m dẫn vào các khu điều trị của trung tâm, chúng tôi còn bắt gặp nhiều người đứng ngồi hai bên đường, chủ động bắt chuyện với khách hoặc nở nụ cười thật tươi. Náo nhiệt nhất là khi qua một trại nữ có 5 - 6 bàn tay vẫy vẫy.

Bác sĩ (BS) Bùi Văn Xây - Giám đốc trung tâm - cho biết, những người được ra khỏi trại là bệnh nhân (BN) có sức khỏe tốt hơn, mắc bệnh nhẹ để phụ giúp nhân viên làm một số công việc như lãnh cơm, đổ rác, nhổ cỏ hay làm vệ sinh... Tuy ra ngoài, nhưng lúc nào cũng có nhân viên quản lý và theo dõi họ. Theo BS Xây, đây là số rất nhỏ trong 1.300 bệnh nhân đang được điều trị tại trung tâm.

Khi chúng tôi ghé qua trại E., cả trăm BN nam đứng lố nhố phơi nắng ngoài sân. Có người “nói chuyện” bằng ánh mắt, có người lại la hét hay nằm quằn quại giữa sân. Vài BN không chịu mặc quần áo đi lang thang với vẻ mặt đăm chiêu tư lự.

Nằm sâu cuối trung tâm, khoa H. đang điều trị những BN tâm thần mắc bệnh lao nên được cách ly với các khoa khác. Công việc này đòi hỏi nhân viên và thầy thuốc phải một lúc điều trị cả hai căn bệnh cho BN. Trong lúc thân nhân của người bệnh không dám bước chân vào thì tập thể nhân viên, y bác sĩ của khoa phải làm việc và túc trực 24/24 giờ trong ngày. Lần nào chúng tôi ghé vào đều có 4, 5 nhân viên.

Y sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa - cho biết: “Năm nay số lượng BN lên đến 260 người, nhưng toàn khoa chỉ có 20 cán bộ nhân viên phục vụ, nhiều đợt cao điểm làm không hết việc”.

Đúng như anh Tuấn đánh giá, trong lúc một nhân viên nữ ghi tên thân nhân vào danh sách thăm hỏi thì y sĩ Hưng - phó khoa H. phân loại thuốc để phát cho BN uống vào buổi chiều trước khi ăn cơm và cả trước khi đi ngủ. Hai nhân viên khác xuống trại gom quần áo của BN đưa đi giặt.

Âm thầm chịu đựng

Là người gắn bó gần 20 năm tại trung tâm, BS Lương Thị Phượng - Trưởng phòng y tế - cho biết có biết bao câu chuyện vui buồn khi điều trị cho các BN nơi đây: “Lúc khỏe, họ là những con người bình thường, nói gì nghe nấy. Nhưng bệnh tật quay trở lại thì họ có thể làm bất cứ điều gì, kể cả chửi bới và đánh đấm những người từng chăm sóc họ”. BS Phượng nhớ nhất chuyện bị một BN bất ngờ tạt cả tô cà-ri vào người.

Bệnh nhân nhổ cỏ, làm vệ sinh trong khuôn viên trung tâm

Đối với BS Nguyễn Văn Đảng - Phó phòng y tế, vất vả nhất là mỗi lần chích thuốc cho người bệnh, đôi khi anh còn bị chửi bới và hăm dọa đánh... Cũng như BS Đảng, y sĩ Thăng, y sĩ Nguyễn Văn Nam (khoa A), dù là một thầy thuốc mới ra trường, nhưng đã bất chấp mọi khó khăn đã tình nguyện vào đây công tác.

Bác sĩ Xây cho biết: “Phần lớn BN sống lang thang vô gia cư, qua nhiều đợt tập trung con số này tăng lên, trong khi cơ sở vật chất vẫn còn nhiều khó khăn, số lượng cán bộ vẫn thiếu. Tết vừa rồi, mỗi BN được mừng tuổi 20 ngàn đồng thì số tiền cũng đã lên đến 26 triệu”.

Không đợi đến lúc có kinh phí mới cơi nới, sửa sang trung tâm mà trong thời gian qua, Ban giám đốc đã tìm cách cải tạo đường đi, nhà cửa bằng chính bàn tay của cán bộ nhân viên trong đơn vị.

Những con đường dù được lát bằng gạch cũ tận dụng, nhưng cũng tạo nên lối đi sạch sẽ. Nhiều phòng tiếp khách của các khoa được nới rộng bằng kinh phí đóng góp và ủng hộ của thân nhân.

Bác sĩ Xây cho biết thêm, thời gian qua có rất nhiều tổ chức, đoàn hội đến thăm hỏi tặng quà cho các BN. Xúc động nhất là nhiều bạn trẻ tình nguyện đến đây hàng tháng để cắt tóc, tắm rửa, làm vệ sinh thân thể cho người bệnh.

Đó cũng chính là nguồn động viên từ phía cộng đồng để đội ngũ cán bộ nhân viên trung tâm có thêm sức mạnh và niềm tin, để gắn bó lâu dài với những bệnh nhân nửa mê nửa tỉnh.

Chu Lễ

Bình luận (0)

Lên đầu trang