Ý kiến người dân Sài Gòn về việc tăng giá nước
TP.HCM: Sawaco muốn tăng giá nước 10,5% mỗi năm
ĐẦU THỪA, ĐUÔI THIẾU
Tính đến cuối năm 2014, tổng số hộ dân được cấp nước sạch là 1.529.811 hộ, đạt tỷ lệ hơn 82%, tổng số hộ dân chưa được cung cấp nước sạch là 317.146 hộ (khu vực đô thị 76.861 hộ, khu vực nông thôn 240.285 hộ). Các khu vực mà người dân chưa có nước sạch tập trung tại 15 xã của các huyện Bình Chánh (78.046 hộ), 11 xã của huyện Hóc Môn (69.039 hộ) và 20 xã của huyện Củ Chi (93.200 hộ)...
Theo kế hoạch, năm 2015, thành phố sẽ hoàn thành việc cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh cho 1.935 hộ thuộc quận Gò Vấp, 748 hộ thuộc quận Tân Phú, 68.556 hộ thuộc quận 12, 19.345 hộ thuộc quận Bình Tân, 78.624 hộ thuộc huyện Bình Chánh và 69.852 hộ thuộc huyện Hóc Môn trước ngày 31-12.
Thành phố đang triển khai nhiều dự án cấp nước. Trên địa bàn thành phố, năng lực cung cấp nước sạch sẽ tăng gần 50% vào cuối năm nay, do có thêm 830.000m3 nước sạch mỗi ngày từ một số nhà máy nước mới được xây dựng và vận hành, tăng lên 2,57 triệu m3. Chẳng hạn, nhà máy nước sạch lớn sẽ vận hành trong năm nay gồm Nhà máy nước Thủ Đức 3 (300.000m3/ngày), Nhà máy nước Tân Hiệp 2 (300.000m3/ngày), Nhà máy nước Kênh Đông 2 (150.000m3/ngày)... Nguồn nước sạch này đáp ứng được nhu cầu của cư dân thành phố, nhưng tại một số vùng ven, mạng lưới cấp nước sạch vẫn chưa đến được với người dân.
Ông Huỳnh Công Hùng
Gần đây, xuất hiện thực trạng ở những khu vực dù có hệ thống mạng lưới đường ống nước sạch đi qua, đồng hồ nước vào tận nhà nhưng người dân vẫn không chịu xài. Địa bàn quận Bình Thạnh hiện có khoảng 500 hộ dân dùng nước giếng khoan dù đã có hệ thống nước sạch lắp đặt đi qua. Có thể giá nước cao người dân chưa chịu sử dụng, có sử dụng thì chỉ dùng để uống, còn nước giếng khoan dùng cho sinh hoạt, tưới cây...
Trong khi đó, ở các quận vùng ven, huyện ngoại thành hàng trăm ngàn hộ dân do không có hệ thống nước sạch nên phải xài nước giếng khoan có mùi hôi tanh, nhiễm phèn. Người dân ở đây rất mong chờ nguồn nước sạch để phục vụ sinh hoạt gia đình, nhưng do phát triển đường ống khu vực ngoại thành còn gặp một số vướng mắc nên ước mơ được xài nước sạch vẫn chưa thành.
Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), giá nước bình quân tại thành phố trong 5 năm tới sẽ tăng khoảng 10,5% mỗi năm. Giá nước bình quân đối với định mức sử dụng thấp nhất sẽ tăng từ mức hiện nay là 5.300 đồng/m3 lên 7.900 đồng/m3 (chưa thuế) vào năm 2019.
CẦN XÃ HỘI HÓA VIỆC CẤP NƯỚC SẠCH
Trao đổi với phóng viên Báo Công an TPHCM về công tác giám sát sử dụng nước sạch, ông Huỳnh Công Hùng - Ủy viên thường trực HĐNDTP - cho biết: ngay khi có Nghị quyết 28, UBNDTP chỉ đạo quyết liệt đối với sở ban ngành, quận huyện lập Ban chỉ đạo rà soát cấp nước sạch để rà soát, kiểm tra chất lượng nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước của các hộ dân trên địa bàn thành phố. Trong quá trình triển khai thực hiện, thành phố tập trung vào khu vực trọng điểm như Củ Chi.
Hết năm 2015 sẽ không còn cảnh mua nước sạch sử dụng?
Hiện nay, Củ Chi chưa có hệ thống nước máy, nay có nguồn nước của Nhà máy nước Kênh Đông 2. Do vậy phải tiến hành cải tạo nâng cấp hệ thống ống cấp nước cấp 2-3, lắp bồn chứa tập trung, đồng thời triển khai hệ thống nước lọc Nano (xử lý tích hợp nano-ciramic) nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân. Tuy nhiên phải đảm bảo chất lượng nước và giá phù hợp.
Bên cạnh đó, thành phố vừa chấp thuận cho Công ty Cổ phần hạ tầng nước Sài Gòn làm chủ đầu tư thực hiện Đề án xã hội hóa đầu tư phát triển, quản lý hệ thống cấp nước và phân phối nước sạch trên địa bàn huyện Củ Chi. Dự kiến, công ty này sẽ hoàn thành hệ thống cung cấp nước sạch (gắn đồng hồ riêng đến từng nhà dân), nước hợp vệ sinh cho 100% hộ dân trên địa bàn huyện vào cuối năm 2019.
Để phục vụ cho việc giám sát tại kỳ họp sắp tới, ba đoàn giám sát thực hiện từ nay đến 31-5, thường trực HĐNDTP sẽ làm việc với UBNDTP để nghe báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện chỉ tiêu phấn đấu 100% các hộ dân thành phố được sử dụng nước sạch hoặc nước hợp vệ sinh. Các nội dung giám sát tập trung vào số lượng hộ dân sử dụng nước, chất lượng, giá thành nước, những vấn đề quản lý sử dụng nước, chính sách hỗ trợ cho bà con.
Tuy chưa thể thực hiện chương trình 100% người dân được sử dụng nước sạch, nhưng tỷ lệ phải nâng lên, phải đảm bảo chất lượng nước chứ không thể để bà con sử dụng có mùi hôi tanh. Phải làm quyết liệt vấn đề này mới đảm bảo sức khỏe cho người dân. Về tiến độ thực hiện các dự án phát triển hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn thành phố, giá nước tăng phải có lộ trình, chứ không tăng đột ngột gây khó cho người dân. Ngoài ra, cần khuyến cáo bà con có nước sạch rồi thì không được khoan giếng để chống lún sụt mặt đất, giữ nguồn nước ngầm.
Qua giám sát tại kỳ họp, có thể thấy được nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc chấp hành nghị quyết của HĐND để khẳng định rằng nghị quyết hợp lòng dân. Việc xã hội hóa đầu tư nước sạch phục vụ người dân là hợp lý, thay đổi nếp nghĩ, thói quen về sử dụng nước sạch.
Lê Ngân