Đạo Dừa - huyền thoại và sự thật

Kỳ 5: Ám ảnh “đạo bất tạo con”

Chủ Nhật, 10/05/2015 03:40  | 

|

(CATP) Sau khi vận động hòa bình kiểu “Mười phần hết bảy còn ba. Hết hai còn một mới ra thái bình” chẳng được ai hưởng ứng, cậu Hai xóa bỏ đạo phái mình “nặn” ra, chuyển sang rao giảng “đạo bất tạo con” rồi tiếp tục đổi tên thành “đạo gia đình chung sống” vi phạm thuần phong mỹ tục.

Tham vọng chính trị với kiểu hành động, suy nghĩ chẳng giống ai theo lối “ăn trên ngồi trước” trong sự nhàn hạ nên dù đã vào tù ra trại, Hai Nam vẫn tiếp tục làm chuyện trái với luân thường đạo lý.

Kỳ 4: Xuất chiêu bằng tiền... âm phủ!

Kỳ 3: Đủ kiểu khuếch trương thân thế

Kỳ 2: Nặn ra Đạo Dừa

Kỳ 1: Hành trình tầm sư học đạo của cậu ấm nức tiếng ăn chơi

Phi thuyền Apollo cậu Hai dùng lên thiên đình “tiếp điển ơn trên”

NỖI LÒNG NGƯỜI TRONG CUỘC

Xấu hổ trước những việc làm tầm phào của cậu ruột nhưng vì sợ uy ông này, bà Diệu Ứng không dám cãi và còn cho biết thêm, trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, cậu Hai bảo mang cái chuông lên Sài Gòn rồi yêu cầu được gióng trên đài phát thanh để khi người dân cả nước nghe được là tức khắc sẽ có hòa bình (!).

Tham vọng làm chính trị bằng những hành động, ý nghĩ bất thường của ông Đạo Dừa vẫn chưa dừng lại, mặc dù ghế tổng thống đã có chủ. Thế là từ năm 1972 trở đi, Hai Nam tiếp tục kêu gọi tất cả thành phần tôn giáo, xã hội hòa hiệp dưới sự dẫn dắt của mình để thực hiện “vận động hòa bình”.

Theo đó, Hai Nam cho in ấn, phát tán hình ảnh lập dị như ảnh ông ngồi trên bệ rồng, trước mặt là cặp ngà voi và đôi sừng trâu với dòng chú giải “Thích Hòa Bình Nguyễn Thành Nam ngự Long Mã Tải Hà Đô”, kèm theo là những lời kêu gọi hết sức khôi hài: “Muốn có hòa bình thống nhất Việt Nam và Đông Dương tức khắc thì phải áp dụng Hiệp định Geneve năm 1954 theo kiểu mỏ neo Ba Lai của Nhơn Thiên Giáo chủ Thích Hòa Bình, tự là ông Đạo Dừa”...

Đang lúc Hai Nam “thêm một bớt hai” về sứ mệnh vương giả của mình với câu thiệu “Mười phần hết bảy còn ba. Hết hai còn một mới ra thái bình” thì chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng.

Đất nước thống nhất, phần lớn những người theo Đạo Dừa rời cồn Phụng về quê cũ làm ăn sinh sống. Riêng người “nặn” ra nó không chấp nhận thực tại mà vẫn ôm mộng tiếp tục “vận động hòa bình”.

Sau ngày giải phóng khoảng một tuần, lợi dụng tình hình chưa ổn định, ông Đạo Dừa cùng số đệ tử ruột lén lút chạy ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang) tìm cơ hội vượt biên. Trong thời gian tá túc tại đây, cậu Hai đã xóa bỏ đạo phái mình “nặn” ra và chuyển sang dạy tu “đạo bất tạo con”, vận động các đệ tử hiến con cái làm tín đồ.

Với nữ còn đồng trinh càng tốt trong việc “làm mẫu” để lôi kéo người khác tin theo, kiểu “nhất nam cửu nữ” trong trạng thái không mảnh vải che thân dưới sự giám sát của Hai Nam, nhưng ai phạm tội “ăn trái cấm” sẽ bị... phạt tù từ 10 năm đến tử hình (!).

SỰ THẬT PHƠI BÀY

Không chỉ bị xem là đối tượng tâm thần chính trị, Nguyễn Thành Nam còn có biểu hiện bệnh hoạn về tâm sinh lý. Nguyên do có lẽ bắt nguồn từ việc hai ông Huỳnh Văn H., Nguyễn Văn C. tiến cử cô Trần Thị Được (sau đổi tên là Trần Thị Phi) đến tu đạo ở chỗ cậu Hai giữa năm 1974.

Cô Phi biết hút thuốc, uống rượu bia, mặc quần áo đúng mốt nên tiếp tục lấy tên thường dùng cho ra vẻ đài các là “Phù Xuyên Phương Nữ” và được hai vị đỡ đầu trên “nổ” là người hồi hương từ Nhật Bổn. Phương Nữ gọi Hai Nam bằng “vương phụ”.

Không rõ Phương Nữ sắc nước hương trời ra sao nhưng rất được cậu Hai sủng ái, đòi bất cứ thứ gì, kể cả rượu, thịt... cũng được bổn đạo đáp ứng đầy đủ, ai cãi lời sẽ bị khiển trách nặng.

Ông Đạo Dừa định sống chung với Phù Xuyên Phương Nữ trên xà lan đầu rồng này

Bức xúc nhưng phản đối việc này không được, nhiều tín đồ Đạo Dừa lúc đó bắt đầu mâu thuẫn dẫn đến rạn nứt manh nha. Có lúc Hai Nam ra lệnh kéo xà lan tách khỏi cồn Phụng vì có người ngăn cản không cho ông được gần gũi Phương Nữ.

Sau ngày giải phóng, Phương Nữ có đến thăm cậu Hai một lần rồi bặt vô âm tín. Theo bà Diệu Ứng, ý đồ dạy tu “đạo bất tạo con” được các ông Đạo tận tình giúp sức. Vì vậy, có không ít bậc cha mẹ mê tín, thần tượng cậu Hai, sẵn sàng giao “núm ruột” cho ông ta dạy tu đạo này.

Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện, thu giữ nhiều tài liệu do ông Nam viết về đạo trái thuần phong mỹ tục trên với nội dung mang tính đồi trụy.

Biết được việc này, mẹ ông Nam nhiều lần phản đối, can ngăn nhưng nghịch tử bỏ ngoài tai. Có lần mẹ bà Diệu Ứng đến khuyên dừng ngay việc dạy đạo bất nhân này thì bị ông anh dùng gậy chân truyền bổ một cú chí mạng vào đầu nhưng bà tránh kịp làm cây gậy gãy làm đôi.

TIẾP TỤC GÂY RỐI

Sau 10 năm được giáo dục tại Trại cải tạo Kênh Năm ở huyện Vị Thanh (nay thuộc TP.Cần Thơ), ông Nam bị Ủy ban Quân quản huyện Phú Quốc bắt giữ ngày 28-5-1975 về hành vi vượt biên trái phép và chống người thi hành công vụ.

Trước thái độ ăn năn, cam kết sửa chữa lỗi lầm cùng với chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, ngày 31-8-1985 đối tượng được tạm tha, cho người thân bảo lãnh về nơi cư trú, không được đi khỏi địa phương nếu chưa có sự đồng ý.

Về lại nơi chôn nhau cắt rốn, thoạt đầu Hai Nam chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của địa phương, tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhằm tạo uy tín, nhưng đây chỉ là hành động che mắt thiên hạ để tiếp tục thực hiện trò tu dạy đạo tục tĩu dang dở.

Được sự giúp sức của các đệ tử thân tín Dương Văn H., Nguyễn Thành H., Ô Văn V., Thái Văn B... trong việc vận động, thuyết phục các tín đồ cũ phục hồi lại Đạo Dừa và dâng hiến con cái cho ông dạy “đạo bất tạo con”, thêm đám tay chân khéo tô vẽ, thêu dệt nhiều điều huyền bí nên cậu Hai vẫn còn nhiều người mê muội.

Từ tiền quyên góp và học phí thu được (tín đồ nam đóng 80 ngàn đồng, còn nữ nộp từ 100 - 200 ngàn đồng vào thời điểm 1986), Hai Nam mua hai chiếc ghe từ 2 - 7 tấn chở các tín đồ ra neo đậu giữa sông Ba Lai lén lút hành đạo.

Theo cậu Hai lý giải, mục đích của việc dạy “đạo bất tạo con” là để “đáp lại” chủ trương sinh đẻ có kế hoạch của Nhà nước và tuyên bố ông sẽ thắng.

Cũng như lúc còn tha thiết với Đạo Dừa, Hai Nam luôn miệng khoác lác đạo của mình thuộc loại táo bạo kiểu: “Bất tạo con là vô tông, vô tổ, vô bào thai nhằm cứu gái trai thoát khỏi vòng sinh - lão - bệnh - tử và không còn kiếp luân hồi” (!).

Để tạo niềm tin tuyệt đối, thông qua các mối quan hệ, Hai Nam mời một số giáo sư, bác sĩ chuyên khoa sản tại các bệnh viện lớn ở TPHCM đến dự thính những bài rao giảng và truyền đạt kinh nghiệm sinh đẻ có kế hoạch từ việc dạy “đạo bất tạo con”.

Đề cập đến vấn đề này, bà Diệu Ứng ngao ngán thở dài: “Các bác sĩ nói trên đều là dân Bến Tre, khi được đồng hương tha thiết mời đến gặp gỡ, giao lưu, họ đã vui vẻ nhận lời, đến lúc nghe cậu Hai thuyết giảng tầm phào về đao này thì họ bỏ về một nước”.

Sông Ba Lai - nơi Hai Nam lén lút dạy “đạo bất tạo con”

Bị quần chúng tố giác, chính quyền địa phương nhiều lần kiểm tra nhắc nhở, phạt hành chính nên năm 1989 Hai Nam thay thế tên gọi “đạo bất tạo con” thành “đạo gia đình chung sống”, nhưng hình thức chẳng có gì khác trong khi hoạt động lại rầm rộ hơn.

Từ tháng 5 đến tháng 8-1989, Công an huyện Châu Thành đã 6 lần kiểm tra nơi tụ tập sinh hoạt như thời nguyên thủy của Hai Nam, phát hiện trên 100 thanh niên nam nữ đến từ các tỉnh, thành không đăng ký tạm trú.

Nhằm chống chế, chạy tội cho việc làm trái pháp luật, băng hoại đạo đức và bịp bợm của mình, ngoài thủ đoạn dùng phương tiện phóng thanh xuyên tạc công cuộc xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Nhà nước ta, Hai Nam bắt đầu giở chiêu cũ là mặc cả, đòi yêu sách với chính quyền như muốn được ra nước ngoài gặp Tổng thống Gorbachev (Liên Xô cũ), Reagan (Hoa Kỳ)... để bàn về thời sự ở Đông Nam Á khiến tình hình an ninh chính trị tại địa phương thêm phức tạp.

(Còn tiếp)

Huỳnh Thanh Tuấn - Cao Nguyên

Bình luận (0)

Lên đầu trang